Đẻ mổ bao lâu thì lành vết thương?
Tùy vào vết mổ, cơ địa của mỗi người phụ nữ và cách chăm sóc sức khỏe sau sinh sẽ làm cho thời gian lành vết thương mổ ở mỗi người là khác nhau.
Trung bình, sau 7 ngày là vết thương mổ được coi là lành. Lúc này, vết khâu sẽ khô lại, gồ lên thành một đường.
Sau khoảng 2 đến 3 tuần vết mổ tạo thành sẹo, khi chạm vào hoặc xoay người vẫn sẽ cảm thấy đau.
Cách chăm sóc sau mổ đẻ
Trong tuần đầu tiên vừa sinh mổ, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ, điều dưỡng sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ, cho các thuốc giảm đau, kháng sinh để tránh các biến chứng, nhiễm trùng có thể xảy ra sau sinh mổ. Trong thời gian này, sản phụ nên đi bộ nhẹ nhàng giúp giảm táo bón, ngăn ngừa cục máu đông và tăng quá trình lưu thông máu khắp cơ thể. Sản phụ nên vận động nhẹ nhàng sau 24 kể từ ca sinh mổ.
- Khi mổ đẻ bước sang tuần thứ 2, lúc này nếu các bà mẹ khâu vết mổ bằng chỉ không tiêu thì bác sĩ sẽ kiểm tra và cắt chỉ, còn nếu sản phụ được khâu vết mổ bằng chỉ tự tiêu (chỉ thẩm mỹ) thì không cần cắt chỉ.
- Thời gian này nên lau người bằng nước ấm, hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm rửa xong thì cần dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch, có thể vệ sinh thấm vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10% sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng.
Chế độ dinh dưỡng:
– Trong quá trình liền vết mổ thì các vitamin A, B, C có vai trò kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giảm sự viêm nhiễm nhiễm trùng vết mổ như cam, quít, bưởi, cà rốt …
– Vitamin K và các yếu tố vi lượng như canxi, kẽm, sắt, đồng có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ như trứng, sữa …
– Protein là nguyên liệu chính tạo ra tế bào mới hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ. Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể khoảng 200g thức ăn có chứa protein như: thịt, cá, trứng, sữa, đậu…
- Mặc quần áo rộng rãi để giảm nguy cơ nhiễm trùng, ngăn ngừa việc cọ xát, kích thích đến vết mổ.
- Hạn chế ăn uống những chất kích thích như hành, tỏi, ớt, cà phê... Nếu mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, bệnh lý gan thận thì chế độ ăn phải được cân đối bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Những điều nên tránh sau khi mổ đẻ
Nằm một chỗ
Nhiều bà mẹ sợ vận động sẽ đau, ảnh hưởng đến vết mổ nên thường chỉ nằm trên giường. Tuy nhiên, trên thực tế, các bác sĩ khuyên bạn nên vận động nhẹ nhàng, đi lại từ từ để đẩy sản dịch ra hết, đồng thời giúp kích thích đường ruột hoạt động hiệu quả hơn.
Nâng vật nặng
Theo The Health Site , ngoài việc bế em bé, bạn không nên nâng, cầm bất cứ vật nặng nào có thể gây áp lực lên vết sẹo trong vòng 2 tuần sau khi sinh mổ. Vết mổ cần nhiều thời gian để hồi phục.
Tập thể dục sớm
Việc tập thể dục để lấy lại vóc dáng quá sớm có thể gây nguy hiểm đối với phụ nữ sinh mổ, dẫn đến chảy máu. Thay vào đó, bạn có thể đi bộ trong công viên hoặc tập những động tác nhẹ nhàng với em bé, nhưng phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.
Nằm ngửa
Để giảm đau đớn, sau khi sinh mổ sản phụ không nên nằm ngửa vì sẽ làm vết thương bị căng gây đau đớn. Tư thế nằm ngủ tốt nhất là nghiêng, để thoải mái hơn bạn nên kê gối cao su sau lưng tạo một góc nghiêng với giường khoảng 30 độ sẽ giúp vết mổ mau lành hơn.
Bị táo bón
Luôn uống đủ nước để tránh táo bón. Sau khi sinh mổ, vết thương vẫn chưa lành, táo bón có thể gây áp lực lên thành bụng, thậm chí gây tử vong nếu bị bục.
Hạn chế cho em bé bú
Bạn nên cho em bé bú sữa mẹ thường xuyên vì điều này vừa tốt cho em bé vừa giúp bạn hồi phục sức khỏe, vết mổ nhanh lành.
"Yêu" sớm
Các bác sĩ khuyến cáo sau sinh mổ sản phụ cần kiêng quan hệ tình dục ít nhất 6 tuần đầu tiên, thậm chí lâu hơn để tâm trạng, cơ thể hồi phục và tránh làm tổn thương đến vết mổ. “Yêu” quá sớm sẽ dễ làm vết mổ bị chảy máu và viêm nhiễm khiến cho cơ thể mẹ chịu đau đớn, thể trạng giảm sút.
Ít chăm sóc vết mổ
Sau khi sinh mổ, bạn cần chú ý chăm sóc vết mổ theo sự chỉ đạo của bác sĩ. Tránh tắm nước nóng cho đến khi vết mổ khô hoàn toàn. Ngoài ra, bạn không nên bỏ qua các triệu chứng như sốt, nhức đầu, buồn nôn trong khi vết mổ vẫn được chăm sóc cẩn thận. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm.