Văn hóa, Giáo dục ngược chiều vun vút

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trong khi ngành Văn hóa đang ra sức cấm và phạt các nghệ sỹ ăn mặc phản cảm với mong muốn giáo dục con người thì ngành Giáo dục lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của showbiz. Mới đây, việc đưa hình ảnh của Nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh vào đề thi học sinh giỏi dường như phần nào chứng minh cho điều này. Phải chăng Giáo dục và Văn hóa đang đi trên một con đường ngược chiều?

Theo sự phát triển của xã hội hiện đại, làng giải trí cũng không thể quá im lìm và 'sạch sẽ'. Đã là giới showbiz thì những thị phi và hành động phản cảm là điều không thể thiếu. Dưới cái nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, “Showbiz là một phần đời sống mà bất cứ xã hội nào cũng có. Nếu nó tốt, nó tác động xã hội rất nhanh. Nhưng nếu dở, tác động cũng nhanh vô cùng".

"Càng ngày truyền thông càng phát triển, người ta tiếp xúc với showbiz nhiều hơn (sân khấu trực tiếp, truyền hình, báo chí, blog, video, mạng xã hội...). Từ đó showbiz lộ ra ngày càng nhiều những điều phản cảm, khiến xã hội cảm thấy lo sợ rằng chúng sẽ ảnh hưởng đến con cái, đến thế hệ trẻ", ông cho biết.

Dường như đã nắm bắt được điều này, nên ngành Văn hóa nay đã cứng rắn và có những giải pháp mạnh hơn để chấn chỉnh các nghệ sỹ tham gia Vbiz. Nếu ngày trước khán giả chỉ biết than ngắn thở dài, lắc đầu nguầy nguậy với những pha chiêu trò, ăn mặc phản cảm đến đáng sợ của nghệ sỹ trên sân khấu, thì nay họ đã có thể thỏa mãn bởi cái sự công bằng, văn minh của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch khi liên tiếp đưa các sao nhà mình vào khuôn khổ cho phép.

Ngành Văn hóa mạnh mẽ răn đe những hotgirl gây phản cảm như Bà Tưng và Phương Trinh.

Sau hàng loạt những pha ăn mặc phản cảm của ca sĩ, người mẫu khiến dư luận 'nóng mắt' hồi năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Văn hóa đã ký thông báo về chấn chỉnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang. Trong thông báo nêu rõ Bộ sẽ giao Cục Nghệ thuật Biểu diễn thảo công văn đề nghị các đài truyền hình, phát thanh không phát sóng các chương trình nghệ thuật nội dung sai với giấy phép, có “hát nhép”, “nhạc nhái”, trang phục nghệ sĩ không phù hợp thuần phong mỹ tục.

Đặc biệt Bộ sẽ tập trung bổ sung, sửa đổi Nghị định số 75 về xử phạt hành chính, mở rộng hình thức tước giấy phép công diễn và cấm biểu diễn từ 6 tháng tới 2 năm đối với các nghệ sĩ tự tiện thay đổi nội dung tiết mục và mặc trang phục, hóa trang gây phản cảm, lợi dụng giao lưu với khán giả để phát ngôn thô tục, sử dụng băng đĩa nhạc để hát nhép.

Không chỉ đưa ra những quy định chung chung, Bộ Văn hóa còn chủ động giáo dục cho các nghệ sỹ đi theo một khuôn khổ văn minh, lành mạnh. Trật tự của showbiz được thiết lập bằng hàng loạt các lệnh cấm cũng như án phạt dành cho nghệ sỹ. 

Năm ngoái, Sở Văn hóa TP.HCM đã có quyết định chính thức xử phạt ca sĩ Thu Minh vì ăn mặc phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục trong đêm trình diễn Ngàn sao hội tụ. Ca sĩ Thu Minh bị xử phạt 3,5 triệu đồng và không kèm theo hình phạt bổ sung. Dù mức phạt này được cho rằng chỉ mang tính chất "rung cây nhát khỉ" tuy nhiên nó cũng là một bài học để các nghệ sỹ khác nhìn vào. Khi bị phạt, dù kinh tế không bị tổn thất nhưng chắc hẳn lòng tự trọng và hình ảnh của nghệ sỹ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng.

Cũng trong năm 2012, vụ việc ca sĩ Minh Hằng mặc quần ren phản cảm trong chương trình có nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng khiến BTC chương trình lĩnh mức phạt 3,5 triệu đồng. 

Theo một khảo sát của VNE, gần 75% độc giả cho rằng, hình phạt thích hợp nhất đối với các nghệ sĩ ăn mặc phản cảm là cấm biểu diễn một thời gian. 6,5% độc giả ủng hộ hình thức phạt tiền; 3,4% đồng ý chỉ cần cảnh cáo. Trong khi đó, hơn 15% số phiếu nghiêng về giải pháp không cần xử phạt trong trường hợp này.

Và ngành Văn hóa đã thể hiện sự 'mạnh tay' của mình hơn bao giờ hết khi quyết định cấm vận nhân vật Bà Tưng tại mọi sân khấu biểu diễn khi hotgirl này mới chỉ có ý đồ xâm lấn showbiz bằng những chiêu trò phản cảm. Với "liều thuốc đắng" tới từ cơ quan chức năng, mọi sự nổi tiếng bằng việc tạo scandal của cô gái trẻ này đã tan tành như bong bóng. Không được phép biểu diễn tại bất cứ tụ điểm, sân khấu nào chính là đòn chí mạng đánh vào tham vọng của những cô gái liều lĩnh như Bà Tưng. 

Mới đây nhất phải nhắc đến đó là việc 'bà mẹ nhí' Angela Phương Trinh cũng bị cấm biểu diễn trên phạm vi toàn quốc do ăn mặc hở hang, phản cảm và múa cột trong quán bar. Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu các sở tạm dừng cấp phép cho Angela Phương Trinh tham gia các chương trình cho đến khi chấp hành xong những quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan Thanh tra Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền.

Cùng với đó là hàng loạt quyết định 'treo mic', án phạt đối với các ca sĩ như Bùi Anh Tuấn, Cao Thái Sơn... vì những lí do rất xác đáng không thể chối cãi.

Tuy nhiên, trong khi ngành văn hóa, giải trí đang nỗ lực răn đe và giáo dục nghệ sỹ thì ngành Giáo dục dường như lại đang trên con đường 'showbiz hóa'. Cụ thể ở đây ấy chính là việc ra đề thi học sinh giỏi của Hải Phòng lại mang đậm dáng dấp và phát ngôn nổi đình nổi đám một thời của Nữ hoàng đồ lót Ngọc Trinh. 

Đề thi đã đề cập đến Ngọc Trinh một cách rất tự nhiên cùng với phát ngôn đã làm nên tên tuổi của cô "Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?" và yêu cầu học sinh viết một bài văn về chủ đề: “Tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.

Ngành Giáo dục 'showbiz hóa' bằng việc đưa hình ảnh Ngọc Trinh vào đề thi.

Ngay sau khi kì thi diễn ra, đề thi đã được đưa lên mạng và nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người bởi tính thực tế cũng như tính thời sự của nó. Ngọc Trinh là cô gái từng gây sốt bởi những phát ngôn gây sốc của mình, tuy nhiên việc đưa nhân vật này vào đề thi học sinh giỏi là một việc mà nhiều thí sinh không ngờ tới.

Sự lấn sân sang showbiz của Bộ Giáo dục còn được thể hiện ngay ở cách ra đề thi đại học năm ngoái (2012). Vấn đề 'văn hóa thần tượng' cũng được Bộ Giáo dục khai thác triệt để bằng ý kiến  “Ngưỡng mộ thần tượng một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa”. 

Đề thi này dường như lại làm dậy sóng cơn 'cuồng' sao Hàn của các bạn trẻ, các thí sinh thi nhau chia sẻ, người đồng tình và cho rằng yêu thích một ai đó không có gì là sai trái, người thì cho rằng fan cuồng Kpop quả thực là 'hết thuốc chữa'. 

Từ hai đề thi trên, có thể thấy rằng ngành Giáo dục dường như đang đẩy mạnh những vấn đề nhức nhối trong giới showbiz vào bài thi của các thí sinh, trong khi ngành Văn hóa thì đang chăm chú giáo dục, răn đe đám nghệ sỹ. 

Điều này còn được thể hiện rõ nét hơn ở điểm tương đồng giữa hình ảnh Ngọc Trinh và ngành Giáo dục. Ngọc Trinh thẳng thắn, thật thà, tốt bụng còn ngành Giáo dục thì thật thà, dám nói dám làm. Khi nhìn vào Ngọc Trinh, người ta thường chỉ biết khen Trinh đẹp, và khi nhìn vào những con số trong ngành Giáo dục, nhiều người cũng chỉ biết trầm trồ thán phục vì những con số trong báo cáo.

Phải chăng Văn hóa và Giáo dục đang đi trên một con đường ngược chiều nhau? Một bên đang cố đẩy ra, loại trừ còn bên kia thì lại cố gắng đưa vào và phân tích. Dù hai bên có đối lập nhau, làm những việc hoàn toàn trái ngược, thì suy xét cho cùng, chúng ta vẫn chỉ thấy hình ảnh của showbiz, của sao Việt xâm nhập vào từng ngõ ngách, từng hành động của hai ngành Văn hóa và Giáo dục.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn