Câu chuyện thứ nhất: Đứa con trai trở về
Ngày xưa, có một ông bố sống cùng đứa con trai mà anh yêu nhất trên đời ở một ngôi làng hẻo lánh. Một hôm, trong khi người bố đi vắng, những tên cướp đã xông tới, đốt phá hầu hết ngôi làng, và bắt cóc đứa trẻ mang đi.
Khi trở về nhà, ông bố cứ ngỡ con trai mình đã chết cháy trong đám tro tàn. Đau đớn tột cùng, anh đã lấy nắm tro cho vào trong túi, luôn mang theo bên mình. Nào ngờ, một thời gian sau, cậu con trai bất ngờ trốn thoát được khỏi bọn bắt cóc và trở về nhà.
Cậu gõ cửa ngôi nhà mà cha cậu đã xây dựng lại. Người bố ở bên trong hỏi vọng ra xem ai đang gõ cửa.
Cậu con trai trả lời rằng, "Là con đây, bố mở cửa cho con đi". Thế nhưng, ông bố luôn cho rằng túi tro mà mình đang mang bên mình mới đúng là cậu con trai đã mất, còn kẻ đang ở bên ngoài rất có thể chỉ là một kẻ giả mạo nào đó, hoặc cố tình trêu đùa ông, hoặc có mục đích khác.
Nghĩ như vậy, nên ông lạnh lùng nói, "Đi đi". Sau vài lần nài nỉ và thuyết phục, cậu bé vẫn không thể khiến cho ông bố tin tưởng, cậu bé đành bỏ đi, và không bao giờ quay trở lại nữa.
Lời bàn: Chính kiến là điều cần thiết với mỗi người nhưng cố chấp là không nên. Dù bất cứ tình huống nào con người cũng cần có chính kiến nhưng phải biết linh động. Cứng nhắc không phải là cách, đôi khi, chúng còn tác dụng ngược khiến ta tổn thương.
Câu chuyện thứ 2: Sắc lệnh của nhà vua
Có một ngôi làng nọ cách cung điện của nhà vua 10 dặm. Ở ngôi làng này có một dòng suối tuyệt vời, vì thế nhà vua ra lệnh dân làng ngày nào cũng phải mang nước từ dòng suối đó đến cung điện cho nhà vua sử dụng.
Tuy nhiên, sau một thời gian, do đi lại quá vất vả, dân làng bắt đầu cảm thấy phiền phức trước yêu cầu của nhà vua. Một hôm, trưởng làng nói với tất cả: "Tôi sẽ đến gặp nhà vua và cầu xin nhà vua đưa ra sắc lệnh, rằng từ nay trở đi, khoảng cách từ làng chúng ta đến cung điện sẽ chỉ dài 1 dặm thôi. Điều đó sẽ khiến cho nhiệm vụ của chúng ta dễ dàng hơn nhiều".
Sau khi nghe vị trưởng làng trình bày, nhà vua rất lấy làm hài lòng và đồng ý đưa ra sắc lệnh mới trước sự vui mừng của dân làng. Tuy nhiên, có một người thắc mắc, "Thế thì có gì khác? Khoảng cách vẫn là như vậy mà, chỉ có cái tên là thay đổi thôi".
Tuy nhiên, dân làng vẫn tin vào sắc lệnh của nhà vua và cảm thấy từ đó trở đi, dường như con đường họ phải đi mỗi ngày cũng như trở nên ngắn hơn nhiều.
Lời bàn: Con người có thể dùng sức mạnh và quyền lực để tác động, làm thay đổi tên gọi của những sự vật, sự việc trong khi bản chất của chúng thì vẫn như thế. Chỉ có những kẻ ngốc mới không nhận ra mà thôi.
Tuy nhiên, câu chuyện cũng có một tầng lớp ý nghĩa khác, đó là vai trò quan trọng của ý chí con người. Nó ẩn chứa những sức mạnh bất ngờ và giúp con người vượt qua được những thời điểm khó khăn trong cuộc sống.
Chỉ cần con người có niềm tin, có sự dẫn dắt của những nhân tố đầu tàu, khó khăn nào cũng có thể giải quyết, trở ngại nào cũng có thể bước qua.