Người lính giáo phái Cao Đài và cuộc truy sát Ngô Đình Diệm

22:57, Thứ bảy 16/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Ông Mười Trí đã “đeo” theo Ngô Đình Diệm từ Tòa thánh Tây Ninh đến Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, rồi lên Hội chợ Kinh tế Cao nguyên ở Buôn Mê Thuột để thực hiện “phát súng trên cao nguyên” tuy không giết chết được Diệm nhưng đã làm đảo điên chính trường Sài Gòn.

(Phunutoday) - Số phận ly kỳ đã làm cho một cậu bé suýt chết vì nạn đói khủng khiếp năm 1945, phải dắt người bà mù lòa rời vùng quê Nghi Lộc (Nghệ An) về thành phố Vinh để đi ăn xin, trở thành cậu bé chiến sĩ an ninh biệt động ở thành phố biển ở phương Nam Vũng Tàu. Số phận của của cậu bé ấy càng tiếp tục ly kỳ hơn khi sau đó đã trở thành người lính của giáo phái Cao Đài với nhiệm vụ tối quan trọng là ám sát cho bằng được tên Tổng thống tay sai, bù nhìn Ngô Đình Diệm.

[links()]
Ông Mười Trí đã “đeo” theo Ngô Đình Diệm từ Tòa thánh Tây Ninh đến Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, rồi lên Hội chợ Kinh tế Cao nguyên ở Buôn Mê Thuột để thực hiện “phát súng trên cao nguyên” tuy không giết chết được Diệm nhưng đã làm đảo điên chính trường Sài Gòn.

Em nuôi người huynh trưởng Cao Đài

Rời thành phố Vũng Tàu vào tháng 8/1948 sau khi đã gây kinh hoàng cho bọn sĩ quan Pháp bằng những lần đánh xuất quỷ nhập thần bằng lựu đạn vào các vũ trường, quán bar, Đình Dũng (tên của Hà Minh Trí khi tham gia vào Đội An ninh biệt động N2 ở Vũng Tàu) được cơ quan An ninh của của ta tổ chức đưa lên Tây Ninh để tham gia vào lực lượng võ trang giáo phái Cao Đài vì những kế hoạch lâu dài.

Bằng sự lanh lợi, tháo vát trời cho, cùng với bản lĩnh, sự từng trải do vào đời quá sớm, cậu bé Đình Dũng đã không mấy khó khăn để lân la làm quen, lấy cảm tình viên thiếu úy Phạm Ngọc Chẩn – một đồn trưởng quân đội Cao Đài ở Tây Ninh. Đình Dũng cải trang là trẻ chăn trâu để có thể lân la tiếp cận vào đồn.

Ban đầu Đình Dũng la cà làm quen với những trẻ chăn trâu quanh đồn, chỉ cần một ít bánh kẹo là cậu bé có thể nhờ những đứa trẻ chăn trâu dạy cho cách cỡi trâu. Chỉ cần vài buổi là cậu bé chưa từng một lần ngồi trên lưng trâu đã có thể “ngồi lưng trâu quất ngọn cờ lau và miệng hát nghêu ngao” lân la quanh đồn.

Viên đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn đã dần có cảm tình với cậu bé chăn trâu lễ phép, dễ mến, biết đánh võ, biết cả tiếng Nhật. Đình Dũng được nhận vào làm thằng nhỏ giúp việc cho đồn trưởng, hàng ngày đi chợ, nấu cơm, giặt giũ cho y, lúc rảnh rỗi thì múa võ, nói tiếng Nhật cho anh ta nghe đỡ buồn.
Ông Hà Minh Trí
Ông Hà Minh Trí

Ở trong đồn, vừa tranh thủ lấy cảm tình của viên đồn trưởng, theo chỉ thị của cấp trên, Đình Dũng vừa tranh thủ vẽ sơ đồ khu vực đồn, thu thập tin tức về quân đội Cao Đài, hàng ngày báo cho đường dây liên lạc của cơ quan An ninh của Ủy ban Hành chánh kháng chiến tỉnh Tây Ninh.

Ở trong đồn được gần 2 tháng, không hiểu vì lý do gì, Đình Dũng và đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn bất ngờ bị đội công tác đặc biệt của quân đội Cao Đài Tây Ninh bắt đưa về tạm giam ở Tòa thánh Tây Ninh. Mãi cho tới bây giờ ông Mười Trí vẫn không giải thích được vì sao ông và viên đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn bị bắt, có thể do một bản báo cáo vẽ sơ đồ khu vực đồn cùng những số liệu về quân đội Cao Đài đã bị lọt vào tay quân Pháp, rồi đến tay quân đội Cao Đài cũng nên.

Đình Dũng và đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn bất ngờ bị bắt rồi cũng bất ngờ được thả ra nhờ sự can thiệp của Trung tá Phạm Ngọc Chấn - Tư lệnh quân đội Cao Đài Miền Tây, là anh ruột của đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn.

Trở về tiếp tục giúp việc cho đồn trưởng Phạm Ngọc Chẩn và ngày càng gắn bó với giáo phái Cao Đài, Đình Dũng được yêu cầu tạm dừng cung cấp thông tin ra ngoài để tránh bị lộ. Đến giữa năm 1953, do thấy dấu hiệu bị thực dân Pháp theo dõi, Đình Dũng được tổ chức bí mật rút ra căn cứ công tác trong Ban An ninh tỉnh Tây Ninh.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, thực dân Pháp phải cuốn gói về nước, trả lại quyền tự quyết cho dân tộc Việt Nam. Đình Dũng có tên trong danh sách cán bộ tỉnh Tây Ninh tập kết ra Bắc theo tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Nhưng Đình Dũng đã bí mật ở lại, được tổ chức sắp xếp đưa vào hoạt động trong nội thành Tây Ninh với tư cách là tín đồ thành viên của lực lượng vũ trang Cao Đài ly khai với cái tên lạ hoắc trong thẻ tín đồ là Triệu Thiên Thương, cái tên đã gắn bó với ông suốt cả cuộc đời với cách gọi thân mật “Mười Thương”.

Từ lúc này, người thanh niên mới 19 tuổi mà đã trải qua rất nhiều môi trường sống, công tác, chính thức trở thành tín đồ Cao Đài, là người lính của giáo phái Cao Đài. Vì nhiệm vụ cách mạng mà ông trở thành tín đồ của một giáo phái có đông tín đồ nhất ở Việt Nam thời đó, ông cũng bỏ công học tập giáo lý, tôn chỉ của những người sáng lập ra giáo phái.
Trong thâm tâm, ông rất trân trọng, có cảm tình với những định hướng chân, thiện, mỹ của đạo Cao Đài và ông đã hành đạo như một tín đồ ngoan đạo thực thụ. Đó là cơ duyên để sau ngày miền Nam giải phóng, ông từ ngành công an được chuyển về phụ trách Ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh.

Giáo phái hùng mạnh và “tiểu quốc” Cao Đài

Đạo Cao Đài được ngài Ngô Văn Chiêu sáng lập năm 1926 tại Chợ Lớn. Khi ấy trên toàn cõi Việt Nam chỉ có 2 tôn giáo chi phối mạnh mẽ lòng tín ngưỡng của người dân là Phật Giáo và Thiên Chúa giáo, cùng với những dấu ấn của Nho giáo đã in sâu từ hàng ngàn năm trong đời sống người dân.

Đạo Cao Đài ra đời là sự kế thừa, tổng hợp của của các tôn giáo đang chi phối mạnh mẽ đời sống người dân. Biểu tượng thiêng liêng của đạo Cao Đài là hình Một Mắt, tượng trựng cho sự thấu suốt mọi lẽ huyền vi của vũ trụ và thế giới tâm linh.

Đức Ngô Văn Chiêu không tạo ra một vị thánh nào của riêng cho đạo Cao Đài, mà chọn lựa nhiều hình tượng đang có sức chi phối lớn tình cảm dân chúng để tôn vinh và thờ phượng, từ những bậc thánh nhân như Đức Phật Thích Ca, Đức Chúa Jesus, Lão Tử, Khổng Tử, cho đến những những nhân vật đời thường như Victor Hugo (văn hào Pháp) cùng nhiều nhân vật lịch sử, tôn giáo và văn hóa khác trong và ngoài nước để thờ phượng như những thánh nhân.

Ra đời trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược, nhiều cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước lần lượt bị thất bại, con đường giải phóng dân tộc đang bị bế tắc, đạo Cao Đài cũng mang trong mình tinh thần yêu nước, có xu hướng chống đối thực dân xâm lược.

Với một đạo pháp chủ trương hòa đồng, mang tính dân tộc như thế, tuy rất dễ được quần chúng quan tâm và chấp nhận, nhưng thực tế giai đoạn đầu đạo Cao Đài không có gì nổi bật, chưa thu hút được nhiều tín đồ.

Dưới ách thống trị hà khắc của thực dân xâm lược, người dân sống lầm than kiếp nô lệ kéo dài, trong khi các tôn giáo lớn khác không có chủ trương gì rõ ràng giúp cứu nguy, chấn hưng dân tộc, nên càng ngày càng mất sức hấp dẫn đối với người dân.

Nhờ vậy mà khi đạo Cao Đài có những biểu hiện đối lập với thực dân xâm lược, cổ súy độc lập dân tộc, tôn giáo mới mẻ này đã thu hút được rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khi Cao Đài Cứu Quốc được thành lập đứng về phía cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước của dân tộc, đạo Cao Đài càng được nhân dân ủng hộ.

Một người con của Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương (đứng đầu Cao Đài Bến Tre, một hệ phái lớn tách ra từ Cao Đài) là kỹ sư Nguyễn Ngọc Nhựt đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa bên Pháp để trở về nước tham gia kháng chiến theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi bị thực dân Pháp bắt, anh chấp nhận hi sinh chứ không chịu cộng tác với kẻ thù, Đức Giáo Tông Nguyễn Ngọc Tương cũng từ chối lời khuyến dụ của thực dân Pháp khuyên nhủ con mình từ bỏ con đường kháng chiến để được sống.
Loại súng MAT-49 ông Hà Minh Trí mang theo để ám sát Ngô Đình Diệm.
Loại súng MAT-49 ông Hà Minh Trí mang theo để ám sát Ngô Đình Diệm.

Tất cả những yếu tố đó đã giúp cho đạo Cao Đài có bước phát triển mạnh mẽ chỉ trong một thời gian ngắn, đạo Cao Đài lan rộng ra toàn khắp lục tỉnh Nam Kỳ và phát triển ra đến Nam Trung Bộ. Đầu những năm 1950, tổng số tín đồ Cao Đài lên gần 2 triệu, chiếm gần 20% dân số khu vực miền Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nơi mà đạo Cao Đài đã truyền bá đến, vượt xa số lượng tín đồ các tôn giáo khác.

Tòa Thánh Cao Đài trung tâm đặt tại Tây Ninh, phần lớn các xã ở Nam Bộ đều có thất Cao Đài, sinh hoạt nội bộ của hàng giáo phẩm và giáo dân Cao Đài rất chặt chẽ, công phu. Tiến thêm một bước, giáo phái Cao Đài chủ xướng tình trạng “cát cứ”, tổ chức Tòa Thánh Tây Ninh gần giống hình thức bán tự trị, một lãnh thổ trong một quốc gia, có quân đội riêng lên đến 25 ngàn người với trang bị vũ khí không thua kém quân đội quốc gia.

Cùng với giáo phái Cao Đài ở Tây Ninh, giáo phái Hòa Hảo ở miền Tây cũng thành lập lực lượng võ trang cho riêng mình cùng với ý đồ “cát cứ” một vùng lãnh thổ. Sự phát triển vượt bậc của giáo phái Cao Đài, giáo phái Hòa Hảo, nhất là khi hai tôn giáo này thành lập cả quân đội, rồi xu hướng chống thực dân trong các giáo phái, đã làm thực dân Pháp rất lo lắng, tìm cách khống chế. Pháp thua ở Điện Biên Phủ, buộc phải cuốn cờ về nước.

Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng rồi hạ bệ Bảo Đại để làm “Quốc trưởng”, ông ta bộc lộ ngay là kẻ tay sai ôm gót ngoại bang, vì vậy mà bị sự chống đối của giáo phái Cao Đài nói riêng và các tôn giáo nói chung.

Tín đồ Triệu Thiên Thương trong cơn lốc thời cuộc

Không tập kết ra Bắc, bí mật ở lại miền Nam trong vỏ bọc tín đồ Cao Đài Tây Ninh có cái tên là Triệu Thiên Thương, ông Mười Trí đã sống trong cơn lốc thời cuộc rất đặc biệt trong những năm từ 1954 đến 1957. Ngô Đình Diệm đã ngấm ngầm, rồi công khai phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, quyết tâm ôm gót ngoại bang Hoa Kỳ, chia cắt lâu dài đất nước ta.

Trong khi đó, Chính phủ VNDCCH ở miền Bắc và Cách mạng miền Nam vẫn kiên trì đấu tranh chính trị đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành Hiệp định, thực hiện tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Ta chủ trương không dùng bạo lực, chưa cho phép đấu tranh vũ trang, tự giác chấp hành nghiêm túc tinh thần Hiệp định Giơ-ne-vơ. Vừa lật lọng phản bội Hiệp định, phản bội Tổ quốc, Diệm vừa tranh thủ thời cơ Cách mạng miền Nam chỉ đấu tranh chính trị, đã ra sức lùng sục, bắt giết, tra tấn, tù đày những người kháng chiến cũ còn ở lại miền Nam.

Đồng thời Diệm cũng mua chuộc, tấn công, tiễu trừ quân đội các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên. Bình Xuyên thì nhanh chóng qui hàng Diệm với sự đầu hàng của thủ lĩnh Bảy Viễn. Quân đội Hòa Hảo bị đánh tan tác ở miền Tây, thủ lĩnh Năm Lửa rút quân về Đồng Tháp Mười cố thủ.

Chỉ có giáo phái Cao Đài còn tiếp tục cầm cự sau cùng. Nhưng với sự giúp sức của CIA Mỹ, qua trung gian của Đại tá Lansdale, chính quyền Diệm đã mua chuộc được các tướng lĩnh Cao Đài là Trịnh Minh Thế và Nguyễn Thành Phương với cấp hàm và lợi ích vật chất rất hậu hĩnh trong chính quyền Ngô Đình Diệm.

Trong tình hình đó, cuối năm 1955, quân đội VNCH của Diệm đã tấn công vào chiến khu Cao Đài Tây Ninh. Tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân đội gíao phái Cao Đài không đương đầu nổi, Hộ Pháp Phạm Công Tắc buộc phải đào thoát sang Cao Miên sống lưu vong trong tháng 2/1956. Phần lớn binh sĩ Cao Đài buông súng xin quy hàng, số còn lại tản mác về miền Tây tiếp tục chiến đấu nhưng rồi cũng tan rã dần, không để lại dấu ấn nào.

Như chúng ta đã biết, mãi đến khi phong trào Đồng Khởi diễn ra vào đầu năm 1960, cách mạng miền Nam mới chính thức tổ chức đấu tranh vũ trang chống lại chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, quyết tâm giải phóng miền Nam.

Suốt những năm dài từ 1955 đến phong trào Đồng Khởi, những cán bộ cách mạng còn lại ở miền Nam phải vất vả lẩn tránh sự truy lùng của chính quyền Diệm, nhưng phần lớn đều bị bắt, tù đày, giết chóc. Diệm cho lê máy chém khắp miền Nam để trấn áp ý chí đấu tranh đòi thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Trong tình thế ấy, nhiều cán bộ không thể ngồi yên chờ chết, quyết đánh trả chính quyền phản động Ngô Đình Diệm, nhưng để không vi phạm qui định chung, họ đã có sáng kiến mượn danh các giáo phái để đánh lại Diệm. Trong giai đoạn ấy, tại chiến khu Rừng Sác, dọc theo sông Soài Rạp, bỗng xuất hiện Tiểu đoàn 508 mang danh giao phái Bình Xuyên, mặc dù Bảy Viễn đã “ra thành” đầu hàng Diệm.

Tiểu đoàn thiện chiến ấy do Sáu Nam và Chín Râu chỉ huy, là những cán bộ cách mạng không đi tập kết. Tiểu đoàn 508 đã đánh những trận vang dội, như trận đánh chiếm đồn Lý Nhơn của quân đội Diệm, bắt hơn 100 lính ngụy, thu hàng tấn vũ khí. Diệm lồng lộn tức tối, ra rả trên đài tố cáo phía cách mạng phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ (?)

Ông Sáu Nam, người chỉ huy Tiểu đoàn “Bình Xuyên” 508 năm nào hiện vẫn còn sống, ông cho biết, dù cán bộ chiến sĩ của tiểu đoàn 508 lúc ấy cải trang giống hệt quân đội Bình Xuyên, nhưng tính cách “anh bộ đội Cụ Hồ” thì không thể lẫn vào đâu được, vì vậy mà nhân dân biết là “người mình”, họ phấn khởi khi biết lực lượng cách mạng vẫn còn ở miền Nam.

