Lạ lùng các Bộ tranh quyền kêu khổ của người dân

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Có lẽ, trong cái thời buổi rối ren này các Bộ quả thật sáng suốt khi nghĩ ra màn đổ lỗi cho nhau bởi điều này có thể làm phân tán tư tưởng của người dân và hạn chế kêu ca, than vãn.

Như Bộ trưởng Thăng đã chỉ rõ tại Hội nghị trực tuyến bàn về khắc phục ùn tắc giao thông của 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM sáng 11/9, "một số bệnh viện ở Hà Nội như Việt - Đức, Bạch Mai, bệnh viện C đang xây to hơn. Điều này càng làm giao thông ùn tắc trầm trọng”, và đây là một trong số những lý do khiến việc kéo giảm ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM trở nên khó khăn.

Tắc đường là do nhiều bộ ngành liên quan như y tế, xây dưng, giáo dục chứ đâu chỉ là lỗi của mình ngành giao thông.

Đấy, như Bộ trưởng Thăng đã nói, tắc đường là lỗi tại bệnh viện đã không chịu di dời lại ngày càng phình to ra, đường thì chỉ có ngần ấy, người nhiều hơn, xe tăng lên thì quả thật lỗi chỉ có thể thuộc về các bệnh viện. Có lẽ sau chuyện này những ai đã từng trách móc, khó chịu với Bộ Giao thông vì ùn tắc cần phải rút kinh nghiệm, không được thất thố đổ oan cho người có ít lỗi.

Không những chỉ rõ trách nhiệm của Bộ y tế, Bộ trưởng Bộ GTVT còn chỉ ra ùn tắc có một phần lỗi lớn thuộc về ngành xây dựng, theo đó, tư lệnh ngành giao thông đã bình luận việc “đại diện Bộ Xây dựng ngỡ ngàng khi đi họp”, cho thấy hóa ra lâu nay... “Bộ Xây dựng chả làm gì” trong lúc, vai trò của Bộ Xây dựng cực kỳ quan trọng trong việc phê duyệt quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch.

Việc "đáp trả" Bộ Xây dựng của Bộ trưởng Thăng xem ra rất đúng. Cái lẽ hiển nhiên từ trước đến nay đó là tắc đường do quy hoạch sai. Vậy tại sao ai cũng đổ lỗ cho ngành giao thông mà không tìm các bên liên quan như quy hoạch đô thị, kiến trúc để trách móc. Đường tắc là do tầm nhìn quy hoạch của các nhà quy hoạch chứ đâu có phải do ngành giao thông. Chức năng của ngành giao thông là xây đường, mà đất hẹp thì đường cũng phải hẹp. Ngoài ra, chức năng nữa là điều tiết giao thông chứ có phải đi chữa tắc đường đâu.

Đường xá thì có chừng đó, mà hết chung cư tới trung tâm thương mại, cứ ầm ầm xây thật nhiều, thật to, thật cao...như vậy không tắc đường mới là chuyện lạ, trách nhiệm, lỗi lầm của Bộ xây dựng đúng là quá lớn. Mà xem ra Bộ Giao thông tính thế còn chưa đủ, Bộ Giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm lớn đối với vấn đề ùn tắc hiện nay bởi mãi không chịu di dời trường học.

Đáng nói hơn nữa là việc phân chia trách nhiệm, lỗi lầm của Bộ trưởng Thăng chưa dứt tiếng vang thì nay Bộ Y tế lại có công văn gửi "kiện" Bộ Giáo dục vì cho rằng chất lượng nhân lực ngành kém là do việc mở ngành không có sự giám sát của mình. Sự đời tréo nghoe, Bộ Giao thông trách "Bộ Xây dựng chả làm gì", giờ tới lượt Bộ Y tế trách Bộ Giáo dục "nhanh tay nhanh chân" quá.

Trong công văn gửi Bộ Giáo dục, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường đặt vấn đề về thực trạng quá nhiều cơ sở đào tạo, kể cả các trường đa ngành cùng tham gia đào tạo nhân lực y tế. "Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần có quy định chặt chẽ khi mở ngành đào tạo nhân lực y tế, trong đó việc thẩm định cần có sự tham gia về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và các chuyên gia y tế để đảm bảo chất lượng" - ông Cường đề xuất.

Giáo dục là nguồn gốc của mọi vấn đề, mọi lĩnh vực, nếu giáo dục không tốt thì đồng nghĩa với việc chất lượng nguồn nhân lực của mọi ngành nghề sẽ có nguy cơ bị đe dọa. Việc ngành giáo dục thoải mái, dễ dãi trong việc thẩm định, cấp phép đào tạo nhân lực ngành y rõ ràng là có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cán bộ nhân viên y tế nói riêng và chất lượng ngành y nói chung. Và không biết chừng những sai sót nhầm lẫn tại các bệnh viện thời gian vừa qua cũng là do ngành giáo dục đào tạo chất lượng nhân viên y tế chưa tốt.

Mà nếu cứ xét theo công văn của Bộ Y tế thì bộ giao thông cũng nên tiếp tục đổ lỗi cho Bộ Giáo dục vì đào tạo kém, thành ra những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ quy hoạch giao thông cứ quy hoạch loạn xạ với chất lượng không thể thẩm định bởi ngã tư cứ mở rồi đóng, đóng lại mở mà tắc vẫn hoàn tắc.

Có lẽ, trong cái thời buổi rối ren này các Bộ quả thật sáng suốt khi nghĩ ra màn đổ lỗi cho nhau bởi điều này sẽ làm người dân thắc mắc không biết vấn đề của mình ai phụ trách từ đó phân tán tư tưởng mà hạn chế những lời kêu ca than vãn, bảo vệ uy tín của các lãnh đạo ngành.

Ấy nhưng mà, các bộ vẫn còn may mắn chán khi có thể đổ lỗi cho nhau. Người dân là chẳng biết phải đổ lỗi cho ai, tính đi tính lại rồi chỉ đến mức ngửa mặt lên hỏi ông trời sao sinh nhầm thế kỷ, quả là ngày tháng buồn đau thế kỷ sầu.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn