2 loài tôm giá trị cực cao nhưng bị cấm nuôi ở Việt Nam: Tại sao?

( PHUNUTODAY ) - Thực tế hiện nay, có hai loại tôm dù ngon, giá thành cũng không quá đắt nhưng lại bị cấm nuôi ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi biết lý do ai cũng phải đồng tình.

Tôm là thức ăn khá phổ biến với gia đình Việt bởi hương vị thơm ngon và giá trị dinh dưỡng cao. Thực tế, có hai loại tôm dù ngon, giá thành cũng không quá đắt nhưng lại bị cấm nuôi ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi biết lý do ai cũng phải đồng tình.

Hai loài tôm ngoại lai giá trị cao nhưng bị cấm nuôi ở Việt Nam

+ Tôm càng đỏ

tom-1

Tôm càng đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) xuất xứ từ Australia. Năm 2002, nó từng được nuôi thử nghiệm ở Việt Nam. Nhưng sau đó đã bị cấm nuôi. Loài này có màu xanh sẫm và nâu đỏ, đầu cùng ngực được vỏ che kín, bụng có 6 đốt, đuôi hình cánh quạt xòe và có 5 cặp chân. Thị giác chúng rất tốt, hàm khỏe và đặc biệt chạy giật lùi cực nhanh.

+ Tôm hùm đất

Tôm hùm đất (tên khoa học Procambarus clarkii) xuất xứ từ Bắc Mỹ, có đến 500 loài khác nhau. Loại được du nhập vào Việt Nam chủ yếu là thông qua thương lái Trung Quốc. Trên thực tế, nó cũng được nuôi rất nhiều ở đất nước láng giềng. Loài tôm hùm đất thở qua mang lông, sinh sống chủ yếu ở khe suối và không thể chịu đựng được môi trường ô nhiễm. Tôm hùm đất là loài ăn tạp, có thể ăn cả động vật sống lẫn động vật chết, thực vật. Chúng có màu đỏ và nâu sẫm toàn thân, khi trưởng thành sẽ khoảng 30 – 50 gram.

Tôm hùm đất là loại giáp xác có vị ngọt, béo. Tuy tỷ lệ thịt chỉ chiếm 15% so với trọng lượng nhưng hàm lượng dinh dưỡng lại rất cao. Thịt tôm béo, giàu đạm - một loại dưỡng chất cực kì cần thiết cho cơ thể.

Trong 1kg tôm hùm đất có chứa: 14g protein; 70 calo; 115mg cholesterol; Các Vitamin B6, B12, carbohydrate... Chính nhờ các dưỡng chất trên, khi ăn tôm hùm đất giúp bạn tăng cường sức khỏe đôi mắt, tốt cho hệ thần kinh, da và tóc. Ngoài ra, còn giúp chắc xương, tăng cường cơ bắp hiệu quả.

tom-3

Lý do hai loại tôm bị cấm nuôi ở Việt Nam

Điểm chung của tôm hùm đất và tôm càng đỏ là đều bị cấm nhập khẩu, kinh doanh, nuôi ở Việt Nam từ năm 2011. Giới chuyên gia nhận định cả hai loài tôm này dù có giá trị kinh tế cao nhưng lại gây tác hại nặng nề cho hệ sinh thái. Thậm chí, nếu không cẩn thận chúng sẽ là nguyên nhân làm nên “đại họa” cho nền nông nghiệp Việt Nam.

Chúng được xác định có đặc tính sinh học nguy hiểm gần giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. Hai loài này có thể đào hang sâu đến 2 mét, phá hoại đê điều, kênh mương, lại ăn tạp động thực vật. Chưa dừng lại ở đó, tôm hùm đất lẫn tôm càng đỏ đều sinh sản rất nhanh, khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt tốt. Chúng hoàn toàn có thể lây lan dịch bệnh cho tôm bản địa. Đặc biệt càng và chân của loại tôm này khi bị đứt thì có khả năng tái sinh lại. Nếu sinh sống trong môi trường thuận lợi chúng có thể sống đến 30 năm. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virus gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và con người.

Theo bác sĩ tại Trường Y của Đại học Washington, St. Louis, Mỹ cảnh báo: Nếu ăn sống tôm hùm đất thì con người có thể bị một loại giun nguy hiểm tấn công vào phổi, loài giun này có tên là Paragonimus kellicotti thường sống ký sinh trong đầu tôm hùm đất. Vì những nguy hại này mà tôm hùm đất được xem là động vật cấm, không được nhập khẩu hay tiêu thụ.

Thông tư số 35/2018 về danh mục loài ngoại lai xâm hại của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tôm càng đỏ là loài ngoại lai xâm hại, còn tôm hùm đất là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Trong khi đó, Bộ NN&PTNT kêu gọi phải khoanh vùng, cô lập, tiêu diệt tôm càng đỏ nếu phát hiện nó phát tán ra môi trường. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng khẳng định tôm càng đỏ và tôm hùm đất không có tên trong danh mục thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link