Thống kê cho thấy hiện nay Việt Nam có hơn 1000 họ khác nhau. Trong số đó, họ Nguyễn, Trần, Lê, Phạm... là những họ có số lượng nhiều nhất... Bên cạnh đó, có những dòng họ mặc dù không phổ biến nhưng lại được xếp vào nhóm quý tộc, là con cháu vua chúa, trước kia vị trí cao vào nhiều đặc quyền trong xã hội hơn so với các dòng họ khác.
Dòng họ Tôn Thất
Tôn Thất là danh hiệu đặt cho nam giới và là hậu duệ không thuộc nhánh thừa kế Nguyễn Phúc của Hoàng tộc nhà Nguyễn. Trải qua quá trình chuyển biến lịch sử vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, họ Tôn Thất dần tách khỏi dòng họ Nguyễn. Sau này, họ Tôn Thất chính thức trở thành một họ độc lập.
Theo các ghi chép xưa để lại, ban đầu, vua Minh Mạng dùng họ Tôn Thất để đặt cho các con cháu của chúa Nguyễn, Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần, vốn mang họ Nguyễn Phúc. Mỗi Chúa là một hệ tổ của một hệ. Tổng cộng có 9 hệ. Tuy nhiên, trong số đó, hệ 4 và hệ 6 không có con cái nên sau này không được lưu truyền.
Họ Tôn Thất được coi là họ thuộc nhóm bà con xa với dòng Đế hệ - họ được làm Hoàng đế.
Tuy nhiên, thời đó người ta quy định rõ nam nữ của hai dòng không được phép kết hôn với nhau, ngay cả khi hai bên đã trải qua 6-7 đời.
Gia phả Hoàng tộc nhà Nguyễn có viết về việc đặt tên này như sau: "Ngày trước, triều Nguyễn chúng ta là họ Nguyễn Văn. Xem như ngài Trừng quốc công, thân sinh ra Đức Triệu Tổ Tịnh Hoàng đế (Nguyễn Kim), húy là Nguyễn Văn Lưu thì đủ rõ. Đến triều Minh Mạng (1823), lại phân biệt ra Tôn Thất Nguyễn Phúc và Công Tánh Nguyễn Hựu. Tôn Thất Nguyễn Phúc là những người đi theo Đức Nguyễn Hoàng trong lúc Ngài vào trấn thủ ở phương Nam, còn những kẻ ở lại ngoài Bắc đều lấy họ là Công Tánh Nguyễn Hựu. Hiện giờ, người ta chỉ để hoặc Tôn Thất hoặc Nguyễn Hựu mà thôi".
Trong dòng họ Tôn Thất, có một số nhân vật có thành tựu lớn như Tôn Thất Hiệp (một hoàng tử - con của chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, từng là Nguyên soái thống lĩnh quân Đàng Trong đánh nhau với quân Trịnh), Tôn Thất Thuyết (một đại thần trong triều đại nhà Nguyễn), Tôn Thất Tùng (GS. BS. Việt Nam, tác giả cuốn "Phương pháp cắt gan khô"), Tôn Thất Bách (PGS. BS. Nhà giáo Nhân dân, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội)...
Dòng họ Tôn Nữ
Dòng họ Tôn Nữ cũng giống như dòng họ Tôn Thất, được sinh ra từ dòng tộc Nguyễn Phúc, có liên quan đến các Hoàng đế nhà Nguyễn. Nếu như họ Tôn Thất dùng để đặt cho nam giới thì họ Tôn Nữ là danh hiệu dùng để gọi nữ giới.
Từ đời vua Minh Mạng, con gái vua được gọi là Hoàng nữ. Sau này, khi được sắc phong, người này được gọi là Công chúa. Nếu Công chúa có anh trai hoặc em trai lên ngôi vua thì người này được phong làm Trưởng công chúa (để phân biệt với các Công chúa là con của vua sau này). Sau đó, nếu có cháu lên làm vua (vua gọi người này bằng cô) thì Trưởng Công chúa được phong lên làm Thái trưởng công chúa.
Con gái của Hoàng tử được gọi là Công nữ; con gái của Công tử gọi là Công Tôn Nữ; con gái của Công Tôn Nữ gọi là Công Tằng Tôn Nữ; xuống thêm một bậc nữ gọi là Công Huyền Tôn Nữ; xuống thêm nữa là Huyền Tôn Nữ...
Từ đây, Tôn Nữ là danh xưng chung để gọi những người con gái thuộc dòng dõi của vua Nguyễn.
Dòng họ Lý
Lý là một trong những dòng họ tồn tại lâu đời ở Việt Nam. Một số quan điểm còn cho rằng đây là một trong những họ xuất hiện từ thời Hùng Vương. Tuy nhiên, đây vẫn là một trong những vấn đề chưa có bằng chứng chính xác, vẫn còn gây tranh cãi và cần thêm nhiều nghiên cứu, tìm hiểu để xác minh.
Vị vua họ Lý đầu tiên của Việt Nam được công nhận là Lý Bí (hay Lý Nam Đế). Đây là nhân vật được xem là người thiết lập là một triều đại phong kiến quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
Sau triều đại của Lý Nam Đế là nhà Lý do vua Lý Công Uẩn thành lập. Trong lịch sử, Lý Công Uẩn chính là người dời kinh đô nước Việt về Thăng Long (là Hà Nội ngày nay).