14-15 tuổi sống thử: Thà vẽ đường cho hươu chạy...

07:03, Thứ năm 30/05/2013

( PHUNUTODAY ) - Trong khi hầu hết các bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng và phản đối việc giảm độ tuổi kết hôn vì nghĩ đến tai hoạ có thể hạ độ tuổi sống thử, thì các thầy cô giáo lại có cái nhìn đa dạng hơn.

Dự thảo sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình đươc đưa ra mới đây có đề xuất hạ tuổi kết hôn của cả nam và nữ xuống 2 tuổi so với quy định hiện hành.

[links()]

Vấn đề này đã nhận được sự quan tâm rất lớn với nhiều ý kiến phản hồi khác nhau. Trong khi hầu hết các bậc phụ huynh tỏ ra lo lắng và phản đối vì nghĩ đến tai hoạ kết hôn sớm dễ dẫn đến việc hạ độ tuổi sống thử. Tuy nhiên, các thầy cô giáo lại có cái nhìn đa dạng hơn.

Sống thử ngay trong trường

Các trường nội trú là nơi mà học sinh không trực tiếp chịu sự quản lý hàng ngày, sát sao của cha mẹ, chính vì vậy mà những chuyện tình cảm thậm chí những mối quan hệ vượt quá giới hạn diễn ra khá thường xuyên. Theo lời kể của một số giáo viên một trường nội trú ở Thanh Hoá, thời gian gần đây trường phát hiện giữa một số học sinh nảy sinh mối quan hệ đi quá giới hạn.

Tranh thủ dịp nghỉ lễ, lên kế hoạch ở lại trường khi hầu hết các bạn về quê sum họp với gia đình, hai học sinh lớp 10 học khác lớp đã nảy sinh ý định quan hệ và sống thử trước hôn nhân. Tuy nhiên, rất may là ngay khi học sinh nam rủ bạn nữ về phòng mình, mọi chuyện đã bị phát giác.

Tuy nhiên, thực tế, đây không phải lần đầu hai học sinh này quan hệ ngay trong trường. Vì vậy nhà trường đã buộc phải xử lý bằng biện pháp buộc thôi học và trả về gia đình. Ngay sau đó, nhà trường cũng có những thông báo đến tận các lớp quán triệt vấn đề quan hệ tình cảm.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp các học sinh cấp 2,3 ở độ tuổi từ 14-16 quan hệ tình dục sớm và bắt đầu nghĩ đến việc sống thử. Trong điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay, trẻ em phát triển ngày càng sớm cả về mặt tâm lý và sinh lý, bên cạnh đó là việc tiếp xúc thường xuyên với các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là mạng internet - nơi dễ dàng tìm kiếm các thông tin, hình ảnh về sex.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Thuý, giáo viên lịch sử một trường nội trú tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Ở độ tuổi từ 14-16 tuổi là lứa tuổi tâm sinh lý của học sinh đang phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến bạn khác giới. Trong quá trình đi dạy, tôi cũng nhận thấy ở một số em có tình cảm vượt lên tình bạn, thậm chí đã có trường hợp các em quan hệ với nhau ngay trong trường.

Khi vụ việc bị phát giác, ngay cả bạn bè cùng lớp của hai bạn học sinh kể trên cũng có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một bộ phận nhỏ học sinh cho rằng chuyện tình cảm là không thể tránh khỏi và để cho chuyện tình cảm, tác động, lấn át trong suy nghĩ, trong khi đó vẫn có không ít học sinh theo quan điểm khi đang ngồi trên ghế nhà trường cần giữ gìn những mối quan hệ trong sáng".

Nhiều giáo viên phản đối việc giảm độ tuổi kết hôn vì cho rằng
Nhiều giáo viên phản đối việc giảm độ tuổi kết hôn vì cho rằng ở tuổi 16, trẻ vị thành niên chưa phát triển đầy đủ yếu tố tâm lý (Ảnh một bà mẹ có con nhỏ ở tỉnh Kon Tum. Ảnh: QĐND.)


Cô Thuý cũng chia sẻ quan điểm về việc trong tương lai, phụ nữ 16 tuổi có thể kết hôn: "Tôi không ủng hộ việc kết hôn hay sống thử sớm bởi 16 tuổi dù trẻ vị thành niên đã phát triển đầy đủ về mặt thể chất nhưng tâm lý vẫn chưa ổn định. Vì vậy rất khó để các em có thể chín chắn lựa chọn người chồng phù hợp cũng như xử lý các vấn đề về mối quan hệ gia đình. Hơn nữa, các vấn đề kinh tế cũng rất quan trọng, bởi lẽ, 16 tuổi - các bạn nữ mới chỉ học lớp 10 chưa có khả năng tự chủ về tài chính, nếu kết hôn sẽ mang lại thêm gắng nặng cho bố mẹ và gia đình.

Có chăng, nếu Nhà nước có sự thay đổi trong hệ thống giáo dục, chuyển từ đào tạo bắt buộc 12 năm sang đào tạo 9 năm, lúc ấy 16 tuổi các bạn nữ đã hoàn thành việc học tập, có thể lựa chọn giữa việc lập gia đình hay tiếp tục học lên cao thì đấy lại là một chuyện khác. Tuy nhiên, hiện tại, quy định của giáo dục nước ta vẫn là học hết lớp 12, 16-18 tuổi vẫn phải ngồi trên ghế nhà trường thì chuyện kết hôn sớm và sống thử là hoàn toàn không nên".

Về vấn đề các phụ huynh lo lắng việc giảm độ tuổi kết hôn sẽ kéo theo hệ quả là độ tuổi sống thử giảm xuống, cô Thuý cho rằng: "Trên thực tế trẻ em 14-15 tuổi vẫn đang là học sinh cấp 2,3, thông thường sẽ sống cùng bố mẹ cho nên việc sống thử rất hiếm khi xảy ra. Điều đáng nói là việc quan hệ tình dục của các em ngày càng sớm, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như ảnh hưởng đến sức khoẻ, tâm lý, hay phải nạo phá thai... Vì vậy gia đình nhà trường và cả xã hội cần có sự kết hợp với nhau trong việc định hướng tư tưởng, đòng thời quan tâm sát sao đến sự thay đổi tâm sinh lý của các em, thực hiện giáo dục giới tính để các em nhận thức rõ những vấn đề khó khăn mà mình sẽ phải đối mặt từ đó đưa ra cho mình những lựa chọn phù hợp"

Có quan điểm tương tự cô Thuý, cô Nguyễn Anh Vân, giáo viên dậy tiếng Anh cấp 3 ở Hà Nội đã đưa ra hàng loạt lý do phản đối đề xuất giảm độ tuổi kết hôn:" Bản thân tôi không ủng hộ việc kết hôn sớm vì rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là kết hôn sớm chắc chắn sẽ dẫn đến việc tăng dân số và hệ luỵ của nó là các vấn đề về kinh tế, y tế, chỗ ở... của nước ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Thứ hai, các cặp vợ chồng khi kết hôn sớm sẽ thiếu kiến thức về sức khoẻ sinh sản cũng như là kiến thức xã hội, rất dễ gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Và cuối cùng ở độ tuổi 16-18 nếu kết hôn thì khó có thể tiếp tục học tập, dẫn dễ đến việc lỡ dở trong bằng cấp và khó có thể có được những công việc với mức thu nhập ổn định. Hơn nữa, kết hôn sớm chính là làm khổ phụ nữ vì khi có gia đình, họ sẽ có rất nhiều mối quan tâm và khó có thể lo lắng cho bản thân".

Thà vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để hươu tự xé rào

Không đồng quan điểm phản đối việc giảm độ tuổi kết hôn như cô Thuý, cô Trần Mai Linh, giáo viên bộ môn GDCD cấp 3 tại Hà Nôi lại cho rằng nên giảm độ tuổi kết hôn. Cô Linh cho biết: "Việc giảm độ tuổi kết hôn hiện nay theo tôi là cần thiết đây là sự thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội cũng như xu hướng phát triển của con người và tâm sinh lý lứa tuổi. Trên thực tế, 16 tuổi bây giờ phát triển như, thậm chí là hơn nhiều 18 tuổi ngày xưa".

"Đã đến lúc xã hội nên nhìn thẳng vào thực tế, dù hiện nay pháp luật có cấm sống thử hay kết hôn sớm thì vẫn có rất nhiều cặp đôi kết hôn sớm hay sống thử vì vậy luật nên điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. Trên cơ sở luật đã ban hành, nhà trường cần có những nghiên cứu và định hướng phù hợp cho trẻ vị thành niên kết hợp với việc quan tâm theo sát tâm lý tình cảm hay những sự thay đổi bất ngờ của con em mình để có thể định hướng các em một cách tốt nhất", cô Linh nói.

Chia sẻ quan điểm về ý kiến trước khi giảm độ tuổi kết hôn, cần giảm độ tuổi vị thành niên chịu trách nhiệm trước pháp luật, cô Linh cho biết: "Theo tôi, tất cả đều phải giảm, đồng bộ ở tất cả các lĩnh vực, hình sự, dân sự, lao động và hình chính. Khi một người có đầy đủ năng lực pháp luật thì họ được hưởng các quyền của công dân, đồng thời phải chịu nghĩa vụ và hậu quả pháp lý đối với tất cả các hành vi của họ".

Có con gái lớn năm nay 15 tuổi, cô Linh cho biết rất thường xuyên trao đổi, tâm sự các vấn đề giới tính, sức khoẻ sinh sản với con gai bởi theo quan điểm của cô: "Phụ huynh cũng phải tiếp cận dần để quen với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, cần cung cấp cho con những kiến thức cần thiết để con có thể ý thức được những gì có thể xảy ra, nói cách khác là thà vẽ đường cho hươu chạy còn hơn là để hươu tự xé rào để làm chuyện người lớn mà không thể lường trước được những hậu quả. Vì vậy giáo dục giới tính cần được quan tâm hơn nữa và thực hiện các biện pháp giáo dục nhằm cung cấp những thông tin bổ ích và có hiệu quả."

"Bố mẹ cũng nên có những sự định hướng cho con cái, tuỳ thuộc vào năng lực cũng như năng khiếu, sở thích của con mà có những sự định hướng phát triển hợp lý cho con cái ở độ tuổi 16, sẽ tiếp tục đi học, lấy chồng hay kinh doanh..." - cô Linh thẳng thắn chia sẻ quan điểm cũng như định hướng giáo dục của gia đình cô.

  • Ngọc Lê
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc