Từ lâu đã có chuyện lợi dụng chính sách, phá rừng giàu

( PHUNUTODAY ) - Chuyện doanh nghiệp lợi dụng chủ trương phát triển kinh tế, tránh lãng phí tài nguyên đất rừng rồi “phù phép” để phá rừng giàu lấy gỗ không còn là mới.

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đã chia sẻ với phóng viên xung quanh việc hô biến “rừng giàu” thành “rừng nghèo” để lấy gỗ.

Là một cách để khai thác gỗ

PV: - Thưa giáo sư, thời gian qua nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng lập hồ sơ để “hô biến” rừng giàu thành rừng nghèo kiệt nhằm khai thác lâm sản công khai núp dưới danh nghĩa…“tận thu”. Là người nghiên cứu lĩnh vực này nhiều năm, ông có biết chuyện này?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Không phải bây giờ người ta mới làm chuyện này. Thường thì có 2 cách để khai thác gỗ. Cách khai thác gỗ thứ nhất là theo đúng phương pháp khoa học là quản lý rừng. Tức là muốn quản lý rừng thì phải xây dựng các kế hoạch, phương án quản lý.

Khi đó phải biết tổng số rừng là bao nhiêu, một năm sinh trưởng bao nhiêu và chỉ khai thác trong phạm vi sinh trưởng hoặc là dưới chỉ số đó. Từ đó rừng còn có thể sinh sôi nảy nở, tích lũy.

Đó là tôi đang nói tới cách khai thác chính đáng, được nhà nước cấp phép đàng hoàng, được kiểm tra theo luật.

Cách thứ hai là dựa trên lý do muốn cải tạo lại diện tích rừng này. Ví dụ làm phương án cải tạo 1.000 ha và lập hồ sơ trong diện tích này chỉ còn rất ít gỗ và xin chặt hết để trồng lại.

Trong cách này thường là lợi dụng chặt cây để lấy gỗ. Với cách này thì rất dễ, cứ lấy lý do rừng nghèo rồi chặt để cải tạo.

Dựa trên hồ sơ này, ông chủ tịch tỉnh đồng ý ký và họ sẽ chặt gỗ, phá rừng cũ để trồng cây. Còn phần chính là lấy gỗ thì họ không nói điều này trên hồ sơ.

Nói chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở Lâm Đồng nhưng toàn là gốc cây gỗ to bị chặt hạ
Nói chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su ở Lâm Đồng nhưng toàn là gốc cây gỗ to bị chặt hạ

PV: - Nói như vậy nghĩa là cách làm kiểu lợi dụng chính sách khoanh nuôi trồng mới rừng để lấy gỗ là không mới? Và trên thực tế đã có nhiều cánh rừng gỗ lớn đã bị chặt hạ, phá tan hoang núp dưới ý nghĩa tốt đẹp là trồng mới để làm giàu có rừng?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Đúng là cách làm này không mới vì từ xưa tới nay họ vẫn làm. Nhất là vừa rồi khi trồng 100.000 ha cao su, người ta chủ yếu làm kiểu này. Các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để trồng cao su theo chủ trương này. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng “nghèo” mà tập trung chuyển đổi rừng “giàu”.

PV: - Vậy thưa giáo sư, ai sẽ là người chịu trách nhiệm việc này khi các cánh rừng không nghèo nhưng lại bị “phù phép” để có thể khai thác gỗ một cách hợp pháp?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Người có thẩm quyền phê duyệt những dự án này là ông chủ tịch tỉnh. Dưới ông chủ tịch tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có chi cục lâm nghiệp, viện điều tra quy hoạch rừng. Cơ quan này có trách nhiệm đi làm các số liệu.

Chỉ cần các cơ quan này “nhắm mắt”, có những khu rừng rất tốt sẽ trở thành nghèo kiệt. Nghĩa là ông chủ tịch phê duyệt nhưng cũng phải có người chứng minh rừng đó là nghèo kiệt. Đó mới là vấn đề.

Những cây gỗ như thế này cũng nằm trong rừng nghèo
Những cây gỗ như thế này cũng nằm trong rừng nghèo

Tiền có thể "chạy" được nhiều thứ

PV: - Thế thì không khó để các cơ quan này nói rừng đó là rừng gì thì nó sẽ là cái đó. Chẳng lẽ không có bên giám sát thứ ba đứng ra trong việc này hay sao, thưa giáo sư?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Có chứ. Có giám sát nhưng chúng ta hãy nhìn theo quy luật của Năm Cam. Ít tiền không mua được thì dùng nhiều tiền. Nhiều tiền không mua được thì dùng rất nhiều tiền.

