Hai người đột quỵ khi đi giữa trời nắng: Phòng tránh bằng cách nào?

( PHUNUTODAY ) - Thời tiết nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều nên dễ mất nước nhiều quá còn có thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu dễ tăng nguy cơ đột quỵ cấp.

Hai người đột quỵ khi đi giữa nắng nóng

Chia sẻ trên Vietnamnet, BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, BV Lão khoa Trung ương cho biết, trong những tuần nắng nóng gần đây, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 30-40 bệnh nhân, tăng 150% so với ngày thường.

Trong đó có rất nhiều bệnh nhân đến viện khi đã bị tai biến mạch máu não nặng dẫn tới hôn mê.

Có thể kể đến trường hợp bệnh nhân nam 72 tuổi, được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch do đột quỵ thể chảy máu não. Gia đình cho biết, trước đó 1 ngày bệnh nhân đi ra ngoài trời nắng, khi trở về thấy đầu đau dữ dội, các phản xạ chậm dần rồi rơi vào trạng thái mất ý thức.

Khi đến bệnh viện, các bác sĩ lập tức can thiệp đặt ống nội khí quản cấp cứu, sau đó chuyển sang BV Việt Đức để phẫu thuật nhưng tiên lượng rất dè dặt.

Nữ bệnh nhân 53 tuổi ở Hà Nội điều trị đột quỵ tại BV Lão khoa Trung ương

Nữ bệnh nhân 53 tuổi ở Hà Nội điều trị đột quỵ tại BV Lão khoa Trung ương

Tiếp đó là nữ bệnh nhân 53 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội. Những ngày nắng nóng cao điểm, bệnh nhân vẫn bán hàng ngoài chợ, khi về nhà phát hiện tay chân yếu, méo miệng, được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ kết luận bệnh nhân bị đột quỵ não.

BS Thắng cho biết, nữ bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp, vẫn dùng thuốc đều đặn theo đơn bác sĩ kê nhưng nắng nóng khiến huyết áp tăng lên là nguyên nhân gây chảy máu não. Bệnh nhân nằm lại viện điều trị 2 tuần nhưng vẫn chưa thể xuất viện.

Theo BS Thắng, đối người trên 60 tuổi ở Việt Nam, trung bình mắc 3,4-3,6 bệnh mãn tính, phổ biến nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường. Đây là 2 căn bệnh hàng đầu gây nguy cơ tai biến mạch máu não.

Phòng tránh đột quỵ mùa nắng nóng như thế nào?

Ước tính, cơ thể con người, nước chiếm từ 50% - 70% trọng lượng cơ thể, ở người cao tuổi nước chiếm khoảng 50% trọng lượng cơ thể. Một ngày, qua con đường tiêu hóa, con đường tiết niệu, con đường hô hấp và bài tiết qua da chúng ta thải ra trung bình 2l – 2,5l nước trong cơ thể. Do vậy, người lớn tuổi nên bù vừa phải từ 1,5l - 2l nước/ngày.

Trong những đợt nắng nóng, người cao niên nên uống nước đun sôi để nguội và các loại nước trái cây (nước ép trái cây, nước dừa, nước cam..) thường xuyên, với một nguyên tắc là dinh dưỡng đầy đủ vào mỗi bữa ăn, cũng như uống nước lượng nước đầy đủ cho ngày, không nên uống nước nhiều và nhanh trong cùng một lúc. Ngoài ra, người lớn tuổi tránh uống rượu cũng như các loại nước uống có chất kích thích.

Người chăm sóc cũng như người nhà cần chú tâm bổ sung đa dạng thực phẩm, mỗi bữa ăn nên giàu rau củ quả tươi giàu các vitamin thiết yếu như vitamin C. Đồng thời, trong những ngày nắng nóng, để giúp tăng khẩu vị cho người cao tuổi, chúng ta nên chú trọng cho người cao tuổi ăn các bữa ăn nhỏ, nhẹ và dàn trải ra trong ngày.

Bao gồm các loại trái cây và rau quả tươi như đào, mận, quả mọng, dưa hấu, mía, xoài, các loại trái cây có múi, bí ngô, bầu, dưa chuột và hành tây vì chúng dễ tiêu hóa, có đặc tính làm mát, hữu ích cho các vấn đề về dạ dày như giảm dịch vị axit và sẽ bổ sung nước cho cơ thể.

Đối với những trường hợp người cao tuổi gặp các biến cố hay bất cứ một vấn đề sức khỏe nào trong ngày nắng nóng, người nhà cần ngay lập tức liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các diễn biến nặng hơn.

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn