Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đang diễn biến cực kỳ phức tạp. Số ca mắc mới trong ngày đang ở mức cao và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Để ngăn ngừa và đẩy lùi đại dịch Covid-19, việc phải tiến hành gấp rút hiện nay chính là tiêm chủng vắc xin Covid-19 trên diện rộng.
Trên thực tế, việc tiêm phòng vắc xin Covid-19 cũng đang được tiến hành liên tục. Tuy nhiên, khi tiêm xong, bạn cần chú ý tới một số phản ứng phụ sau tiêm. Có những phản ứng là bình thường, nhưng cũng có một vài phản ứng có thể gây nguy hiểm.
Dưới đây là một số dấu hiệu phản vệ sau tiêm mà bạn nên chú ý:
Biểu hiện phản vệ sau tiêm
Thạc sĩ, bác sĩ Đinh Thế Tiến, khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, tổng hợp các biểu hiện phản ứng dựa trên Thông tư 51 của Bộ Y tế về phòng - xử trí phản vệ và tài liệu Cập nhật về phản vệ của Hội Dị ứng thế giới (WAO). Theo đó, phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, xuất hiện sau vài giây, vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng, trong trường hợp này là thành phần của vắc xin Covid-19.
Các triệu chứng phản vệ không nhất thiết xuất hiện tại tất cả cơ quan cơ thể, mức độ cũng có thể thay đổi rất nhanh chóng. Dấu hiệu gồm:
- Da, niêm mạc sẽ nổi ban sẩn đỏ ngứa, còn gọi là ban mày đay, có cảm giác tê môi, phù nề môi, lưỡi mi mắt, cảm giác nghẹn, khó nuốt;
- Đường thở hoặc hệ hô hấp có cảm giác khó thở, nghẹn họng, khàn tiếng, nói khó, tức nặng ngực, thở rít, khò khè;
- Tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột so với bình thường;
- Có dấu hiệu ở hệ tiêu hóa như bị đau quặn bụng, nôn hoặc buồn nôn, đi ngoài phân lỏng;
- Có thể bị choáng, ngất hoặc ngừng tim, ngừng thở (ngừng tuần hoàn).
Nếu một trong các biểu hiện này xuất hiện nhanh chóng sau tiêm, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được cứu chữa kịp thời.
Nhận biết phản vệ độ hai
Phản vệ độ hai rất nguy hiểm, do đó Bộ Y tế khuyến cáo không tiêm chủng những người có tiền sử phản vệ độ hai với bất kỳ dị nguyên nào hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vaccine. Bác sĩ phải thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin Covid-19.
Song, một số người chưa hiểu về phản vệ độ hai, vì vậy có thể bỏ sót thông tin khi cung cấp cho bác sĩ sàng lọc. Theo bác sĩ Tiến, phản vệ độ hai là khi cơ thể có dấu hiệu phản vệ đã nêu ở trên, ví dụ tại da, niêm mạc kèm theo một trong các dấu hiệu tại hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa; hoặc đơn thuần có triệu chứng tại một cơ quan như đường thở; hệ hô hấp như khàn tiếng, khó thở, thở rít, khò khè; tại hệ tuần hoàn như tụt huyết áp.
Nếu người được tiêm có bất kỳ dấu hiệu nào trong các dấu hiệu như dưới đây, hãy báo cho bác sĩ sàng lọc biết trước khi tiêm vắc xin.
Nhận biết dị ứng thành phần vaccine
Các nhà khoa học nhận thấy dị ứng chủ yếu xảy ra với thành phần Polysorbate 80 có trong vaccine của AstraZeneca và PEG có trong vaccine của Pfizer.
Trong đó Polysorbat 80: Là thành phần một số thuốc sinh học, insulin lantus, thuốc corticosteroid tổng hợp, một số loại vitamin, một dạng vitamin D nhân tạo và có trong các thuốc điều trị mày đay mạn tính, thuốc tiêm khớp, điều trị giảm đau, chống viêm, rolcatron điều trị loãng xương.
Còn PEG: Là thành phần chính của thuốc nhuận tràng, gel siêu âm.
Một người có thể dị ứng Polysorbat 80 hoặc PEG khi có biểu hiện dị ứng lặp lại với hơn hai loại thuốc hoặc sản phẩm. Hoặc, chỉ dị ứng với một vài dạng, liều của cùng một loại hoạt chất.
Ví dụ, dị ứng với thuốc giảm đau dạng tiêm, còn dạng uống có thể sử dụng bình thường; dị ứng với thuốc có thành phần hoạt tính đã loại trừ dị ứng, như: Không dị ứng kháng sinh amoxicilin nhưng khi dùng thuốc cũng có bản chất là amoxicillin thì lại bị dị ứng. Hoặc, người đó dị ứng với thuốc, vaccine có chứa PEG hay dẫn xuất của PEG như chất polysorbate 80, poloxamers, một số thuốc được liệt kê ở trên.
Người bị dị ứng nhưng không giải thích được căn nguyên, có tiền sử dị ứng liên quan tới phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật xâm lấn, ví dụ tiêm, chọc, cũng có khả năng dị ứng Polysorbat 80 hoặc PEG.
Một số biện pháp phòng tránh Covid-19 do Bộ Y tế khuyến cáo
1, Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2, Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3, Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4, Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5, Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6, Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị.
7, Tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ nếu trở về từ vùng dịch.
8, Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9, Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm COVID-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.
Tác giả: Thạch Thảo
-
6 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt collagen: Bổ sung ngay nếu không muốn già nua, ốm yếu
-
Phát hiện triệu chứng nhiễm Delta đã thay đổi rõ rệt: Khác biệt rõ ở người chưa tiêm, tiêm 1 mũi hay 2 mũi
-
Mất vị giác, khứu giác do Covid-19 rất khác với nhạt miệng, nghẹt mũi do cảm cúm: BS chỉ cách nhận biết
-
Tới kỳ kinh đau bụng, xanh xao: Uống loại nước này giảm đau tận gốc, da dẻ hồng hào trở lại
-
5 thực phẩm gây hại cho xương nhưng lại xuất hiện trong mâm cơm của nhiều gia đình