1. Mụn thịt
Những mảnh da nhỏ mọc một cách bất thường và ngày càng nhiều trên da trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong nửa cuối thai kỳ, khiến bạn phiền lòng?! Mụn thịt dù không gây tổn thương hoặc ngứa nhưng những mẩu thịt nhỏ cùng màu hoặc đậm hơn màu da gây mất thẩm mỹ và trở nên thật đáng ghét trong mắt chị em bầu.
Mụn thịt có thể mọc trên cổ và mí mắt, bên dưới ngực, ở nách, trên bụng và ở cả háng hoặc quanh bộ phận sinh dục.
Mẹ bầu không thể tùy ý mua thuốc hay dùng thuốc không kê toa, không rõ nguồn gốc… để đặc trị những “mầm nhỏ” đáng ghét này vì các hóa chất có thể gây hại cho bé yêu. Một số phương pháp “truyền tai” khác có thể dẫn đến nhiễm trùng và sẹo. Do đó, đừng cố gắng tự bắt bệnh và tự loại bỏ mụn thịt ở nhà. Phần đa các trường hợp, những đốm mụn thịt này sẽ biến mất sau khi sinh. Đừng lo lắng, đừng suy nghĩ nhiều, rồi bạn sẽ xinh tươi trở lại sớm thôi. Hoặc bạn cứ thấy bất an và muốn chắc chắn hơn, hãy tham vấn ý kiến bác sĩ uy tín.
2. Sổ mũi thường xuyên
Nếu bà bầu nhận thấy bị sổ mũi khi mang thai là hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân do lưu thông máu trong cơ thể tăng lên nên gây sưng các mạch máu ở mũi dẫn đến tắc nghẽn mũi. Có 30% phụ nữ mang thai bị ngạt mũi mà không có bất kỳ nguyên nhân dị ứng hay cảm lạnh như thông thường. Việc bị sổ mũi có thể xuất hiện ở tháng thứ hai của thai kỳ và kéo dài đến khi sinh.
3. Viêm nướu
Chị em khi mang bầu thường thấy nướu bị sưng lên và gây đau, hoặc chảy máu khi đánh răng. Chảy máu nướu răng ảnh hưởng đến khoảng 1/2 số bà bầu. Nguyên nhân do sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm cho răng miệng nhạy cảm hơn với vi khuẩn. Bạn cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đánh răng ngày 2 lần và nếu có các dấu hiệu bất thường cần tìm gặp nha sĩ.
4. Rạn ngứa da
Khi da bị kéo căng để tạo khoảng trống cho thai nhi phát triển, đặc biệt ở vùng bụng và ngực thì hiện tượng ngứa sẽ xuất hiện. Thêm vào đó, một số thay đổi khác của cơ thể khi mang thai cũng dẫn tới tình trạng ngứa ngáy, mẩn đỏ ở da. Vì vậy, hãy đi khám bác sĩ nếu tình trạng ngứa và mẩn đỏ ngoài khả năng kiểm soát để biết chính xác bạn và bé yêu có bị ảnh hưởng tiêu cực nào không.
5. Độ nhạy sáng
Bạn bị lóa mắt khi ra ngoài ánh sáng? Đây hoàn toàn không phải do mẹ bầu tưởng tượng ra mà thực tế, mang thai có thể làm cho đôi mắt của chị em nhạy cảm hơn với ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng mặt trời. Vì vậy, đừng quên trang bị cho mình một chiếc kính mát khi đi ra nắng, tuyệt đối tránh ánh sáng quá mạnh soi rọi vào mắt để tránh gặp phải những khó chịu không đáng có.
6. Nỗi khổ ợ nóng
Khi nồng độ progesterone tăng lên tác động tích cực vào đời sống tình dục nhưng nó cũng khiến cho mẹ bầu khổ sở. Hormone này làm giãn tử cung để thai nhi phát triển nhưng nó cũng gây giãn van dạ dày khiến cho axit từ dạ dày lên thực quản gây ợ nóng. Bạn nên ăn nhiều chất xơ, rau quả để giảm triệu chứng này.
7. Xuất hiện các nốt ruồi mới
Trong thai kỳ, hormone estrogen và progesterone tăng lên khiến cho cơ thể sản xuất melanin nhiều hơn. Yếu tố này khiến cho nốt ruồi, tàn nhang xuất hiện nhiều. Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể thấy nốt ruồi cũ trở nên lớn hơn hoặc màu tối hơn. Tuy nhiên, nếu có các nốt ruồi với màu sắc, hình dạng bất thường cần đi khám bác sĩ ngay.
8. Lông mọc nhiều hơn
Sự thay đổi của hormone và kích thích tố khi mang thai khiến cho một số bà bầu có mái tóc mỏng hơn nhưng cũng có trường hợp tóc mọc nhiều. Tuy nhiên, nhiều người hốt hoảng khi thấy lông mọc ở núm vú, gần rốn, mặt, cằm.
9. Tóc gãy, chẻ ngọn
Thay đổi phổ biến và khác lạ nhất trong quá trình bầu bí của chị em là mái tóc. Cơ thể mệt mỏi cùng những thay đổi nội tiết khiến tóc dễ bị gãy, chẻ ngọn và không giữ được độ bóng khỏe bình thường. Thêm vào đó, tâm lý căng thẳng, khó chịu cũng khiến nhiều chị em bầu chưa quan tâm đến việc chăm sóc tóc. “Nhất dáng, nhì da, thứ ba là tóc”, hãy lựa chọn dầu gội và dầu xả phù hợp để tóc không bị gãy, chẻ ngọn. Tuy nhiên, cần tránh những sản phẩm có chứa paraben và sodium layryl sulphate vì chúng có thể có những tác dụng phụ có hại cho cả mẹ và bé.
10. Mất khứu giác
Nếu bạn cảm thấy khó chịu, mặt mày tái mét khi mới ngửi thấy chút mùi lạ thì có thể bạn sẽ ghen tị với mẹ bầu mắc bệnh Anosmia – bệnh mất khứu giác thai kỳ. Đây là một “bệnh” mất hoàn toàn cảm giác với các mùi xung quanh.
“Bệnh” mất khứu giác không phải lúc nào cũng được hoan nghênh, nhưng thực tế, nó phần nào giúp mẹ bầu giảm cảm giác buồn nôn và ói mửa. Dù khứu giác có thể trở lại bình thường sau sinh nhưng nếu lo lắng thì mẹ bầu có thể tìm ngay đến một địa chỉ thăm khám y tế uy tín.
11. Các bộ phận “kín” có màu xanh
Đừng vội “quy chụp” hay hoang mang, hay tự tưởng tượng ra đủ điều nếu các bộ phận nhạy cảm của bạn có vẻ hơi xanh. Trước khi phát minh ra que thử thai thì các bác sĩ dựa vào, “dấu hiệu Chadwich” (chỉ số thể xác về sự mang thai), sự thay đổi màu sắc của vùng âm đạo, cổ tử cung… khi những bộ phận này dần chuyển sang màu tím hoặc xanh nhạt, cho thấy tắc nghẽn mạch máu đang xảy ra.
Dấu hiệu sản khoa này có thể xuất hiện ở nhiều điểm, tùy thuộc vào từng cá nhân. Và sự đổi màu cũng có thể xuất hiện ở các vùng cơ thể khác nhau, ví dụ như: một số thai phụ có thể nhận thấy sự thay đổi màu sắc mặt, hay một đường đen ở vùng bụng.
12. Mắt nhìn mờ
Trong thời gian mang thai, sự thay đổi của hormone, quá trình trao đổi chất, tuần hoàn máu cũng thay đổi khiến cho thị lực bị ảnh hưởng. Cho nên, các bà bầu không phải quá lo lắng hoặc thay kính cận. Bởi vì, dấu hiệu này có thể hết sau khi sinh con. Tuy nhiên, trên thế giới cũng có trường hợp nhờ mang thai mà thị lực đã tốt hơn, sau khi mang thai không còn bị loạn thị.
13. Đãng trí
Nếu bạn đang mang thai mà xuất hiện tình trạng nhớ nhớ quên quên, đãng trí thì đừng nên trách móc hay lo lắng. Quá trình mang thai không làm thay đổi bộ não nhưng nó có thể khiến bản thân mệt mỏi và căng thẳng nên không tập trung như bình thường. Ngoài ra, trong thai kỳ, bạn bận tâm với việc lo cho sức khỏe của mình và thai nhi, tác động của các hormone tố làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Mẹ bầu cần chú ý nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, ăn đủ chất để tăng cường sức khỏe cho cơ thể và bộ não.
14. Mơ nhiều
Không ít bà bầu nhận thấy mơ nhiều khi ngủ trong thai kỳ. Điều này có thể do tác động của sự thay đổi các hormone nhưng cũng có thể do thay đổi tư thế khi ngủ. Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai thường có giấc ngủ chập chờn và có thể tỉnh giấc trong khi giấc mơ xuất hiện hoặc sau đó. Tuy nhiên, đôi khi sự lo lắng hay hi vọng về thai nhi và sức khỏe cũng có thể khiến bà bầu mơ.