Bỏ cơm, chỉ ăn rau mỗi ngày, người đàn ông 56 tuổi nhận kết quả sức khỏe bất ngờ

( PHUNUTODAY ) - Việc hoàn toàn loại bỏ tinh bột có thực sự giúp kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả? Hãy cùng xem xét trường hợp của một người đàn ông 56 tuổi ở Trung Quốc để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Người đàn ông nhập viện vì kiêng tinh bột, chỉ ăn rau

Ông Trần Vũ, 56 tuổi, sống tại Trung Quốc, đã được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường hơn mười năm. Khi được chẩn đoán, bác sĩ khuyên ông sử dụng thuốc theo chỉ định và thay đổi lối sống để kiểm soát bệnh. Ông Trần tuân thủ và duy trì chỉ số đường huyết ổn định, sức khỏe tốt.

Tuy nhiên, nửa năm trước, sau khi tìm hiểu trên mạng rằng thực phẩm giàu tinh bột như mì và cơm trắng có thể làm tăng đường huyết, ông Trần quyết định kiêng hoàn toàn các loại thực phẩm này và chỉ ăn rau.

Sau 6 tháng kiêng tinh bột, ông Trần bắt đầu cảm thấy chóng mặt. Mới đây, ông bất ngờ ngất xỉu tại nhà và được con trai phát hiện, đưa đi bệnh viện kịp thời.

Sau 6 tháng kiêng tinh bột, ông Trần bắt đầu cảm thấy chóng mặt

Tại bệnh viện, kết quả khám cho thấy ông Trần bị hạ đường huyết nghiêm trọng. May mắn, ông đã được cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy hiểm. Sau khi tỉnh lại và nghe bác sĩ chẩn đoán, ông Trần rất bất ngờ. Ông vốn tưởng rằng việc kiêng tinh bột sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường và cải thiện sức khỏe, nhưng kết quả là ông phải nhập viện.

Bác sĩ Nguyễn Viên, Phó trưởng Khoa Nội tiết tại Bệnh viện Chiết Giang, Trung Quốc, đã giải thích về trường hợp của ông Trần: “Việc kiêng hoàn toàn tinh bột ở bệnh nhân tiểu đường có thể dẫn đến hạ đường huyết. Nếu tình trạng này kéo dài, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến hệ thần kinh, não bộ và tim mạch”.

Theo bác sĩ Nguyễn Viên, bệnh nhân tiểu đường cần duy trì chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Cụ thể, người bệnh nên giảm lượng tinh bột, đồng thời tăng cường đạm, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Trong mỗi bữa ăn, bệnh nhân nên tiêu thụ từ 45 - 60g tinh bột. Ngoài ra, lựa chọn các thực phẩm có chỉ số GI (chỉ số đánh giá khả năng hấp thu và làm tăng đường huyết của thực phẩm) thấp cũng giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.

Kiêng tinh bột hoàn toàn có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe

Bác sĩ Khang Chí Cường, Trưởng Khoa Nội tiết tại Bệnh viện Trung ương Trịnh Châu, Trung Quốc, nhấn mạnh rằng việc loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi chế độ ăn uống có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Cụ thể như sau:

Suy nhược cơ thể

Tinh bột đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho cơ thể. Việc kiêng hoàn toàn tinh bột có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin nhóm B. Sự thiếu hụt này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình trao đổi chất, gây ra tình trạng mệt mỏi và suy nhược cơ thể.

Việc kiêng hoàn toàn tinh bột có thể dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin nhóm B

Ảnh hưởng đến chức năng não bộ

Việc không tiêu thụ cơm (một loại thực phẩm chứa carbohydrate) trong thời gian dài có thể gây tác động tiêu cực đến chức năng của não bộ. Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng chính cho hoạt động của não. Khi lượng carbohydrate nạp vào không đủ, khả năng tư duy và trí nhớ có thể bị suy giảm.

Tác động đến giấc ngủ

Việc kiêng ăn cơm trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu hụt carbohydrate, từ đó ảnh hưởng đến chức năng của não bộ và gây ra tình trạng mất ngủ ban đêm. Bên cạnh đó, việc không ăn cơm còn làm tăng cảm giác đói vào ban đêm, khiến người ta khó chìm vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu.

Gây hạ đường huyết

Việc không ăn cơm khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết để hoạt động, dẫn đến tình trạng đói và hạ đường huyết. Hạ đường huyết là một tình trạng nguy hiểm, có thể gây ra các triệu chứng như choáng váng, hoa mắt, chóng mặt và thậm chí ngất xỉu.

Việc không ăn cơm khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết để hoạt động, dẫn đến tình trạng đói và hạ đường huyết

Cách nạp tinh bột lành mạnh

Tinh bột vẫn là một thành phần thiết yếu cho cơ thể, do đó việc bổ sung đủ lượng tinh bột cần thiết là rất quan trọng. Để nạp tinh bột một cách lành mạnh, hãy lưu ý 2 điểm sau:

Đa dạng hóa nguồn tinh bột

Bên cạnh gạo trắng, mọi người nên bổ sung thêm các loại ngũ cốc nguyên hạt và khoai để tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể.

Phương pháp chế biến

Cách chế biến thực phẩm có thể ảnh hưởng đến hàm lượng dinh dưỡng. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị nên sử dụng các phương pháp hấp và luộc để giữ tối đa chất dinh dưỡng.

Thực tế, cơ thể chúng ta cần tổng hợp năng lượng và dưỡng chất từ nhiều loại thực phẩm khác nhau. Các chuyên gia y tế khuyên rằng để duy trì sức khỏe, nên xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và điều độ thay vì kiêng khem quá mức một loại thực phẩm nào đó.

Tác giả: Trần Thu Thủy