Cùng lúc ấy ở vùng Đồng Tháp Mười cũng xuất hiện Tiểu đoàn 509, là lực lực cách mạng nhưng mượn danh giáo phái Cao Đài, đánh cho quân đội Diệm những trận tơi bời. Không chỉ mượn danh các giáo phái để đánh Diệm, tự bảo vệ mình, những nhà lãnh đạo cơ quan An ninh của cách mạng miền Nam khi ấy còn định đi xa hơn, khi lên kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm, bởi tay Tổng thống bù nhìn này là nguyên nhân chính làm cho Hiệp định Giơ-ne-vơ không thể thực thi, đất nước bị chia cắt.

Và để không vi phạm chủ trương chung, ngay cả kế hoạch táo bạo ám sát Ngô Đình Diệm cũng phải mượn danh giáo phái. Và không ai có thể đảm nhận nhiệm vụ tối quan trọng này tốt hơn người chiến sĩ an ninh cách mạng nhưng đang khoác áo lính giáo phái Cao Đài, đó là tín đồ Triệu Thiên Thương, tức chiến sĩ an ninh Đình Dũng ngày trước, và là người tử tù Hà Minh Trí sau này.

Ông Hà Minh Trí cho biết, đích thân những người lãnh đạo cơ quan an ninh của cách mạng miền Nam khi ấy như ông Mai Chí Thọ, ông Mười Hương đã vạch ra kế hoạch này và giao nhiệm vụ đặc biệt này cho ông Mười Trí. Trận địa ban đầu được giăng ra để chờ đón Ngô Đình Diệm là Tòa Thánh Tây Ninh, sau chuyển xuống Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, cuối cùng là vùng đất cao nguyên Buôn Mê Thuột.

Điểm hẹn Buôn Mê Thuột

Kế hoạch của Ngô Đình Diệm đến Tòa Thánh Tây Ninh để thị uy sau khi quân đội của ông ta dẹp tan quân đội giáo phái Cao Đài, ông Mười Trí và cơ quan an ninh của ta ở Tây Ninh biết trước là sẽ diễn ra trong tháng 10/1956 và giăng bẫy chờ sẵn. Nhưng Ngô Đình Nhu và cơ quan mật vụ của Diệm quá cẩn trọng và cao tay, đã bất ngờ tổ chức chuyến đi cho Diệm không kèn không trống, làm quá bất ngờ, ông Mười Trí và các đồng đội không thể trở tay kịp.

Sau đó là kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm tại đêm hành lễ Giáng Sinh 24/12/1956 tại Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Kế hoạch này được chuẩn bị công phu, rất hoàn hảo, ông Mười Trí và 1 đồng đội đã thực hiện được phương án áp sát Ngô Đình Diệm từ phía sau, chỉ cách 4 – 5 mét, hai khẩu súng ngắn sẽ cùng nhả đạn nhắm vào đầu vị Tổng thống tay sai bù nhìn khi ông ta đứng dậy hành lễ.

 Thế nhưng, hai sát thủ sau khi vượt qua bao hàng rào kiểm soát ngặt nghèo, đã vào sẵn vị trí, đạn đã lên nòng, chỉ còn chờ đúng nửa đêm Ngô Đình Diệm bước vào nơi hành lễ là ra tay, thì cuối cùng Diệm lại không đến Nhà thờ Đức Bà như đã định, mà “giở chứng” cùng đoàn tùy tùng đi về dự lễ nơi biên giới xa xôi ở huyện Đức Huệ, tỉnh Hậu Nghĩa (Long An ngày nay). Lại thêm một lần nữa ông Mười Trí “lỡ hẹn” với Ngô Đình Diệm.

Đến lần thứ ba, ông Mười Trí và cơ quan an ninh của ta đã phân tích, đánh giá tình hình và đưa ra nhận định Ngô Đình Diệm sẽ đến Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên ở Buôn Mê Thuột, và ông Mười Trí đã không “quá tam ba bận” đón hụt tay Tổng thống ma mãnh này. Một cuộc chạm trán trong tích tắc ở Buôn Mê Thuột đã làm sôi động cả miền Nam, làm thay đổi chính trường Sài Gòn sau đó và làm thay đổi lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam.

Đầu tháng 2 năm 1957, đài phát thanh Sài Gòn và nhiều tờ báo đưa tin Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên tại Buôn Mê Thuột sẽ khai mạc vào ngày 22/2/1957. Hội chợ mang tính toàn vùng, nhằm tạo thanh thế cho chính quyền Ngô Đình Diệm trên vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng.
1
Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, nơi Hà Minh Trí là tín đồ.

Phân tích, đánh giá sự kiện, nghe ngóng diễn biến trong “Phủ Đầu rồng”, ông Mười Trí và các đồng đội nhận định Diệm sẽ có mặt ở Buôn Mê Thuột vào ngày khai mạc hội chợ để cắt băng khai mạc. Vậy là, trên những chuyến xe đò ngược xuôi Sài Gòn – Buôn Mê Thuột lúc ấy, thường xuyên có một hành khách là tín đồ Cao Đài.

 Người ấy đến Buôn Mê Thuột, xong đến lân la ở nơi sẽ diễn ra hội chợ, rồi tìm đến một người quen cũng là tín đồ Cao Đài ở đây. Xong, người ấy quay về Sài Gòn cùng các cộng sự vẽ lại sơ đồ, tính toán phương án đột nhập vào Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên.

Chỉ trong vòng nửa tháng mà ông Hà Minh Trí đã có 3 chuyến đi về giữa Sài Gòn và Buôn Mê Thuột xa xôi, cùng lúc với việc dựng thử sa bàn hội chợ, tính toán phương án hành động, những tình huống có thể diễn ra...

Chiều 21/2/1957, Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo (nhân vật Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa) và đoàn tùy tùng đã có mặt ở Buôn Mê Thuột để sáng sớm hôm sau dự lễ khai mạc hội chợ. Cũng vào lúc 5 giờ chiều ngày 21/2/1957, tại bến xe Chợ Lớn, có 2 người khách, một nam một nữ, lấy vé xe tuyến Sài Gòn – Buôn Mê Thuột.

Họ lên xe, người khách nam ngồi băng ghế trước, mặc áo khoác, không mang theo hành lý gì, vẻ mặt ung dung tự tại. Người khách nữ ngồi băng ghế sau, trên đùi có giỏ hành lý, bên trong là khẩu súng tiểu liên MAT-49 đã được cửa nòng, cưa báng súng (cho gọn nhẹ) và băng đạn 21 viên đã tháo rời khỏi súng.
Ông Hà Minh Trí
Ông Hà Minh Trí

Chiếc xe đò khởi hành khỏi Sài Gòn, băng mình trong đêm tối hướng về cao nguyên, trên xe mọi người đều ngủ do mệt nhọc trên chuyến đi dài, chỉ duy hai người hành khách nọ là không ngủ. Họ không hề trò chuyện gì nhau, chỉ thỉnh thoảng đưa mắt ra ám hiệu cho nhau, mỗi người đều theo đuổi những kế hoạch của riêng mình, mắt họ nhìn ra những đồi núi trập trùng trong màn đêm. Chiếc xe đò đến Buôn Mê Thuột lúc 5 giờ sáng, còn cách 2 tiếng nữa là tới giờ khai mạc Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên.

Hai người hành khách nói trên ghé vào một quán ăn sáng gần bến xe, người hành khách nữ kín đáo trao súng đạn cho người hành khách nam, người nam nhanh chóng giắt vũ khí vào người, bên trong lớp áo khoác. Xong người nam ra lệnh: “Cô lấy vé lên xe đò về ngay Sài Gòn”. Người nữ nhẹ nhàng nói: “Tôi ở lại, có thể hỗ trợ anh được chuyện gì...”.

Người nam ra lệnh dứt khoát: “Sau khi súng nổ, tôi hoặc hi sinh, hoặc bị bắt, không còn khả năng khác, cô ở lại có thể cũng bị bắt theo, chẳng ích gì”. Người khách nam ấy là tín đồ Cao Đài Triệu Thiên Thương, người vừa mới cầm trong tay giấy căn cước giả mang tên Hà Minh Trí, ông sắp thực hiện vụ ám sát lừng danh trong lịch sử cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, vụ ám sát sau này được gọi bằng cái tên “Phát súng trên cao nguyên”.

Sau khi người đồng đội nữ lên xe quay về Sài Gòn, ông Hà Minh Trí với khẩu tiểu liên giấu trong người đi về phía Hội chợ Kinh tế Cao Nguyên sắp khai mạc. Cùng lúc, Ngô Đình Diệm cùng đoàn tùy tùng cũng rời khỏi khách sạn đi đến hội chợ...
 

  
Thiên Thanh
[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc