Vì sao ấm đun nước đọng nhiều cặn bẩn?
Sau một thời gian sử dụng ấm đun nước, bạn có thể thấy một lớp cặn bám ở đáy và thành ấm. Các cặn không dễ làm sạch nếu chỉ dùng nước để rửa.
Phần cặn này có thể do magnesium bicarbonate hoặc calcium bicarbonate tan trong nước khi gặp nhiệt độ sẽ chuyển hóa thành magnesium hydroxide và calcium carbonate. Các chất này cùng một số tạp chất thường lắng xuống đáy ấm.
Để loại bỏ những cặn bẩn này, bạn có thể áp dụng một số mẹo nhỏ rất đơn giản, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên có sẵn trong nhà.
Cách làm sạch cặn bẩn trong ấm đun nước
- Sử dụng giấm hoạch chanh
Cách đơn giản nhất để làm sạch ấm đun nước là sử dụng giấm hoặc chanh. Hai nguyên liệu này đều chứa thành phần axit, có khả năng hòa tan các cặn nước calcium carbonate để tạo thành các chất khoáng hòa tan trong nước và khí CO2.
Bạn chỉ cần đổ giấm vào ấm và thêm nước rồi đun sôi. Khi nước sôi, để nước nguội từ từ rồi rửa lại ấm.
Nếu sử dụng chanh, bạn có thể cắt chanh thành lát mỏng rồi cho vào ấm. Thêm nước và đun cho nước sôi. Việc sử dụng chanh còn giúp khử mùi của ấm vì chanh có mùi thơm khá dễ chịu.
- Sử dụng baking soda
Nếu sử dụng các loại ấm đun nước làm bằng nhôm, bạn có thể sử dụng baking soda để làm sạch cặn bẩn. Hãy cho một thìa baking soda vào ấm, thêm nước vào đun sôi trong vài phút. Các cặn bẩn sẽ được hòa tan nhanh chóng, trả lại vể sáng bóng cho ruột ấm.
Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn baking soda với một ít nước để tạo thành hỗn hợp sền sệt rồi dùng hỗn hợp này để thoa đều lên đáy ấm và lấy khăn chà nhẹ cho các cặn bẩn bong ra.

- Sử dụng vỏ trứng
Khi nấu các món ăn về trứng, bạn có thể giữ phần vỏ, rửa sạch rồi đập vụn. Cho vụn vỏ trứng vào ấm đun nước và thêm nước. Đun cho nước sôi. Nấu sôi nước vài lần để tăng hiệu quả làm sạch.
Sau đó, đổ vỏ trứng ra, tráng lại ấm và lau khô.
- Sử dụng vỏ khoai tây
Bạn cũng có thể sử dụng vỏ khoai tây bỏ vào ấm, thêm nước rồi đem đun sôi trong vài phút. Để cho nước nguội bớt thì đỏ hết vỏ khoai tây ở bên trong ra. Các cặn bẩn trong ấm sẽ được loại bỏ.
Một số lưu ý khi sử dụng ấm đun nước
- Chất liệu ấm
Khi mua ấm đun nước, bạn nên sử dụng loại ấm làm bằng chất liệu théo không gỉ đạt tiêu chuẩn thực phẩm như inox 304, inox 316, 316L để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, không làm ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Không đổ nước quá vạch
Đối với các loại ấm siêu tốc, ấm đun nước bằng điện, bên trong ấm luôn có vạch báo mực nước tối đa. Bạn không được đổ nước vượt qua vạch này vì khi nước sôi có thể tràn ra ngoài. Nước tràn ra có thể gây chập điện, giật điện.
- Không để nước bị cạn
Sau khi nước sôi, bạn không nên đổ hết toàn bộ nước ra rồi đặt ấm vào mâm điện. Lúc này, mâm điện vẫn còn ở nhiệt độ cao dù điện đã bị ngắt. Nếu trong ấm không có nước, mâm nhiệt rất nhanh hỏng.
Bạn nên để lại một ít nước trong ấm. Khi mâm điện nguội hoàn toàn, có thể đổ nước bên trong ra.
- Vệ sinh ấm thường xuyên
Bạn nên vệ sinh ấm thường xuyên để loại bỏ cặn bẩn bên trong ấm, tránh ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của người sử dụng.
Để làm sạch ấm đun nước, bạn có thể sử dụng những nguyên liệu có sẵn trong nhà như giấm, chanh, baking soda... Hãy vệ sinh ấm định kỳ để loại bỏ các cặn bẩn, giúp duy trì chất lượng nước đun sôi cũng như đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng.