8 điểm dễ dàng phân biệt kẻ tiểu nhân và người quân tử

( PHUNUTODAY ) - Quân tử và tiểu nhân rốt cuộc khác nhau ở điểm nào? Dưới đây là 10 đặc điểm chỉ ra người quân tử và kẻ tiểu nhân bạn nên đọc.

Người quân tử là người sáng tỏ chân lý cuộc đời, dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể giữ vững đạo nghĩa, tuân theo Thánh hiền dạy bảo mà làm người, tâm địa rộng rãi, giáo hóa một phương, khiến người xung quanh tôn trọng đạo nghĩa, đó chính là phẩm hạnh và tác phong của người quân tử.

Quân tử coi đức hạnh là lẽ sống mà tự ước thúc bản thân, còn tiểu nhân coi đức hạnh là trò viển vông. Dưới đây là những điểm cơ bản phân biệt hai loại người đó.

maxresdefault

1. Nhìn nhân phẩm: Quân tử cầu mình, tiểu nhân cầu người

Người quân tử yêu cầu chính mình, kẻ tiểu nhân lại yêu cầu người khác. Người quân tử cảnh tỉnh chính mình, thời thời khắc khắc xem xét bản thân, có tính cách độc lập, tự cường, tìm chỗ thiếu sót của bản thân để từ đó thay đổi, không ngừng cải thiện. Còn tiểu nhân thì không xem xét chính mình, thường đem sai lầm trách nhiệm đổ lên người khác để rồi cả đời không thể tiến bộ.

2. Nhìn chọn lựa: Quân tử kiên định, tiểu nhân biến loạn

Người quân tử cho dù gặp cảnh khốn cùng hay tuyệt lộ thì vẫn ung dung đĩnh đạc, kiên trì với nguyên tắc làm người của mình. Kẻ tiểu nhân khi gặp khốn cùng thì thường bất chấp quy tắc, lấy lợi làm trọng. Vậy nên có thể giữ vững được bản thân mình trong lúc bần cùng hay không chính là giới hạn để phân biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.

3. Nhìn bạn bè kết giao: Quân tử không so bì, tiểu nhân chọn người so sánh

Quân tử đoàn kết mà không cấu kết, tiểu nhân cấu kết lại không đoàn kết. Người quân tử khi kết giao bạn bè, bất luận đối với ai cũng là công chính vô tư mà đối đãi với mọi người, không kết bè tạo phái. Tiểu nhân thì thích tiếp cận với những người tương đồng với mình, chọn bạn kết giao, bài xích những người không hợp, lấy tư lợi làm trọng.

4. Trí tuệ

Trí tuệ không chỉ nói đến sự thông minh, khôn khéo, ứng biến giỏi hay học thức cao. Rất nhiều người học cao, thông minh nhưng vẫn chưa đạt đến cảnh giới “quân tử”. Ngoài ra, nhiều kẻ khôn vặt, giảo hoạt, dù có được trí thông minh thì cũng chỉ là kẻ tiểu nhân đắc chí.

Trí tuệ của người quân tử đôi khi không biểu hiện ra ngoài trong những hoàn cảnh bình thường, chỉ như mặt nước hồ thu không mảy may gợn sóng. Trí tuệ của họ không phải là cái khôn nhất thời để chiếm đoạt lợi ích cho mình mà là trí huệ cao xa, lòng dạ quang minh chính đại, khoan dung độ lượng.

Quân tử lấy tĩnh chế động, bình ổn, hoà ái trong tâm. Tiểu nhân lấy động chế động, càng làm càng hỏng việc, luôn bứt rứt, lo nghĩ chẳng yên. Trí tuệ của người quân tử là để làm lợi cho người, cho quốc gia. Trí khôn của kẻ tiểu nhân thì chỉ một mực chăm chăm vụ lợi cho mình.

5. Lời nói và hành vi

Lời người quân tử nói ra có sức nặng như núi Thái Sơn. Có câu: “Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy” (quân tử nói một lời, bốn ngựa khó đuổi). Chính là nói một lời khi phát ra thì đã không thể thu lại, cũng là nói lời của người quân tử rất uy tín, không thể thay đổi.

Người quân tử “hòa” mà không “đồng”, kẻ tiểu nhân “đồng” mà không “hòa”. Ý nói rằng, người quân tử nói chuyện bằng tâm thái hòa ái, bao dung nhưng không ba phải, hùa theo người khác. Còn kẻ tiểu nhân thì đoán ý người khác để phụ họa lời theo mà trong lòng lại có bụng khác, nham hiểm khó lường.

Người quân tử tiếp nhận, bao dung hết thảy ý kiến bất đồng, cũng không giấu giếm lòng mình, bộc trực thẳng thắn ngay từ lời nói. Nhưng kẻ tiểu nhân thì luôn giấu kỹ suy nghĩ của mình, bằng mặt mà không bằng lòng.

6. Khí chất

Khí chất của người quân tử lâu nay vẫn là vấn đề nhiều người bàn luận. Nhưng khái quát lại, thì khí chất ấy có thể tóm lại trong mấy câu: Không sợ kẻ mạnh, chở che kẻ yếu, uy vũ không khuất phục, giàu sang không tha hóa, bần hàn không chuyển lay.

Người ta thường nhầm tưởng người quân tử thì phải có khí chất kiêu ngạo, coi mình là độc nhất giữa đất trời. Nhưng kỳ thực đó chỉ là cái khí độ của kẻ thất phu, coi trời bằng vung. Người quân tử ung dung, bình thản, sống hợp đạo Trời, thuận theo lòng người mà vẫn nhận được sự tôn kính tột bậc.

Người quân tử trang trọng trong ăn mặc, bình thản trong tâm hồn, không làm chuyện thất thố, thái quá. Còn kẻ tiểu nhân thì khoe mẽ, thùng rỗng kêu to, tâm hồn xáo động như khỉ nhảy nhót, như ngựa chạy rông, chẳng lúc nào yên.

7. Chí hướng

Loài chim sẻ sống ở bụi rậm thì không biết được chí của chim bằng tung cánh giữa trời xanh. Chí hướng của người quân tử cao xa, trải dài bốn bể, tầm nhìn phóng ra ngoài mối lợi nhỏ nhen trước mắt. Họ thuận theo Đạo, ngày càng đề cao cảnh giới của mình, ngày càng thăng hoa. Kẻ tiểu nhân, trái lại ngày càng đi xuống, tàn phế dần theo những dục vọng thấp hèn.

Kỳ thực điều đó cũng phản ánh một sự thật hoàn toàn khách quan. Chỉ khi hướng đến những giá trị cao đẹp, người ta mới có thể vươn lên, thoát khỏi số kiếp tầm thường. Còn trước mắt chỉ là lợi ích nhỏ nhoi, vật chất hiện thực thì không cách nào buông bỏ tâm phàm mà đề cao tầng thứ của mình được.

8. Xem thị phi: Quân tử giúp người, tiểu nhân ngược lại

Bậc quân tử thành tựu cho người khác, kẻ tiểu nhân thì ngược lại. Phẩm đức cao sang của người quân tử mang trái tim nhân ái, vì người. Phàm gặp bất cứ việc gì, chỉ cần hợp với đạo nghĩa, họ không chỉ vui vẻ tác thành, mà còn nguyện ý giúp đỡ người khác sớm ngày thành tựu. Còn nếu như là việc không hợp đạo nghĩa, bậc quân tử tuyệt đối không làm những việc giúp người hành ác.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link