Nhưng để thay đổi được thói quen thì không dễ chút nào. Chắc chắn là đã hơn 1 lần bạn đã nghe bạn bè hay người thân của mình than rằng: “Ngày nào cũng như ngày nào, sáng dậy lật đật lữ đử chạy đi làm. Chiều lật đật chạy về cơm nước, dọn dẹp nhà cửa… cuộc sống chẳng có gì thú vị”.
Song, khi ai đó khuyên họ: “Hãy thay đổi cuộc sống đi, sắp xếp lại vài thứ” thì họ lắc đầu, ấn định: “Quen thế rồi”. Cũng không ít người trăn trở rằng: “Đã đến lúc cần phải thay đổi một điều gì đó”. Nhưng để khái quát rõ ràng “điều gì đó” là cái gì, thì chính họ lại không thể trả lời. Vì vậy công cuộc làm mới thói quen của họ vẫn mãi chỉ là… ý niệm.
Với những người lớn tuổi thì việc thay đổi thói quen lại càng khó như… dời sông, lắp biển!
Thứ nhất là vì thói quen đã quá lâu, đã ngoan cố đến mức trơ lì.
Thứ hai, nhiều người đổ lỗi cho tuổi tác khiến họ “lười” đổi mới, tư duy chậm chạp hơn, khuôn hẹp hơn.
Thứ ba, khi họ đã vướng bận gia đình, con cái thì sự thay đổi có thể ảnh hưởng tới các thành viên khác trong gia đình...
Nếu bạn sợ thay đổi một thói quen nhỏ cũng ảnh hưởng tới cả gia đình, vậy bạn đã từng hỏi nếu chính mình cứ nhàm chán thì người “trong nhà” cũng chán lây và có khi chả ai còn thấy vui vẻ nữa.
Dưới đây là 10 hành động “làm mới” thói quen:
1. Đảo chiều ăn uống
Hãy dậy muộn hơn mọi ngày, thay vì làm bữa sáng, bạn gọi người bán hàng mang tới món khác để cả nhà đổi vị (hoặc ngược lại, nếu mọi ngày con ăn sáng ở trường, chồng ăn sáng ở đường đi làm thì bạn hãy tự nấu một món lạ).
Chắc chắn cả nhà sẽ ngạc nhiên và chính bạn thấy một ngày không lặp lại và bạn được một buổi sáng không vội vã.
2. Thoát ly khỏi gia đình
Hãy để một ngày giành cho riêng mình, bằng cách để “cha con chúng nó tự lo”. Bạn rời khỏi nhà, có thể đi thăm bố mẹ, thăm một người quen lâu ngày chưa gặp.
3. Thưởng hoa
Nếu đã lâu không cắm hoa thì hãy mua về một bó hoa tươi trang trí trong nhà. Nếu ngày nào bạn cũng đã quen với một lọ hoa trong phòng khách thì hôm nay hãy đổi vị trí của nó như di chuyển lên tủ, ra cửa sổ, vào bàn ăn hoặc đổi style cho lọ hoa.
4. Hãy gặp mặt bạn bè
Thay vì ngày nào cũng giành tất cả thời gian cho gia đình. Vì bạn đã có nhiều năm cho gia đình, bận bịu con nhỏ nên “tạm” tránh các cuộc vui của nhóm bạn.
Nhưng bây giờ bạn hãy đàn đúm một chút như khi còn con gái. Đó giống như sự trở lại sau nhiều năm mất tích.
Những lời nhận xét của bạn bè, những cách bạn cảm nhận về bạn bè sau nhiều năm không gặp sẽ khiến bạn “ngộ” ra nhiều điều.
5. Làm những gì chưa làm
Bạn đã tạm dừng nhiều kế hoạch cho việc sinh con, chăm sóc gia đình thì giờ là lúc bạn có thể trở lại với những dự định của mình: có thể học thêm một khóa ngắn hạn về nấu ăn, về yoga… Như vậy thời khóa biểu ngày mới của bạn sẽ có thêm một dòng, một cột mới.
6. Du lịch
Xin nghỉ việc ngắn ngày để đi du lịch, có thể cùng chồng, cùng con, hoặc cùng bạn bè (tùy theo sự sắp xếp hợp lý của gia đình bạn lúc đó).
7. Hãy đi vài vòng quanh sân
Hãy đi vài vòng quanh sân hoặc vòng quanh khu nhà mình ở thay vì vội lên giường hoặc vùi đầu trong đám quần áo bẩn. Hãy rủ con hoặc chồng cùng đi.
8. Nghe một bản nhạc
Ngày xưa hay nghe, hoặc “tò mò” nghe nhạc của “con đang nghe”. Điều đó khiến bạn thấy mình trẻ lại và “mới” hơn.
9. Đọc sách
Bạn không có thời gian đọc sách hoặc đã quen lướt nét nên quên thói quen đọc truyền thống?!
Hãy lật tìm cuốn sách đã cũ hoặc mua một cuốn mới đang rầm rộ trên thị trường hoặc thậm chí đọc ngay những cuốn sách của con.
10. Tạo thói quen giao tiếp mới
Đừng cho mình đã lớn tuổi nên khuôn hẹp phạm vi bạn bè. Hãy trò chuyện với những người bạn mới trên mạng xã hội… cũng đừng “ôi trời, người bạn trẻ quá”.
Có thể một người bạn trẻ sẽ khiến tâm hồn bạn trẻ lại, và nếu kiên trì bạn có thể “cập nhật” từ họ những “kiến thức” sống hiện đại như: hiện nay người ta đang cần gì, chợt nhận ra mình cần đổi mới gì, qua đó hiểu hơn về con cái mình…