Tính đến giờ này, tôi đã có hơn 2000 ngày đêm nằm suy nghĩ, gặm nhấm nỗi buồn khi nhìn thời gian trôi qua ngoài song sắt. Thời gian ấy đủ để tôi thấu hiểu thế nào là đúng – sai, là thiện - ác. Ở đời, gieo gió gặp bão, đó là lẽ công bằng.
[links()]
Song mỗi khi nhìn lại những tháng ngày đã qua trong cuộc đời mình, tôi vẫn cảm thấy thật cay đắng, xót xa và luôn luôn tự hỏi: tại sao một thanh niên hiền lành, được giáo dục, học hành tử tế như tôi ngày ấy, lại có thể gây ra một tội ác tày trời đến vậy?
Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình nề nếp. Bố mẹ tôi tuy không giàu sang về vật chất nhưng luôn sống hòa thuận, hạnh phúc, mọi người trong gia đình đùm bọc, yêu thương nhau. Vì vậy mà suốt tuổi thơ của tôi luôn là những tháng ngày đẹp đẽ, đầy ắp niềm vui và tiếng cười.
Năm tháng trôi qua, tôi dần được lớn lên trong vòng tay yêu thương đầy đủ của tất cả mọi người. Tôi cũng là đứa con biết giữ gìn truyền thống gia đình khi luôn học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Khi học ở trường đại học, tôi luôn là một sinh viên tiêu biểu của trường, được bạn bè và thầy cô yêu mến.
Một cuộc đời tươi đẹp, một tương lai rộng mở thênh thang đối với tôi là hoàn toàn có thể, vì chỉ còn hai năm nữa thôi, tôi sẽ trở thành một cử nhân kinh tế. Thế nhưng tôi đã tự hủy hoại cuộc đời mình, đánh mất những điều tốt đẹp nhất, vì một lỗi lầm mà chính tôi cũng không hình dung nổi.
Tôi mơ thấy hình ảnh bố mẹ tôi tảo tần trên rẫy, chắt chiu nuôi tôi ăn học. Tôi mơ thấy người yêu tôi gục ngã khi hay tin tôi giết người. Trong những giấc mơ đó, trái tim tôi nặng nề như bị một tảng đá đè lên. |
Tết năm 2006, tôi về quê ăn Tết cùng bố mẹ, lòng nghĩ rằng đây nhất định sẽ là một mùa xuân ngập tràn hạnh phúc, vì đó là mùa xuân đầu tiên tôi có ở bên cạnh một người con gái để yêu. Vậy mà….
Ngày 21/1, tôi trở lại thăm trường xưa, thầy cô cùng bạn bè cũ. Gặp lại mấy người bạn cùng được về quê ăn Tết, chúng tôi kéo nhau đi liên hoan.
Lúc men say, nghe một người bạn tên là Vũ Minh Luân kể về chuyện bị một nhóm thanh niên bắt nạt, máu sĩ diện trong người nổi lên, chúng tôi kéo đến nhà của kẻ cầm đầu nhóm thanh niên đó rồi lao vào đánh anh ta không cần đúng sai, phải trái gì.
Chỉ sau khi người thanh niên đó mặt mày, tóc tai rũ rượu, quần áo tả tơi, nằm sõng soài trên mặt đất, chúng tôi mới dừng tay. Không cần biết người thanh niên ấy sống chết ra sao, chúng tôi ra về với khí thế của kẻ vừa thắng trận, rồi thản nhiên ai về nhà đó.
3 ngày sau, chúng tôi lần lượt bị bắt như một cơn ác mộng. Đến khi bị bắt, nghe tin người thanh niên đó đã chết, tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi không thể tin mình đã gây ra một tội ác kinh hoàng như thế.
Trọn một ngày đêm, tôi không ăn được gì, không uống được gì, Khi màn đêm buông xuống, cùng với nỗi sợ hãi xâm chiếm toàn bộ tri giác, tôi như một cái xác không hồn đổ gục xuống bên góc tường buồng giam. Tôi hiểu từ giờ cuộc đời mình sẽ rẽ sang một hướng khác.
Tiếp theo đó là một chuỗi ngày mà có lẽ cả cuộc đời này tôi cũng không thể nào quên đi được. Ngoài nỗi hoang mang sợ sệt về cái giá phải trả cho một mạng người vô tội, trong tôi là nỗi đau vò xé tội lỗi với những người thân của mình.
Suốt gần 1 năm trời sau đó, tôi không thể có một giấc ngủ yên. Tôi nhớ bố mẹ tôi, nhớ đến các anh em tôi. Tôi biết, chắc giờ bố mẹ tôi đau khổ lắm. Tôi nhớ đến người con gái tôi mắt bắt đầu yêu thương chưa được bao lâu và thắt lòng khi nghĩ đến ánh mắt thất vọng của em.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi được ra thăm gặp gia đình, khi được cán bộ thông báo tôi đã từ chối không ra, phải mất đến hai lần các cán bộ quản giáo vào tận nơi khuyên bảo: “Anh ra đi, mẹ anh đang khóc”, tôi mới lầm lũi bước ra.
Từ xa, nhìn thấy bố mẹ và người yêu đang khóc, lòng tôi tan nát, nước mắt cứ thế trào ra. Bố tôi hai mắt quầng thâm. Mẹ tôi cứ nhìn tôi rồi lại ôm mặt khóc, vóc dáng tiều tụy, mái tóc bạc đi nhiều sợi. Tôi biết bố mẹ tuyệt vọng và đau khổ vì tôi nhiều lắm.
Không thể chịu được cảnh tượng đó, chỉ nói chuyện được vài câu, tôi đã đứng lên: “Thôi, bố mẹ đừng khóc nữa, hãy quên con đi, đừng lo lắng cho con. Con không còn xứng đáng là con của bố mẹ nữa rồi”. Tai tôi ù đi khi nghe mẹ nói trong nước mắt:
“Con đừng nghĩ như thế. Dù con thế nào thì bố mẹ vẫn yêu thương con. Mẹ chỉ mong con từ đây hãy sửa lấy mình”.
Ngày tôi ra tòa chịu sự phán xét của pháp luật là một ngày nặng nề và nhục nhã nhất đối với cuộc đời tôi. Ở đó tôi không chỉ gặp người thân của mình mà còn đối diện cả với người thân của bị hại. Đứng trước vành móng ngựa cùng với tôi còn có 8 người bạn của tôi.
Nhưng do sợ hãi nên tôi không dám nhìn bất cứ ai trong số những người bạn đó. Mặc dù đã chuẩn bị tinh thần chờ đợi sự trừng phạt, song trước không khí trang nghiêm và tang tóc của phiên tòa, cộng với hành vi tội ác của mình, tôi không thể giấu được nỗi hoang mang đang đè nặng trong lòng.
Toàn thân tôi run lên vì sợ hãi. 8 chúng tôi bị tuyên án tổng cộng 127 năm tù. Riêng tôi phải chịu mức án 17 năm.
Đầu năm 2008, một ngày đầy nắng, tôi được chuyển đến trại giam An Phước. Ngồi trên chiếc xe đặc chủng bịt bùng kín mít, nỗi lo sợ trong tôi lại bùng lên. Tôi rúm người lại khi nghĩ đến những câu chuyện về cuộc sống trại giam đầy khổ ải và đầy cảnh ức hiếp mà tôi đã từng nghe.
Nhưng điều tôi được chứng kiến khiến tôi hoàn toàn bất ngờ. Tôi được ngồi trước màn hình vô tuyến xem ti vi mỗi tối, được tắm giặt thoải mái, được vui chơi giải trí, được học tập, đọc sách và được liên lạc về với gia đình bằng thư từ, điện thoại...
Tôi cũng được thắc mắc, bày tỏ tâm tư nguyện vọng với các cán bộ quản giáo và được các cán bộ rất quan tâm, giúp đỡ. Tôi không thể tin cuộc sống tù đày của mình lại diễn ra dễ chịu như thế.
Nhưng tôi vẫn sống trong tâm trạng đầy mâu thuẫn, chán chường. Với bản án 17 năm đằng đẵng, nhiều lúc tôi coi như đời mình đã chết. Chiều chiều sau giờ lao động, tôi thường kiếm một góc khuất ngồi như một xác chết không hồn.
Đêm đêm tôi ngồi nhìn nghĩ ngợi xa xăm, với nỗi buồn vô tận. Nhưng cũng năm đó, tôi đã chứng kiến những phạm nhân có mức án cao hơn tôi vẫn được hưởng chính sách đặc xá, được đoàn tụ với gia đình sau những nỗ lực học tập, cải tạo tiến bộ.
Trong tôi le lói một ánh sáng phía trước con đường mà tôi đang đi. Điều quan trọng nhất là lúc này dường như lương tâm tôi đã bừng tỉnh, thôi thúc tôi phải sống, phải đứng dậy sau vấp ngã, trở lại là chính mình để đền bù một phần tội lỗi đã gây ra.
Tôi tự ép mình vào khuôn khổ, kỷ luật của trại. Trong lao động, tôi tự đề ra mục tiêu phấn đấu bất cứ hoàn cảnh nào, công việc nào cũng phải hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Song đó chỉ là những cố gắng bề nổi.
Trong lòng tôi, những nỗi niềm vẫn nặng trĩu. Tôi vẫn chưa thể tha thứ được tội lỗi đã gây ra với gia đình người bị hại, với bố mẹ tôi, với người yêu tôi. Tôi thường mơ tới hình ảnh tang tóc đau thương của gia đình bị hại khi mất đi người con duy nhất.
Tôi mơ thấy hình ảnh bố mẹ tôi tảo tần trên rẫy, chắt chiu từng đồng nuôi tôi ăn học. Tôi mơ thấy người yêu tôi gục ngã khi hay tin tôi giết người. Trong những giấc mơ đó, trái tim tôi nặng nề như bị một tảng đá đè lên.
Dẫu vậy, tôi vẫn luôn tự nhủ phải cố gắng vươn lên, bởi tôi nghĩ, không còn con đường nào để tìm lại chính mình bằng cách phấn đấu nhiều hơn nữa. Sau nhiều năm phấn đấu, tôi được các phạm nhân cùng cải tạo tín nhiệm, được cán bộ đánh giá cao, xếp loại cải tạo tốt.
Cuối năm 2010, tôi được Ban Giám thị phân công phụ trách tiểu ban đời sống, sản xuất của phạm nhân. Tôi đang cố gắng hơn bao giờ hết để chuộc lại lỗi lầm.
Tôi đã nhận ra rằng, ranh giới giữa cái thiện và cái ác trong một con người chỉ là một ranh giới mong manh.
Vẫn biết con đường quay về nẻo thiện phía trước của tôi còn dài, song với ý chí quyết tâm gột sạch cái ác, hướng đến điều thiện, tôi luôn tin rằng đến một lúc nào đó tôi sẽ về đến đích, trong thời gian sớm nhất.
Tôi kể lại câu chuyện này như một lời nhắc nhở, tự răn mình, đồng thời cũng là lời tạ tội đối với người đã khuất nơi chín suối, ngàn lần xin anh tha thứ cho tôi.
Tôi mong xã hội tha thứ cho tôi, đón nhận tôi như các bậc sinh thành vẫn luôn sẵn sàng tha thứ cho những đứa con có lỗi biết thành tâm ăn năn, từ bỏ cái ác để quay đầu về nẻo thiện….
- Phạm nhân Trần Văn Dương (Trại giam An Phước)