Giai đoạn 1: Chuyển biến sau kết hôn
Tình yêu luôn được miêu tả bằng nhiều từ ngữ hoa mĩ, nó là viên kẹo ngọt ngào, là ngọn đèn vàng ấm áp trong đêm tối. Nhưng hôn nhân thì sao? Hôn nhân là dầu, muối, mắm, là tiền bạc, là những điều hiện thực.
Đối với những người mới cưới, còn giữ được sự tươi mới của hôn nhân thì có thể hai bên vẫn còn tốt. Nhưng dần dần, họ sẽ bắt đầu cảm thấy được sự chuyển biến của giai đoạn từ yêu sang kết hôn. Sẽ có nhiều điều khác biệt, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm của vợ chồng.
Để vượt qua giai đoạn này, đầu tiên cần tinh thần. Chúng ta phải thích ứng với khoảng cách nội tâm và hiểu bản chất của hôn nhân một cách tích cực. Hãy tự nhủ rằng cuộc sống là một câu chuyện thực tế chứ không phải cổ tích. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp cần hai tâm hồn thú vị, thấu hiểu cho nhau và muốn làm nhau hạnh phúc.
Giai đoạn 2: Sinh con
Đối với các cặp vợ chồng, việc mang thai là điều đáng mong chờ và đôi khi là điều kỳ diệu nhất trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, nó cũng là một thử thách lớn.
Nhiều người tin vào câu nói: “Phụ nữ khi sinh con mới hiểu đàn ông có yêu mình hay không”. Bạn thử nghĩ xem, trong thời gian người vợ mang thai, 10 tháng đó gia đình sẽ có những biến động nhất định. Đàn ông đối mặt với sự tự chủ của bản thân, đối mặt với sự thấu hiểu, yêu thương, dịu dàng của mình… Có thể nói rằng, giai đoạn vợ mang thai đàn ông cũng có những biến chuyển trong tâm sinh lý nhất định.
Vợ có thai sẽ cáu kỉnh, suy nghĩ nhiều, đàn ông cần hết sức nhẫn nại, bao dung. Sau khi vợ sinh con là cả tấn áp lực khác đổ ập xuống. Từ chuyện kinh tế, chuyện vợ chồng, chăm sóc con, đối nội đối ngoại hoặc đối phó với sự khác biệt khi chăm sóc con cái… Có thể nói rằng nhiều cặp đôi cũng “ngã ngựa” ngay ở giai đoạn này và khiến hôn nhân căng thẳng.
Giai đoạn 3: Ham của lạ
Tâm lý học phương Tây dùng thuật ngữ "The seven-year itch" (Tạm dịch: 7 năm ngứa ngáy) để ám chỉ giai đoạn vợ chồng bắt đầu cảm thấy chán nhau và một trong hai người, hoặc cả hai, đều có ham muốn hoặc hành vi ngoại tình.
Giai đoạn ham "của lạ" thường xảy ra khi hai người đã chung sống được khoảng 5 - 7 năm.
Beverly Hayman giải thích rằng ở giai đoạn này, các cặp vợ chồng đã có cuộc sống ổn định, đã dần quen hoặc thích nghi/chấp nhận được những tật xấu hoặc những điều gây khó chịu của đối phương. Nói cách khác, sau khi sống chung 5-7 năm, chẳng còn điều gì ở người bạn đời mà chúng ta chưa biết. Cảm giác nhàm chán xuất hiện kèm theo ham muốn có những mối quan hệ ngoài luồng để cuộc sống thi vị hơn gần như là hệ quả hiển nhiên, dù không ai mong muốn.
Giai đoạn 4: Hôn nhân "lão hóa"
Một cuộc khảo sát đã được tiến hành với sự tham gia của 2000 phụ nữ đã kết hôn ở Mỹ. 98% người tham gia đều cho rằng năm thứ 11 của hôn nhân là giai đoạn khó khăn và chán nản nhất.
Tâm lý học gọi đây là giai đoạn hôn nhân bước vào thời kỳ "lão hóa". Trong giai đoạn này, phụ nữ phải gánh vác rất nhiều trách nhiệm: Chăm sóc con cái, đối mặt với sự khó chiều khó bảo khi con bước vào tuổi dậy thì, đồng thời vẫn phải duy trì công việc cá nhân.
Hệ quả, những bà vợ trong giai đoạn này gần như không có cả thời gian lẫn tâm trí để chăm sóc bản thân hoặc nghỉ ngơi. Người chồng cũng có thể sẽ cảm thấy vợ mình không còn hấp dẫn trong giai đoạn này. Dữ liệu thống kê cho thấy "tuổi thọ" trung bình của những cuộc hôn nhân ở Mỹ là 11 năm, nghĩa là phần lớn các cặp vợ chồng đều dễ rơi vào cảnh đường ai nấy đi sau 10 - 11 năm chung sống.
Đây cũng chính là giai đoạn khó vượt qua nhất trong hôn nhân. Tuy nhiên, tin vui là nếu bạn vượt qua được khoảng thời gian này, mức độ hài lòng với cuộc hôn nhân của mình sẽ không ngừng tăng lên trong suốt 20 năm tiếp theo.
Các nhà trị liệu gia đình Dana Fillmore và Amy Barnhart khuyên bạn nên đối xử với các thành viên trong gia đình - bao gồm cả chính bạn, bằng sự hài hước và thả lỏng. Không nên quá kiểm soát chồng, quá thường xuyên mắng con.
Giai đoạn 5: Khủng hoảng tuổi trung niên
Ở độ tuổi 38-50, mối quan hệ của hai bạn có thể trở nên nhạt nhẽo hơn. Bố mẹ đã già, con cái thì lớn và có cuộc sống riêng. Sẽ ra sao nếu bạn và người ấy bước vào độ tuổi trung niên khi mọi thứ không còn mặn mà? Cả hai có thể hỗ trợ nhau điều gì và còn điều gì lạ để thu hút nhau nữa?
Đôi khi, ở giai đoạn này hai vợ chồng bắt đầu không còn tìm thấy tiếng nói chung và rất đau khổ, không chịu đựng nổi. Tình trạng mối quan hệ của hai bên giống như một vũng nước đọng. Không còn gì mới mẻ, không còn muốn tìm hiểu nhau.
Thực tế trong cuộc sống, nhiều cuộc hôn nhân chấm dứt ở giai đoạn này. Hai bên cảm thấy con cái lớn không còn vướng bận, cũng chẳng cần để ý quá nhiều nữa và bắt đầu thoải mái đi tìm niềm vui cho mình. Niềm vui đó bạn đời không trao được, họ sẽ kiếm ở chỗ khác. Bởi vậy, rất nhiều đôi “vấp” ngay ở giai đoạn này và hôn nhân không thể tiếp tục.
Bởi vậy trong cuộc sống, hai bên cần biết cách quan tâm nhau, học cách cho đi và thường xuyên chuẩn bị những điều bất ngờ thú vị với đối phương.
Hôn nhân không hề dễ dàng và phải được trân trọng mỗi ngày. Chẳng có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo, kiểu gì nó cũng có những thiếu sót và lỗ hổng. Tuy nhiên xét ở một phương diện nào đó, hôn nhân cũng có thể trở thành “hầm trú ẩn” của bạn trong cuộc sống nhiều bão táp này. Cả hai hãy cố gắng để xây dựng một cuộc hôn nhân bền vững và vượt qua những khó khăn nhất của các giai đoạn hôn nhân nhé.