Công chức là những ai?
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi 2019) thì công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Căn cứ vào lĩnh vực ngành, nghề, chuyên môn, nghiệp vụ, công chức được phân loại theo ngạch công chức tương ứng sau đây:
- Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương;
- Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương;
- Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương;
- Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên;
- Loại đối với ngạch công chức quy định tại điểm e khoản 1 Điều 42 Luật Cán bộ, công chức 2008 theo quy định của Chính phủ.
Công chức có các quyền và nghĩa vụ cơ bản sau đây:
- Thực hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Chương II và các quy định khác có liên quan của Luật Cán bộ, công chức 2008.
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.
- Chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Viên chức là những ai?
Căn cứ quy định tại Điều 2 Luật Viên chức 2010 thì có thể hiểu viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Trong đó, vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ xác định vị trí việc làm bao gồm:
- Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập;
- Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Cách tính lương công chức, viên chức trước và sau khi cải cách tiền lương 2024
Năm 2024, tiền lương công chức sẽ được tính theo 02 giai đoạn sau đây:
*Giai đoạn 1: từ 01/01/2024 đến hết 30/6/2024
Theo quy định tại Thông tư 10/2023/TT-BNV, tiền lương công chức, viên chức được tính bằng công thức sau:
Tiền lương công chức, viên chức = Lương cơ sở x Hệ số lương
Trong đó: theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 thì từ ngày 01/7/2023 thì mức lương cơ sở sẽ tăng lên mức 1.800.000 đồng/tháng.
*Giai đoạn 2: từ 1/7/2024 đến 31/12/2024
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp.
Trong đó, lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Theo đó lương công chức, viên chức sẽ được tính như sau:
Lương công chức, viên chức = Lương cơ bản + Phụ cấp + Thưởng (nếu có)
2 bảng lương mới công chức từ 01/7/2024 cụ thể như sau:
Công chức giữ chức vụ lãnh đạo (bầu cử và bổ nhiệm) trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã sẽ được xây dựng 1 bảng lương chức vụ theo nguyên tắc:
(1) Mức lương chức vụ phải thể hiện thứ bậc trong hệ thống chính trị; giữ chức vụ lãnh đạo nào thì hưởng lương theo chức vụ đó, nếu một người giữ nhiều chức vụ thì hưởng một mức lương chức vụ cao nhất; giữ chức vụ lãnh đạo tương đương nhau thì hưởng mức lương chức vụ như nhau; mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp trên phải cao hơn mức lương chức vụ của người lãnh đạo cấp dưới;
(2) Quy định một mức lương chức vụ cho mỗi loại chức vụ tương đương; không phân loại bộ, ngành, ban, uỷ ban và tương đương ở Trung ương khi xây dựng bảng lương chức vụ ở Trung ương; không phân biệt mức lương chức vụ khác nhau đối với cùng chức danh lãnh đạo theo phân loại đơn vị hành chính ở địa phương mà thực hiện bằng chế độ phụ cấp. Việc phân loại chức vụ lãnh đạo tương đương trong hệ thống chính trị để thiết kế bảng lương chức vụ do Bộ Chính trị quyết định sau khi đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.
Công chức không giữ chức danh lãnh đạo được xây dựng 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo ngạch công chức theo nguyên tắc:
+ Cùng mức độ phức tạp công việc thì mức lương như nhau;
+ Điều kiện lao động cao hơn bình thường và ưu đãi nghề thì thực hiện bằng chế độ phụ cấp theo nghề;
+ Sắp xếp lại nhóm ngạch và số bậc trong các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức, khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
+ Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp viên chức phải gắn với vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức, viên chức thực hiện.
Đồng thời, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội là người điều hành nội dung phiên họp. Cũng tại phiên họp, Quốc hội thông qua cải cách tiền lương 2024 từ ngày 1/7/2024.
Như đã phân tích ở trên, thay vì tiếp tục áp dụng bảng lương dựa theo mức lương cơ sở và hệ số lương như hiện nay. Thì khi thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương công chức 2024 sẽ được xây dựng 02 bảng lương dựa trên cơ cấu tiền lương mới với mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể.