3 cơ quan KH đề nghị dời ’biểu tượng’ Đàn Xã Tắc

11:06, Thứ sáu 28/06/2013

( PHUNUTODAY ) - Ba cơ quan khoa học cùng đề xuất các ngành chức năng di dời "biểu tượng" Đàn Xã Tắc ra vị trí hợp lý để ưu tiên cho giao thông, tránh lãng phí.

Ba cơ quan khoa học cùng đề xuất các ngành chức năng di dời "biểu tượng" Đàn Xã Tắc ra vị trí hợp lý để ưu tiên cho giao thông, tránh lãng phí.

Mới đây, 3 cơ quan khoa học là: Liên hiệp Khoa học UIA, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Trung tâm bảo trợ Văn hóa kỹ thuật truyền thống đã gửi kiến nghị lên cơ quan chức năng về việc giải tỏa ách tắc giao thông tại Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội), bằng đề xuất di dời biểu tượng Đàn Xã Tắc sang vị trí hợp lý.

Tờ Kiến thức dẫn đề xuất của 3 cơ quan trên nói rằng, với những bằng chứng khoa học và kết quả giải mã các thông điệp từ thế giới tâm linh, 3 cơ quan khoa học đã đề nghị Đảng, Chính phủ, các cơ quan chức năng Nhà nước duyệt phương án di dời “biểu tượng” Đàn Xã Tắc sang vị trí hợp lý.

dan-xa-tac-Phunutoday.vn.jpg
3 cơ quan khoa học đề nghị di dời Đàn Xã Tắc đi vị trí khác để ưu tiên giao thông.

Vì theo 3 cơ quan này, việc tế Đàn Xã tắc của triều đình phong kiến ngày xưa là một nghi thức tín ngưỡng riêng của từng triều đại, mỗi triều đại đều có những phương thức hành xử riêng về tín ngưỡng tâm linh, long mạch... Do vậy, các triều đại sau không kế thừa vị trí và nội dung đàn tế của triều đại trước.

Quy mô khu trung tâm của Đàn Xã tắc thời xưa khoảng từ 4 đến 5 ha, nên việc cắm biển di tích cho Đàn Xã tắc có thể chọn một vị trí bất kỳ nào trong phạm vi từ 4-5 ha. Vị trí cắm biển “di tích Đàn Xã Tắc triều Lý” tại Ô Chợ Dừa chỉ mang tính tượng trưng và hoàn toàn không phải là trung tâm của khu nội đàn.

Ngay từ thời nhà Lý, đời Lý Huệ Tông đã chủ động hủy bỏ việc tế Đàn Xã tắc - Tông Miếu. Do vậy, vị trí “di tích Đàn Xã Tắc thời Lý” chỉ mang tính bảo tồn sự kiện lịch sử chứ không hề mang tính truyền thừa về tín ngưỡng văn hóa tâm linh.

Không nên coi cái “Đàn Xã Tắc” thời đó “là trời đất, tổ tiên...” của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay.

Thời đại Hồ Chí Minh đã chọn Ba Đình là nơi đắc địa cho việc lập “Đàn Xã Tắc”, linh khí quốc gia đang hội tụ về đó. Mọi hoạt động văn hóa, mọi nghi thức về tín ngưỡng tâm linh hiện thời đều phải hướng tới sự đoàn kết và hòa hợp dân tộc trên toàn lãnh thổ, lãnh hải, tránh tư tưởng cục bộ, cát cứ, tránh việc bày vẽ thêm các điểm cúng lễ không cần thiết khiến cho những kẻ lạm dụng tín ngưỡng dễ bề tuyên truyền mê tín dị đoan.

Ba cơ quan khoa học cũng cho rằng, vị trí cắm biển di tích Đàn Xã tắc triều Lý tại Ô Chợ Dừa là vị trí tượng trưng, biểu tượng (giống như con chó đá) cũng chỉ mới sáng tác và lập dựng cách đây mấy năm, không phải là di vật có từ triều đại nhà Lý, không nên coi cái vị trí cắm biển là cố định, là “bất di bất dịch”.

Biểu tượng ấy đâu có linh thiêng mà phải yêu cầu toàn tuyến giao thông phải vòng vèo né tránh gây tốn kém thêm hàng trăm tỷ đồng, lại còn làm hạn chế lưu tốc giao thông.

Các cơ quan khoa học này còn gợi ý một vài giải pháp bảo tồn di tích trong thời đại mới. Thứ nhất là, có thể chuyển hình thức bảo tồn di tích đang ở dạng “mặt bằng” (tốn diện tích giao thông mà hiệu quả lại thấp) sang hình thức bảo tồn di tích dạng “dựng đứng” (bằng cách dựng mô hình lên theo phương thẳng đứng) để mọi người có thể nhìn thấy di tích từ xa, hiệu quả thông tin lại cao hơn mà không hề ảnh hưởng tới diện tích giao thông.

Ngoài ra, có thể dùng 200 đến 300 m2 để làm nhà trưng bày, hoặc triển lãm về Đàn Xã Tắc thời xưa. Như vậy, vẫn bảo tồn được di tích mà không ảnh hưởng tới giao thông, lại tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm tỷ đồng khi giải quyết nút giao thông theo phương án mới.

Quan điểm của 3 cơ quan khoa học trên khá giống với quan điểm của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội, khi kiến nghị với UBND TP. Hà Nội ưu tiên xây dựng cầu vượt qua nút giao này, vì Đàn Xã Tắc chỉ là phế tích của triều đại trước, không thể coi là văn hóa tâm linh của người Việt. Bởi lẽ khu vực này đã biến mất hàng trăm năm mà không ai đoái hoài, ghi nhớ.

“Xóa đi Đàn Xã Tắc cuối thời Lê là “xóa đi hình ảnh chế độ phong kiến mục nát trong tâm thức người dân. Khôi phục, tôn thờ Đàn Xã Tắc quá mức là phản cảm với khu di tích gò Đống Đa cách đó chưa đầy 1 km”, ông Liên nói.

Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội mong muốn các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo quyết liệt xây dựng cầu vượt Xã Đàn hoàn thành đúng tiến độ, đúng thiết kế, gắn bảo tồn di tích và phát triển để Thủ đô của chúng ta có con đường hiện đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện đời sống của người dân. Mà theo ông, đấy là mong mỏi của “người dân và các doanh nghiệp vận tải Hà Nội”.

Dự án xây dựng nút giao thông qua Đàn Xã Tắc đã gây ra nhiều tranh cái trong giới sử học và chính quyền suốt thời gian qua, một số hội thảo đã được tổ chức, nhưng phương án cuối cùng vẫn chưa được quyết định.

Gần nhất là hôm 5/6, Hà Nội cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các nhà khoa học, sử học, quản lý… đóng góp cho dự án xây dựng cầu vượt qua vị trí Đàn Xã Tắc.

Tại đây, 6 phương án về xây dựng cầu vượt đã được đưa ra, trong đó có hai phương án được nhiều người ủng hộ.

Thứ nhất, xây cầu vượt trực thông theo hướng đường vành đai 1 (đường Xã Đàn) khi đến Đàn Xã Tắc sẽ đi hình vòng cung lệch về phía Nam để tránh di tích.

Thứ hai, mở thêm một nhánh đi từ phố Khâm Thiên đi qua nút Ô Chợ Dừa rồi nhập vào cầu chính trên đường vành đai 1 theo hướng Khâm Thiên, sau đó cầu có hình dáng chữ Y.

Hiện UBND TP. Hà Nội vẫn giao các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các phương án, đồng thời vẫn tiếp nhận ý kiến đóng góp về dự án này.

  • P.V (Tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc