Những "lời xin lỗi phiếm chỉ"

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trên đường Nguyễn Trãi, đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao cũng trưng rất nhiều biển xin lỗi… Nhưng vụ tai nạn nghiêm trọng vẫn xảy ra.

1. Nhiều tuyến đường Hà Nội đang biến thành "đại công trường", cảnh ùn tắc giao thông tái diễn. Có một điều khác mà người dân thủ đô nhận thấy là tại nhiều công trình xây dựng, chủ đầu tư đua nhau trưng biển "xin lỗi" người dân.

Có lẽ cảm nhận được việc mình làm gây phiền hà cho người tham gia giao thông nên dù thực hiện việc công, nhiều đơn vị cũng trưng những tấm biển xin lỗi để nhận được chia sẻ của người dân như: "Xin lỗi vì đã làm phiền", "Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện".

Chỉ mới đây, khi thủ đô “lên cơn sốt” đất, người dân ra đường ngoài việc quan sát đối phó với “ma trận giao thông” còn phải ngửa cổ lên trời xem những cần cẩu với những khối bê tông bất chợt thò ra khắp các cao ốc, không biết rơi gãy bất cứ lúc nào.

Rồi những cây cổ thụ qua thời gian ít được thăm khám, lại bị những công trình ngầm chặt đẽo hết bộ rễ bỗng trở thành cái bẫy, sẵn sàng đổ xuống gây nên những cái chết thương tâm. Không gian hạ tầng cho giao thông thủ đô vốn đã thiếu giờ trở nên ngột ngạt hơn và đường lưu thông của gần chục triệu người trở nên bức bối. Có ai xin lỗi đâu.

Vì thế, tấm biển xin lỗi tuy đơn giản nhưng có thể khiến nhiều người tham gia giao thông cảm thấy được an ủi khi đi qua những công trình rào chắn.

2. Trên tuyến đường Nguyễn Trãi, đơn vị thi công tuyến đường sắt trên cao cũng trưng rất nhiều biển xin lỗi… như thế. Nhưng vụ tai nạn nghiêm trọng tại công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông làm chết 1 người và 3 người bị thương đã xóa sạch niềm an ủi từ những tấm biển xin lỗi rất đỗi lịch sự kia.

Mô tả ảnh.
Hiện trường vụ tại nạn tại công trường dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trong cuộc họp đột xuất một ngày sau khi xảy ra tai nạn, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị có hình thức kỷ luật đối với người đứng đầu đơn vị nhà thầu thi công, vì "thái độ vô cảm", lý do là khi tai nạn xảy ra ông này vẫn họp giao ban, dù Bộ trưởng đã trực tiếp yêu cầu có mặt tại hiện trường.

Dư luận đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Thăng, nhưng sự vô cảm ấy làm lộ ra % ít ỏi của sự chân thật trong những lời xin lỗi kia. Bởi nếu đơn vị thi công thực lòng xin lỗi trước những phiền hà gây ra cho người dân thì tai nạn có thể đã không xảy ra và khi nó đã xảy đến, họ cũng không “vô cảm” đến như thế.

Thanh thép rơi, một sơ suất rất nhỏ trong vận hành thi công nhưng nó quá đơn giản để chấm dứt một kiếp người. Người dân ra đường rùng mình bởi họ thấy trước được các sơ suất ấy đang từng ngày hiện diện, đang bủa vây. Hãy nhớ lại, mỗi năm trên cả nước có bao nhiêu trường hợp các cháu nhỏ tử vong vì các hố ga mất nắp hay các hố nước trên công trường bị bỏ mặc không có rào chắn. Hãy nhớ, trung bình mỗi năm ở nước ta có hơn 1 vạn sinh mạng bị cướp đi do tai nạn giao thông… Đã có bao nhiêu lời xin lỗi được đưa ra.

Danh ngôn có câu “Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng”. Nhưng một lời xin lỗi phiếm chỉ còn hơn một sự lừa đảo trắng trợn nhất. Nhất lại là lời xin lỗi có liên quan đến tính mạng con người.

Phải có người chịu trách nhiệm, phải có người trả giá cho tai nạn xảy ra chứ. Hay cứ xin lỗi rồi bỏ đó như chuyện vẫn thường xảy ra.

Hợp đồng độc quyền: Ai bóc lột ai?
Cuộc chia tay ầm ĩ giữa Công ty Văn Production và ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã hé lộ phần nào sự thật về hợp đồng độc quyền khiến nhiều người ngỡ ngàng.
Theo:  khoevadep.com.vn