GS Tôn Thất Dương Kỵ và người vợ "cành vàng lá ngọc"

( PHUNUTODAY ) - Một người phụ nữ được sinh ra trong một gia đình khá giả, được coi là “cành vàng lá ngọc”, ấy vậy mà vì đất nước, vì gia đình, khi cần thiết, bà vẫn có thể đứng ra quán xuyến mọi việc với một tinh thần thép.

Vốn xuất thân trong một gia đình danh giá, người phụ nữ ấy có ánh mắt cương nghị, vầng trán rộng và luôn giữ một “tinh thần thép” trong mọi hoàn cảnh. Bà đã một mình gánh vác, vực dậy cơ ngơi của gia đình ngay cả khi chồng bị tuyên án tử hình. Người phụ nữ ấy có công lớn đối với Cách mạng Việt Nam. Bà là Trần Xuân Huệ Phương - phu nhân Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và là cháu nội của Đề đốc Trần Xuân Soạn.
[links()]
Hậu duệ tài năng của dòng họ Nguyễn

Tôn Thất Dương Kỵ tên thật là Nguyễn Phúc Dương Kỵ, thuộc hệ thứ nhất và hậu duệ thứ 4 của Nguyễn Phúc Ánh - triều vua Gia Long. Ông sinh năm 1914 tại làng Vân Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngay từ nhỏ ông đã mồ côi cha nhưng sớm có tinh thần tự học và chăm chỉ. Thời trai trẻ, ông đã là một học giả uyên thâm cả Tây học và Nho học. Cách mạng Tháng Tám thành công, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ là thư ký Hội trí thức cứu quốc Thừa Thiên Huế.

Từ năm 1947 đến 1955, ông dạy học tại trường Khải Định (trường Quốc học Huế). Tại đây, ông đã truyền bá tinh thần dân tộc, yêu nước, cách mạng cho học sinh, sinh viên.

Đồng thời cùng với một số nhà giáo, nhà báo yêu nước, văn nghệ sĩ tiến bộ ông đã lập ra tờ báo “Tiến hóa” làm cơ quan tranh đấu văn hóa, chính trị của tri thức miền Trung.

Sau khi Tiến Hóa bị địch đóng cửa, năm 1954, Giáo sư lại lập ra tờ Ngày Mai, cơ quan tranh đấu của phong trào đòi hòa bình, hiệp thương, tổng tuyển cử ở miền Trung. Cũng trong năm này, tờ Ngày Mai bị chính quyền Mỹ - Diệm đập phá và Giáo sư Dương Kỵ bị bắt giam một năm tù.

Năm 1955, sau khi ra tù, Giáo sư Dương Kỵ vào Sài Gòn dạy học tại trường Marie Curie, Đại học Văn khoa, Đại học Vạn Hạnh, đồng thời tiếp tục viết báo, đấu tranh cho hòa bình. Đến năm 1962 ông lại bị bắt vào tù, đến khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ ông mới được thả ra.

Tôn Thất Dương Kỵ tên thật là Nguyễn Phúc Dương Kỵ, thuộc hệ thứ nhất và hậu duệ thứ 4 của Nguyễn Phúc Ánh - triều vua Gia Long.
GS Tôn Thất Dương Kỵ tên thật là Nguyễn Phúc Dương Kỵ, hậu duệ thứ 4 của Nguyễn Phúc Ánh - triều vua Gia Long.

Đến năm 1964, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam, giáo sư Dương Kỵ được cử vào Ủy ban Trung ương với bí danh Dương Kỳ Nam. Trong thời gian này ông tiếp tục hoạt động ở Sài Gòn.

Ông cùng những người yêu nước khác lãnh đạo phong trào Dân tộc tự quyết Việt Nam với cương vị Ủy viên ban chấp hành và Ủy ban vận động hòa bình Việt Nam với cương vị Tổng Thư ký. Không lâu sau, để đàn áp phong trào đòi quyền tự quyết, chính quyền Sài Gòn đã tìm mọi cách ngăn cấm, đàn áp.

Chúng cho bắt Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và những người lãnh đạo phong trào rồi “tống xuất” ra Bắc qua cầu Hiền Lương với ý định sẽ làm cho trí thức miền Nam “mất mặt”, không dám đòi quyền tự quyết nữa.

Tuy nhiên, Giáo sư Dương Kỵ và những người cộng sự của ông đã làm chính quyền Sài Gòn “bẽ mặt” với tư thế hiên ngang bước qua cầu, rồi sau đó ông lại tìm cách vào Nam tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh cho đến ngày thống nhất đất nước.

Năm 1968, Giáo sư Dương Kỵ được cử làm Thư ký Ủy Ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông được bầu làm Ủy viên thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công tác ở cương vị này cho đến khi bị bệnh nặng qua đời năm 1987.

Trong suốt quá trình hoạt động của mình, Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ không chỉ là một giảng viên Văn khoa giỏi, một người thầy yêu nước và tâm huyết mà ông còn là người có vai trò rất lớn trong công cuộc đoàn kết dân tộc trong liên minh thống nhất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Để có điều kiện in sách báo và có tiền hoạt động, ngoài sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân, giáo sư Dương Kỵ còn có một may mắn là có một người vợ đảm đang, có tài thao lược, tháo vát, vừa cáng đáng được kinh tế gia đình, vừa che mắt được kẻ thù để nuôi giấu chiến sĩ cách mạng, lại vừa có những ý kiến đóng góp xác đáng cho sự nghiệp của chồng.

Bà là tấm gương sáng cho ý chí và nghị lực của phụ nữ Việt Nam của mọi thời đại

Người vợ tâm đầu ý hợp

Bà là Trần Xuân Huệ Phương - phu nhân Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và là cháu nội của Đề đốc Trần Xuân Soạn.
Bà Trần Xuân Huệ Phương - phu nhân Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ và là cháu nội của Đề đốc Trần Xuân Soạn.

Bà Trần Xuân Huệ Phương là con gái của Trần Xuân Giảng - con trai lớn của Đề đốc Trần Xuân Soạn. Trần Xuân Soạn vốn là người làng Thọ Hạc (nay là phường Đông Thị, thành phố Thanh Hóa). Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, vì không có tiền nuôi gia đình nên ông đã tòng quân thay cho con trai một phú hào.

Do có công lớn trong việc tiễu phỉ ở đất Bắc nên ông được thăng chức Đề Đốc. Đến năm 1884, Trần Xuân Soạn được điều về Huế để lo phòng giữ kinh thành.

Sau khi kinh thành Huế thất thủ năm 1886, Trần Xuân Soạn cùng Đinh Công Tráng và Phạm Bành ra Thanh Hóa lập căn cứ Ba Đình tiếp tục lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp. Trong thời gian này, gia đình ông vẫn sống ở Huế.

Trần Xuân Giảng con trai lớn của ông cũng giữ chức quan nhỏ trong triều. Sau đó được điều đi giữ chức tri huyện ở Phủ Yên.

Sau khi bị thực dân Pháp chiếm đóng, mặc dù quyền lợi của triều đình phong kiến không còn được như trước nhưng con cháu của triều đình nhà Nguyễn vẫn được học hành ở những trường danh giá.

Bà Trần Xuân Huệ Phương khi ấy cũng là một trong những người con gái thông minh, ham học nên bà đã được gia đình cho theo học tại trường nữ sinh Đồng Khánh.

Mặc dù được sinh ra trong một gia đình danh giá, là con của một mệnh quan triều đình nhưng bà lại có cách sống rất giản dị, khiêm tốn và ham học hỏi. Không chỉ giỏi về đèn sách, “cầm, kỳ, thi, họa” mà bà còn giỏi cả việc quán xuyến gia đình.

Sau ngày lấy Giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ, vợ chồng ông đã mở một nhà in nhỏ để in tài liệu, sách báo, đó là nhà in Phương Quỳnh - một trong những nhà in có tiếng ở Huế. Tại đây, một mặt bà nhận đánh máy, in tài liệu của chính quyền thực dân, mặt khác đây cũng là nơi in báo Tiến hóa, Ngày mai, và in các tài liệu của Mặt trận Việt Minh.

Số tiền kiếm được bà cũng quyên góp nhiều cho cách mạng. Sau khi Giáo sư Dương Kỵ bị bắt giam và kết án tử hình vắng mặt, đồng thời cho tịch thu hết tài sản và không cho luật sư biện hộ.

Tại phiên tòa xử hôm ấy, chỉ có bà Huệ Phương đến dự, bà đã rất bình tĩnh nhìn thẳng vào quan tòa và trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên một cách kiên nghị. Tại đây bà cũng đã nói trước tòa, chỉ được phép tịch thu tài sản của chồng, còn những gì là của vợ thì phải để lại để bà nuôi con.

Bằng những lời lẽ đanh thép, bà đã giành được một phần vốn đủ để mở một nhà in khác.

Sau đó bà vào Sài Gòn, thành lập nhà in Khánh Quỳnh. Tại đây, một mình bà đã quán xuyến từ việc đánh chữ, đến in ấn. Để che mắt chính quyền Ngụy, một mặt bà đã tỏ ra thân thiết với Ngô Đình Diệm, khiến y tỏ ra tin tưởng bà.

Nhờ đó mà bà đã nhận được những tù binh Việt Minh bị chính quyền Ngụy bắt giam, rồi đưa ra nhờ bà “quản lý” cho “lao động khổ sai”. Mặt khác, bên ngoài bà quản lý những tù binh Việt Minh này rất nghiêm khắc nhưng bên trong bà lại đối xử như những người trong gia đình.

Những bữa ăn hàng ngày được bà chuẩn bị chu đáo, và tất cả mọi người đều cùng ăn chung với nhau, không kể chủ hay thợ hay tù nhân. Đồng thời bà sử dụng những người tù nhân này cho việc in ấn các tài liệu của đoàn Thanh niên Sài Gòn - Chợ Lớn, từ đây các tài liệu được phân phát ra khắp thành phố mà chính quyền Mỹ - ngụy không hay biết.

Cũng tại nhà in Khánh Quỳnh, nhiều bộ đội Việt Minh bị thương đã được cứu chữa và giấu đưa ra miền Bắc. Những hoạt động đó của nhà in Khánh Quỳnh đã có ảnh hưởng tích cực và có vai trò quan trọng đối với phong trào Dân tộc tự quyết do Giáo sư Dương Kỵ lãnh đạo lúc bấy giờ.

Không chỉ quán xuyến công việc gia đình chu đáo, giúp chồng trong hoạt động cách mạng, bà còn hỗ trợ chồng đắc lực trong sự nghiệp trồng người. Trong thời gian ông dạy học tại Huế, vốn là một học sinh giỏi của trường Đồng Khánh, bà cũng đã giúp ông nhiều trong giảng dạy và chăm sóc học sinh.

Những học sinh nghèo hiếu học đều được bà nuôi dưỡng như những người con trong gia đình. Một trong số những người học sinh ấy cho đến giờ vẫn luôn tỏ lòng biết ơn mỗi khi nhắc đến bà đó là Giáo sư - tử tù Côn Đảo Lê Quang Vịnh.

Đối với gia đình, bà thay chồng chăm sóc và nuôi dạy con chu đáo. Vợ chồng ông bà có 9 người con, thì cả 9 người đều được học hành thành đạt và cả 9 người đều đi theo cách mạng, trong đó có một người con gái đã hy sinh khi bị giặc tra tấn trong nhà lao.

Mặc dù sinh ra trong một gia đình phong kiến, nhưng bà lại bị có tư tưởng của Tây học, dù là con trai hay con gái bà đều cho ăn học như nhau, và đối xử với con dâu cũng như con gái.

Tuy nhiên bà vẫn giữ được gia phong của một gia đình phong kiến đó là dạy con phải luôn biết kính trọng và nghe lời bề trên, đi đâu, làm gì phải thưa gửi rõ ràng, và tuyệt đối không được cãi lại, chỉ được phép nêu ý kiến và cùng thảo luận.

Chính nhờ có sự nghiêm khắc nhưng không áp đặt đó của bà mà tất cả con cháu trong nhà đều hết sức kính nể và khâm phục.

Một người phụ nữ được sinh ra trong một gia đình khá giả, được coi là “cành vàng lá ngọc”, ấy vậy mà vì đất nước, vì gia đình, khi cần thiết, “cành vàng lá ngọc” như bà vẫn có thể đứng ra quán xuyến mọi việc với một tinh thần thép.

  • Nguyễn Thị Hải
TAGS:
Theo: