3 nhóm cán bộ, CCVC được tăng lương thêm 80%
Ngày 22/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 19/2022/QĐ-TTg về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2022 - 2024.
Quyết định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện chi phí quản lý và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Trong đó, theo khoản 1 Điều 5, tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong chỉ tiêu biên chế hoặc vị trí việc làm sau đây sẽ được tính bằng 1,8 lần mức lương đối với cán bộ, công chức, viên chức do Nhà nước quy định:
- Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam;
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong tổ chức Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
- Người lao động thực hiện các chính sách bảo hiểm thất nghiệp của ngành lao động - thương binh và xã hội.
Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 5, tiền lương tăng thêm 0,8 lần như trên không bao gồm các loại phụ cấp công vụ, thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp ưu đãi giáo dục, phụ cấp thu hút ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ.
Đồng thời, mức lương tăng thêm không dùng để tính đóng, hưởng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/11/2022. Riêng việc chi trả tiền lương tăng thêm 0,8 lần được thực hiện cho đến khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Như vậy, so với mức lương của cán bộ, công chức, viên chức ngành khác cùng loại, mức lương của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo hiểm xã hội cao hơn đến 80%. Tuy nhiên, phần tăng thêm này không được tính vào lương đóng các loại bảo hiểm và kinh phí công đoàn.
Bảng lương của trợ giúp viên pháp lý
Theo quy định trước đây tại Thông tư liên tịch 08/2016/TTLT-BTP-BNV, viên chức trợ giúp viên pháp lý chỉ được xếp hạng chức danh hạng III và hạng II với hệ số lương cao nhất là 6.78.
Tuy nhiên theo quy định mới tại Thông tư 05/2022/TT-BTP, viên chức trợ giúp viên pháp lý đã được bổ sung chức danh hạng I với hệ số lương từ 6.20 đến 8.00.
Theo đó, Bảng lương của trợ giúp viên pháp lý cụ thể như sau:
Để được bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý hạng I, viên chức phải đáp ứng tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sau:
- Nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật...
- Thực hiện thành thạo nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; chủ trì có hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý;
- Được Cục Trợ giúp pháp lý xác nhận thực hiện ít nhất 02 vụ việc tố tụng thành công tại Tòa án cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương trở lên;
- Có năng lực hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho trợ giúp viên pháp lý hạng II, hạng III; đã chủ trì thẩm định chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý hoặc đánh giá hiệu quả ít nhất 20 vụ việc...
- Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số nếu công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm;
- Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I phải giữ chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II hoặc tương đương từ đủ 06 năm cộng dồn trở lên...
Thông tư 05 có hiệu lực từ ngày 20/10/2022.