Việt Nam chưa hiểu đúng bản chất thuế tài nguyên
PV: - Ngày 21/8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về đề xuất tăng một số khoản mục thuế sử dụng tài nguyên sắt, titan, đồng, vàng, than... đa số các đại biểu đều đồng tình với đề xuất này để đảm bảo tài nguyên được sử dụng hợp lý. Quan điểm của ông thế nào về đề xuất này?
Th.S Phạm Quang Tú: - Mặc dù có một vài loại khoáng sản có trữ lượng tương đối lớn như Titan, bauxite, đất hiếm, nhưng phải khẳng định Việt Nam không phải là quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản. Những loại khoáng sản ấy dù lớn về mặt trữ lượng nhưng vì ta có và trên thế giới cũng có nhiều nên để huy động nó vào trong việc phát triển đất nước thì còn gặp rất nhiều khó khăn. Chúng ta có hai loại khoáng sản là than và dầu khí có giá trị kinh tế thì hiện đã khai thác gần như cạn kiệt. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, nếu định hướng phát triển kinh tế đất nước dựa vào khai thác tài nguyên thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tư duy phát triển đất nước dựa vào việc khai thác tài nguyên cần được loại bỏ nhanh chóng.
Bản thân tôi không phủ nhận vai trò của ngành công nghiệp khai khoáng như dầu khí và than đá trong những năm vừa qua thế nhưng cho đến nay, sứ mệnh lịch sử của việc khai thác tài nguyên để xuất khẩu nhằm tạo nguồn lực cho phát triển đã xông và cần phải chấm dứt để chuyển sang một giai đoạn mới.
Hiện Việt Nam đang định hướng phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu, tiền công nghiệp và để tiến đến là một đất nước công nghiệp còn một chặng đường chông gai phía trước. Trong đó, vai trò của tài nguyên khoáng sản là rất lớn bởi nó là nguyên liệu đầu vào, không thể thiếu phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Chính vì chúng ta không có nhiều, nhu cầu lại rất lớn vì vậy yêu cầu đặt ra là phải quản lý và sử dụng các loại tài nguyên khoáng sản một cách tiết kiệm và có hiệu quả. Và với yêu cầu đó, việc tăng các loại thuế liên quan đến tài nguyên khoáng sản là xu hướng đúng. Cá nhân tôi ủng hộ quan điểm tăng thuế của Chính phủ cũng như một số ý kiến đóng góp về việc tăng thuế trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua. Nhưng việc tăng loại thuế nào và với khung thuế suất bao nhiêu cần được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả nhà nước và doanh nghiệp.
ThS. Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng Viện Tư vấn & Phát triển (CODE) |
PV: - Ông đánh giá thế nào về các mức thuế suất hiện nay đang áp dụng cho sử dụng tài nguyên hiện nay, khi thuế suất với các loại khoáng sản chính như sắt, titan, đồng, than... đều áp dụng ở mức bình quân dưới 10%, đặc biệt, khi so với mức thuế của các nước trong khu vực và trên thế giới? Như vậy thì mức tăng được Ủy ban Quốc hội đề xuất đã phù hợp chưa, hay theo ông, cần phải tăng cao hơn?
Th.S Phạm Quang Tú: - Hiện trong ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở nước ta có rất nhiều loại thuế, phí khác nhau như thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ mô trường… vừa rồi đây chúng ta quy định thêm phí cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định của Luật khoáng sản 2010. Theo tôi, chúng ta có quá nhiều các loại thuế, phí nên gây khó khăn cho công tác quản lý và có những biểu hiện trùng nhau giữa các loại thuế, phí phải thu. Ví dụ như phí cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên.
Điều này không chỉ khiến cho Nhà nước gặp khó khăn cho việc quản lý mà còn là kẽ hở để doanh nghiệp trốn thuế. Vì vậy theo tôi chúng ta cần những biện pháp để giảm các đầu thuế, hạn chế trùng nhau nhưng đánh mạnh vào một số loại thuế cụ thể để có thể phát huy hiệu quả của việc thu thuế một cách cao nhất. Việc này có thể làm được nếu chúng ta có quy định về đấu giá mỏ.
Có một thực tế là chúng ta cần phải tăng thuế, nhưng cách tăng như thế nào để hợp lý, góp phần vào việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thì lại cần phải có sự tính toán kỹ lưỡng. Trong bối cảnh hiện nay, theo tôi loại thuế cần tăng nhất phải là thuế xuất khẩu để ngăn chặn việc chảy máu tài nguyên. Trong khi hiện tại, loại thuế mà chúng ta đang thảo luận và dự định tăng là thuế tài nguyên.
Đối với thuế tài nguyên, theo tôi ở Việt Nam chưa có cách hiểu đúng về bản chất của loại thuế này.
Thuế tài nguyên thực chất là giá trị nguyên khai của tài nguyên khoáng sản. Về nguyên tắc, tài nguyên khoáng sản là thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước quản lý, có nghĩa là người dân, thông qua Nhà nước được hưởng 100% giá trị nguyên khai của các loại tài nguyên khoáng sản. Các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác chỉ được hưởng lợi từ việc làm gia tăng giá trị của tài nguyên khoáng sản mà thôi. Vấn đề hiện nay là chúng ta không định được giá trị nguyên khai mà thay vào đó làm công việc đơn giản hơn đó là tính theo tỷ lệ % trên sản lượng khai thác, và như vậy xét về bản chất của nó là không đúng.
Vì thế, trong trường hợp thuế suất đang áp dụng cho sử dụng tài nguyên hiện nay với các loại khoáng sản chính như sắt, titan, đồng, than... đều ở mức bình quân dưới 10% để mà nói rằng đúng hay sai, đã phù hợp hay chưa, thông lệ như thế nào thì quả thật rất khó nói. Chúng ta đang đánh thuế vào một nội dung vấn đề nhưng nó lại không phản ánh đúng bản chất của nó đang xảy ra hiện nay khiến cho việc đưa ra những nhận định về biểu thuế là rất khó.
Đã cận kề "lời nguyền tài nguyên"
PV: - Trong vài chục năm nay, xuất khẩu khoáng sản Việt Nam vẫn kiên trì ở dạng thô, lấy số lượng đè chất lượng khiến cho nguồn tài nguyên trong nước tiến sát tới nguy cơ cạn kiệt. Ông lý giải như thế nào về chính sách phát triển "ăn thịt" tài nguyên của Việt Nam? Việt Nam đang và sắp phải gánh chịu những hậu quả thế nào, từ chính sách này?
Th.S Phạm Quang Tú: - Trên thế giới có rất nhiều quốc gia giàu tài nguyên khoáng sản nhưng nền kinh tế lại không thể phát triển vì quá dựa dẫm vào tài nguyên và rơi vào “lời nguyền tài nguyên”. Lý do là các quốc gia này không biết tính toán sử dụng hợp lý tài nguyên và nguồn thu từ tài nguyên để đầu tư phát triển lâu dài cho các ngành khác như giáo dục, khoa học, công nghệ kỹ thuật, chế biến…Và cuối cùng du thu về được ngoại tệ, nhưng số tiền ấy lại chui vào túi của một nhóm lợi ích và xã hội gần như không được hưởng lợi từ nó.
Trong trường hợp của Việt Nam hiện nay, có thể nói rằng chúng ta sẽ không bị rơi vào lời nguyền tài nguyên, thế nhưng chúng ta có nguy cơ đứng chân này chân kia, cận kề của miệng bẫy.
Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất là tháng 5/2013 này Viện giám sát nguồn thu của Mỹ có đưa ra một chỉ số đánh giá toàn cầu gọi là Chỉ số quản trị tài nguyên. Nghiên cứu này được thực hiện ở 58 quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Nghiên cứu chia các quốc gia thành 4 nhóm: đạt yêu cầu, đạt được một phần, yếu kém và mất kiểm soát. Và Việt Nam đứng thứ 43/58, đứng thứ cuối cùng trong nhóm yếu kém, có nghĩa là chỉ cần sẩy chân một chút chúng ta sẽ rơi vào nhóm mất kiểm soát, đây chính là những nước đang phải hứng chịu lời nguyền tài nguyên.
Chính vì vậy chúng ta phải quan tâm hơn đến vấn đề quản lý và khai thác tài nguyên hiệu quả, tiết kiệm. Nếu chúng ta cứ tiếp tục khai thác như thời gian vừa qua, hậu quả để lại sẽ vô cùng lớn.
Thứ nhất chúng ta sẽ bị cạn kiệt nguồn tài nguyên và sẽ không có đủ nguồn tài nguyên và nguyên liệu đầu vào để phục vụ chiến lược công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.
Thứ hai, nhà nước sẽ bị thất thu từ việc khai thác tài nguyên của đất nước.
Từ trước tới này chúng ta luôn lầm tưởng việc khai thác thô tài nguyên đem xuất khẩu ra thị trường để thu lại ngân sách là tốt, nhưng đó chỉ là cái tốt trước mắt và thực tế thì nhà nước thu được từ nguồn này không đáng kể. Theo nghiên cứu gần đây của Viện CODE về việc khai thác khoảng sản Titan tại Bình Định: doanh nghiệp càng chế biến sâu bao nhiêu thì nguồn thu của nhà nước tăng lên bấy nhiêu.
Ở trong chuỗi khai thác Titan nếu doanh nghiệp chế biến thành sản phẩm pigment thì nhà nước thu ngân sách lên đến 34-35% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu doanh nghiệp chỉ sản xuất ra ilmenit, một dạng quặng ở dạng thô thì nhà nước chỉ được hưởng từ 1-2%, tối đa là 3% doanh thu của doanh nghiệp. Nếu so sánh thì rõ ràng nhà nước thu được nhiều hơn rất nhiều khi doanh nghiệp chế biến sâu.
Thứ 3 là hậu quả về môi trường và xã hội, khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội nhiều nhất trong các hoạt động phát triển. Và hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn trong vấn đề phục hồi lại môi trường cũng như làm thế nào để người dân được hưởng lợi từ những khoáng sản ấy. Nếu chúng ta khai thác thô thì chúng ta phải thực hiện ở quy mô lớn, diện rộng hơn, nên hậu quả để lại về môi trường và xã hội để lại trong tương lai càng nhiều.Vì vậy nhìn một cách tổng quan là chúng ta đang ăn lạm vào tương lai.
Đã phải trả giá
PV: - Lâu nay các nước phát triển đều định hướng nhập tài nguyên từ các nước khác, trong khi tài nguyên hiện có thì bảo vệ chưa sử dụng để cho thế hệ mai sau (như Mỹ nhập khẩu dầu, Nauy nhập khẩu gỗ...). Có ý kiến cho rằng, trong tương lai không xa, có lẽ chỉ vài chục năm tới, chính những nước nghèo sẽ lại phải nhập khẩu ngược tài nguyên từ những nước phát triển với giá cao, dẫn đến sự phụ thuộc về kinh tế sâu hơn. Đó có phải là một nỗi lo xa hay thực tế được báo trước, thưa ông? Và những nước nghèo sẽ phải ứng phó ra sao với lời nguyên tài nguyên ngược này?
Th.S Phạm Quang Tú: - Việt Nam đã có thực tế về việc xuất khẩu tài nguyên và rồi phải nhập khẩu ngược lại chính tài nguyên đó với cái giá đắt hơn. Một ví dụ từ ngành than, ngành được xem là đã có nhiều đóng góp cho phát triển trong thời gian qua.
Sau 1 thời gian dài xuất khẩu than chúng ta luôn luôn lạc quan, hồ hởi khi báo cáo hàng năm sản lượng khai thác và xuất khẩu than tăng lên, thậm chí đến 50 triệu tấn một năm. Nhưng đến bây giờ chúng ta đã phải quay sang nhập khẩu than. Đặc biệt trong quy hoạch năng lượng của Việt Nam chúng ta, khi mà năng lượng thủy điện dần cạn kiệt, năng lượng điện hạt nhân dường như mới chập chững ban đầu, và năng lượng tái tạo như điện gió còn quá đắt đỏ thì trong thời gian 10 năm tới đây, Việt Nam phải phụ thuộc rất nhiều vào năng lượng nhiệt điện. Như vậy việc nhập khẩu lại than ngày càng tăng lên và với giá ngày càng đắt hơn. Đây chính là bài học cho bất cứ ngành khai thác khoáng sản nào của Việt Nam. Nếu chúng ta tiếp tục với lối tư duy ngắn hạn, ăn xổi như thế này chúng ta sẽ phải trả giá đắt trong tương lai.
Ta không thể không khai thác tài nguyên, nhưng chúng ta cần phải khai thác tài nguyên sao cho phù hợp với nhịp độ phát triển của xã hội. Trong giai đoạn hiện nay thì chúng ta cần phải tiết kiệm và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên, không thể khai thác tràn lan như hiện nay được.
PV: - Tài nguyên là tài sản quốc gia, ai sử dụng thì phải trả tiền cho đất nước, nhưng trên thực tế ở ta lại có những khoáng sản được ưu đãi thuế, bauxite là một ví dụ, ông nghĩ sao về trường hợp này? Liệu đấy có phải là một cách để hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế đất nước? Ông có đề xuất gì về vấn đề này?
Th.S Phạm Quang Tú: - Tài nguyên khoáng sản là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý, vì thế, nói một cách song phẳng, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân khi khai thác tài nguyên đều phải đóng góp cho xứng đáng với giá trị tài nguyên đó.
Thời gian vừa qua thì mô hình kinh tế của chúng ta có lẫn cả thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân và chúng ta cũng đã lẫn lộn giữa vai trò của thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế tư nhân cho nên nhiều doanh nghiệp nhà nước đã sử dụng luận điểm xã hội vào bài toàn kinh tế để tạo lợi cho mình.
Trên thực tế, trong một sân chơi kinh tế các doanh nghiệp phải sòng phẳng, bình đẳng với nhau. Ví dụ như khai thác bauxite ở Tây Nguyên, nếu tính hiệu quả kinh tế xã hội thì lỗ nhưng Tập đoàn than-khoáng sản luôn nói rằng khai thác than bởi vì lợi ích kinh tế xã hội và có tác động lan tỏa, góp phần phát triển Tây Nguyên. Nhưng thực tế không ai, cả kể chủ đầu tư biết được nó lan tỏa như thế nào, lan tỏa đến đâu và ai được hưởng từ đó.
Chúng ta cần phải trả lại cho các doanh nghiệp một sân chơi bình đẳng. Kinh tế là kinh tế và xã hội là xã hội. Các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp xã hội sau khi tạo được lợi nhuận sẽ sử dụng lợi nhuận đó cho mục tiêu xã hội. Các doanh nghiệp xã hội không chia lại lợi nhuận về các cổ đông như ở doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp cổ phần mà người ta sẽ sử dụng cái lợi nhuận đó cho các hoạt động xã hội.
PV: - Việt Nam được cho là một quốc gia có rất giàu nguồn tài nguyên và giáo dục luôn ý thức về điều đó, Nhưng trên thực tế thì Việt Nam cũng đang trên đà cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vậy theo ông hiện nay chúng ta có cần phải chú trọng việc giáo dục ý thức thế hệ tương lai của đất nước? Từ đó nên có những định hướng như thế nào về vấn đề này cho thế hệ trẻ?
Th.S Phạm Quang Tú: - Việt Nam đã từng có những thời điểm dạy cho học sinh tư duy “Rừng vàng biển bạc” vì thế, chúng ta tạo ra các doanh nghiệp chỉ để đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên tưởng chừng vô tận này ở tất cả các nguồn khoáng sản như dầu khí, than đá, gỗ…Và cho đến bây giờ, chúng ta đã phải trả giá đắt với việc làm đó.
Đến giờ chúng ta cần phải nhận thức được hậu quả đó và cần có hướng giải quyết phù hợp hơn. Trước nhất, chúng ta nên trang bị cho người dân những kiến thức cơ bản về sự khan hiếm và vai trò quan trọng của nguồn tài nguyên thiên nhiên trong phát triển đất nước. Trên cơ sở đó phải có những hành động cụ thể để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên có kế hoạch và hiệu quả.
PV: - Xin cảm ơn ông!