Muốn không bị kỳ thị, hãy cố để giàu hơn

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Lời khuyên cho các bạn trẻ khi đối diện với bất cứ sự kỳ thị nào: hãy gắng giàu hơn người xung quanh, nhất là đối thủ.

Mấy tuần nay, nhiều cuộc bạo loạn nổi lên tại các khu ổ chuột của những TP lớn ở Mỹ vì chuyện cảnh sát da trắng bắn người dân da đen không vũ khí. Mặc cho những sự kiện quan trọng có nhiều ảnh hưởng hơn đến tương lai đất nước như giá dầu, ISIS, tỷ lệ việc làm, hay cuộc bầu cử Tổng Thống năm tới…. chuyện kỳ thị vẫn là vết thương nhạy cảm của xã hội Mỹ nên đã phủ tràn các mạng truyền truyền thông; gây dấu ấn sâu đậm trên văn hoá Mỹ từ ba trăm năm qua.

Vì người gốc Việt ở đây cũng thuộc số ít, nên câu hỏi nhận được nhiều nhất trong các cuộc gặp gỡ, là cảm nhận và kinh nghiệm của bản thân về nạn kỳ thị này như thế nào sau 50 năm làm thường trú rồi công dân Mỹ?

Chế độ tư bản nhận thức là ngoại trừ những quyền lợi hiến định, xã hội không thể dùng bất cứ áp lực nào để cào bằng thu nhập, hay cách theo đuổi hạnh phúc của mỗi cá nhân, để mọi công dân ngang hàng với nhau.

Mô tả ảnh.
Nước Mỹ. Ảnh: Dreamtravel.vn

Dĩ nhiên đó chỉ là lý thuyết. Trong thực tế, kết quả luôn méo mó với mục tiêu ban đầu và các quyền lực luôn tìm cách điều chỉnh cuộc chơi.

Do đó, khi người dân da đen hay thiểu số nghĩ rằng theo công lý và luân lý, họ phải được hưởng thu nhập bằng hoặc gần bằng những người dân da trắng, thì thực tại đem lại một thất vọng cay đắng và cơn giận dữ trong lòng chỉ đợi để bùng nổ.

Dân da trắng thì an toàn với hiện tại, cộng với những định kiến mọc rễ từ vài thập kỷ qua, nên họ sợ mọi thay đổi và coi người da đen nghèo như là những hiểm hoạ cần kiểm soát. Đây là mấu chốt của mâu thuẫn. Người da trắng nhìn những người Mỹ gốc Phi giàu có và thành công bằng nhãn quan khác hẳn cách họ nhìn người da đen nghèo.

Quay lại kinh nghiệm cá nhân của bản thân sau hơn 50 năm trên xứ Mỹ. Những ngày còn trong đại học và khi mới ra trường, tôi cũng gặp khá nhiều vụ việc, tranh cãi rắc rối mà mình đã đổ thừa là xuất phát từ màu da và chủng tộc Á châu. Sau một thời gian tự phân tích và thấy phần lớn bắt nguồn từ “mặc cảm thua kém” của mình với dân bản xứ. Khi mình yếu đuối, cái cám dỗ lớn nhất là tỏ ra mình “anh hùng” và “can đảm” sẵn sàng đương đầu và chinh phục “kẻ thù”. Thực ra, nó chỉ là một hành vi tự sướng, vì kẻ thù chẳng hề hấn gì, còn mình thì tự dằn vặt và đau khổ âm thầm (vì sĩ diện, không muốn lộ ra).

Sau một thời gian, khi trưởng thành hơn về mặt trí tuệ và tinh thần, kỹ năng và kinh nghiệm cao hơn trong công việc cũng khiến thu nhập của tôi gia tăng. Tự nhiên, tất cà những tai nạn, sự kiện về “kỳ thị màu da hay chủng tộc” bỗng chốc biến mất. Đôi khi  bản thân lại gặp mâu thuẫn hay tranh cãi, nhưng nguyên nhân chính là vì mình thiếu khả năng hay thiếu tiền hay thiếu phương tiện hay khác văn hoá tư duy.

Bản thân cũng nhận ra một điều là không khác lắm với dân Mỹ da trắng là, mình cũng mang trong lòng nhiều định kiến sót lại từ quá khứ tạo nên những hành xử có thể bị coi như “kỳ thị” với nhiều người khác.

Những định kiến này của tôi có thể rất sai lạc; nhưng đã mọc rễ sâu trong tiềm thức nên khó đổi thay khi hành xử. Do đó, luôn cố dồn nén chúng vào một góc và khi có việc gì liên quan đến phán đoán cần logic, tôi tránh né và bỏ qua, để chăm chú vào chuyện khác. Những người Mỹ da trắng với những định kiến (đúng hay sai) về người da đen cũng có nhiều hành xử tương tự.

Trên hết, khi thu nhập (tư bản) và sở hữu cá nhân (tài sản, đồ chơi…) là đích đến của đa số  thì người nghèo phải hứng chịu nhiều kỳ thị hơn.

Lời khuyên cho các bạn trẻ khi đối diện với bất cứ sự kỳ thị nào: hãy gắng giàu hơn người chung quanh, nhất là đối thủ; và tuân theo nếp văn hóa mới. Dĩ nhiên bạn cũng sẽ gặp những ông bà da trắng luôn có thành kiến hay ghen tức về người da vàng, nhưng nếu bạn giàu hơn họ, đẹp trai, đẹp gái hơn họ, nhiều đồ chơi hơn họ… thì bạn sẽ thấy những kỳ thị chỉ là câu chuyện khôi hài để kể với bạn bè. Bạn sẽ biết khoan dung, tha thứ nhiều hơn.

Một câu chuyện cụ thể làm ví dụ. Khoảng 25 năm trước, tôi có bạn gái là một cô Mỹ tóc vàng dễ thương. Cô sinh ra ở một làng nhỏ và nghèo tại vùng quê Kentucky; có can đảm và ý chí để vượt hoàn cảnh sau đại học và trở thành một nhân viên cấp trung về chứng khoán vài năm sau đó. Cô luôn vương vấn với quê cũ và mỗi cuối tuần có 3 ngày lễ, cô luôn muốn về Kentucky thăm gia đình. Người dân ở đây thường bị chế diễu là dân “chân đất”, không nghề nghiệp gì cố định, phần lớn sống nhờ trợ cấp xã hội và tệ nạn ma tuý thì tràn lan.

Kết quả là họ rất nghèo so với mức sống trung bình của dân Mỹ. Tuy nhiên, vì sống cách biệt và thất học, nên đa số dân cũng là tín đồ của nhóm Ku Klux Klan (KKK tôn thờ chủ nghĩa da trắng cực đoan, kỳ thị và tranh đấu chống Mỹ đen cứu nước). Họ cũng thù ghét các chủng tộc khác, kể cả Do Thái.

Cha mẹ cô có lẽ lần đầu gặp một người gốc Á châu như tôi, nên hơi ngạc nhiên và gọi tôi là Jap (danh từ miệt thị dành cho người Nhật). Trong bữa ăn, ông thì thầm với tôi qua ly rượu mạnh “Nếu tôi gặp cậu 20 năm trước, tôi và bạn bè sẽ treo cổ cậu sau vườn khuya nay”. Cả gia đình hơn chục người đều có thái độ tương tự với tôi.

Sáng hôm sau, đi nhà thờ về, tôi hỏi mọi người thích làm gì nhất trong một ngày Chúa Nhật đẹp trời? Họ đều nhất trí là lái xe 20 miles chạy đến tiệm Walmart ở thành phố gần đó mua sắm. Chúng tôi cùng đi và đến tiệm, tôi nói tôi sẽ trả tiền cho tất cả hàng hoá nếu mỗi người không mua quá 100 đô la.

Chỉ tốn khoảng 1 ngàn đô la cộng thêm 150 đô la cho bữa ăn trưa ở Dennys là tôi chinh phục hoàn toàn cảm tình của mọi người. Họ cho là cô bạn gái của tôi quá may mắn mới tìm được một gã trượng phu lý tưởng như tôi.

Ném đá trên mạng thành "phong trào"
Dựa trên thực tế hành xử của một bộ phận người trẻ: cái chưa đẹp, thậm chí cái xấu trở nên phổ biến, điều tử tế thành hiếm hoi...
Theo:  khoevadep.com.vn