Ví dụ bản thân tôi từng ngồi trong hội đồng xét duyệt trồng cây cao su ở Tây Nguyên. Khi đưa ra ý kiến ở khu vực này không thích hợp cho sự phát triển của cao su.

Với cây này chỉ cần úng 2-3 ngày là chết nhưng có khu vực vào mùa mưa úng tới 2-3 tuần. Và cả mùa khô ở Tây Nguyên 6 tháng không mưa mà lại không tưới thì cây không sống được. Bản thân cây cao su đã được trồng với chế độ chăm sóc quá tốt nên rất dễ chết.

Thế nhưng khi hội đồng đưa ra các căn cứ khoa học về lượng mưa, độ sâu của đất, thời tiết nắng… khiến cây cao su không thể sống được ở đất Tây Nguyên. Thì ngay lập tức họ đưa ra giấy chứng nhận của Viện nghiên cứu cao su kết luận rằng khu vực đó có thể trồng được cao su.

Tức là phía doanh nghiệp đã “chạy” trước cái kết quả này, và biết trước kiểu gì thì hội đồng cũng sẽ lấy ý kiến của Viện Nghiên cứu cao su.

Tức là phía doanh nghiệp đã biết trước quy trình của hội đồng. Khi đó chỉ còn cách là bắt họ cam kết nếu trồng cao su không sống thì phải bồi hoàn lại diện tích đã trồng mà nhà nước không trả tiền nữa.

PV: - Vậy thưa ông với những trường hợp chặt rừng giàu rồi nói là rừng nghèo sẽ xử lý như thế nào, và đã có trường hợp nào xử lý chưa?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Thực trạng này đã được hạn chế bằng Luật Bảo vệ phát triển rừng có hiệu lực cách đây 5 năm. Theo Luật này doanh nghiệp muốn xin trồng rừng chỉ có thể thuê đất đã sạch. Tức là chủ rừng cũ, lâm trường cũ sẽ là người được đứng ra chặt rừng chứ không phải là doanh nghiệp đi xin đất được chặt.

PV: - Thế nhưng thực tế vẫn có hiện tượng này xảy ra. Cụ thể tại Lâm trường Bồng Lai, tỉnh Quảng Bình, 2 tháng nay đang tiến hành cày xới, chặt phá gần 70 ha diện tích rừng đầu nguồn Bồng Lai để trồng cây keo lai. Tại đây nhiều thân cây gỗ có đường kính lớn đã bị đốn hạ để cưa lấy gỗ. Theo ông có chuyện này là vì sao?

Giáo sư Nguyễn Ngọc Lung: - Về điều này cần phải tìm hiểu kỹ xem ai là người xin đất và đơn vị nào là người chặt rừng. Cũng có thể sẽ có những trường hợp lách luật hoặc cố tình không hiểu để tiếp tục làm việc này.

Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Từ năm 2006 - 2011, tỉnh Kon Tum cấp phép chuyển đổi rừng và đất rừng trồng cao su cho 10 đơn vị (56 dự án) với diện tích lên tới hơn 39.000 ha. Trong đó, tại địa bàn xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) có 9 đơn vị được cấp phép với diện tích hơn 37.500 ha. Dù tỉnh Kon Tum đã tạm dừng việc cấp phép dự án chuyển đổi rừng trồng cao su, nhưng gỗ rừng vẫn hàng ngày tuồn ra khỏi địa bàn xã Mô Rai.

Từ năm 2008 - 2011, các tỉnh Tây Nguyên cho phép các doanh nghiệp (DN) khảo sát, lập 273 dự án trồng cao su. Trong đó, có 277 dự án của 131 DN được phê duyệt với tổng diện tích trồng cao su trên đất lâm nghiệp là 117.220 ha, nhưng phần lớn là đất rừng tự nhiên với diện tích lên tới 92.669 ha (chiếm 79%). Trong thời gian từ năm 2005 - 2012, bình quân, mỗi năm Tây Nguyên mất đi gần 26.000 ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT

 

Theo: