Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã nhất trí với mức tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. Vậy lương công chức sẽ thay đổi như thế nào khi lương cơ sở tăng?
Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã nhất trí lùi thời gian cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27, đồng thời đã nhất trí với mức tăng lương cơ sở1,8 triệu đồng/tháng, tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. Đồng thời, tăng chi lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối với đối tượng do ngân sách nhà nước chi trả khoảng 12,5%; hỗ trợ theo với người nghỉ hưu trước năm 1995; tăng chi ưu đãi cho người có công và các chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở khoảng 20,8%.
Lương cơ sở tăng thì do chưa cải cách tiền lương nên lương công chức vẫn áp dụng theo công thức:
Lương = Hệ số x Mức lương cơ sở
Do từ 01/7/2023 chưa cải cách tiền lương theo tinh thần của Nghị quyết 27 năm 2018 của Bộ Chính trị nên lương công chức vẫn được tính theo công thức:
Lương = Hệ số x Lương cơ sở + Phụ cấp - tiền đóng bảo hiểm xã hội, công đoàn
Trong đó:
Hệ số lương: hệ số lương của công chức vẫn đang thực hiện theo phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP với các ngạch công chức loại A3 (gồm hai nhóm là A3.1, A3.2); công chức loại A2, công chức loại A1, công chức loại A0, công chức loại B và công chức loại C (gồm C1, C2 và C3).
Với các ngạch nêu trên, hệ số lương cao nhất là 8,0 thuộc về công chức loại A3 nhóm 1 (Công chức A3.1) và hệ số lương thấp nhất là 1,35 thuộc về công chức loại C nhóm 3 (C3).
Lương cơ sở: Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng từ 01/7/2019 là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo dự kiến thì lương cơ sở mới từ 01/7/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 20,8% so với mức lương hiện hưởng).
Do đó, nếu tăng lương cơ sở thì mức lương cao nhất của công chức sẽ là 14,4 triệu đồng/tháng (hiện nay mức lương cao nhất của công chức đang áp dụng là 11,92 triệu đồng/tháng); lương thấp nhất của công chức sẽ là 2,43 triệu đồng/tháng (hiện nay, mức lương thấp nhất của công chức là khoảng 2,01 triệu đồng/tháng).
Phụ cấp: Công chức hiện đang hưởng phụ cấp theo hai cách tính:
- Phụ cấp tính theo lương cơ sở thông qua công thức:
Phụ cấp = Lương cơ sở x hệ số phụ cấp được hưởng
Loại phụ cấp này gồm phụ cấp độc hại, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động…
- Phụ cấp tính theo tỷ lệ % thông qua công thức:
Phụ cấp = (Lương + Phụ cấp chức vụ lãnh đạo + Phụ cấp thâm niên vượt khung) x tỷ lệ % phụ cấp được hưởng
Loại công thức này gồm phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi nghề…
Dù phụ cấp được tính theo công thức nào thì khi lương cơ sở tăng cũng đồng thời kéo theo mức phụ cấp tăng. Do đó, nếu lương cơ sở tăng thì phụ cấp tăng và mức lương cơ bản (chưa tính phụ cấp và trừ đi các khoản đóng góp như bảo hiểm xã hội, công đoàn…) cũng được tăng theo.
Và mức tăng cũng tương đương với mức tăng của mức lương cơ sở đồng nghĩa nếu lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8% so với hiện nay) thì lương công chức cũng sẽ tăng tương ứng (20,8%) so với mức lương đang hưởng hiện nay.
Sau nhiều lần trễ hẹn tăng lương cơ sở cho công chức thì sắp tới đây, công chức trên cả nước sẽ đón nhận tin vui về việc tăng thêm thu nhập dự kiến từ 01/7/2023.