Giá trị dinh dưỡng của trứng
Mỗi loại trứng sẽ có một hương vị riêng, giá trị dinh dưỡng khác nhau đôi chút nhưng nhìn chung đây vẫn là thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Có thể nói trứng gà là loại trứng quen thuộc nhất đối với mọi người. Trứng gà thơm ngon, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn từ món mặn đến các món bánh ngọt. Về thành phần dinh dưỡng, 100 gram trứng gà có thể cung cấp 166kcal, 14,8 gram, 11,6 gram chất béo, 0,5 gram glucid. Ngoài ra, trứng gà còn chứa nhiều folate, vitamin A, vitamin B12, D, K cùng các khoáng chất như canxi, kali, sắt, kẽm, magie... Trứng gà chứa nhiều axit amin tốt cho cơ thể con người.
Ngoài trứng gà, trứng vịt cũng là loại trứng quen thuộc, được sử dụng nhiều. Thông thường, trứng vịt sẽ có kích thước lớn hơn trứng gà khoảng 30%. Tuy nhiên, trứng vịt lại có lượng calo cao gấp đôi trứng gà. Về thành phần, trứng vịt và trứng gà có chứa các chất gần như tương tự nhau. tuy nhiên, hàm lượng của từng chất sẽ có sự khác biệt. Trứng vịt có lượng protein, chất béo bão hòa, chất béo khoogn bão hòa và protein cao hơn trứng gà. Các thành phần khác như tinh bột, khoáng chất thì trứng vịt và trứng gà tương đương nhau.
Một loại trứng phổ biến khác cũng được sử dụng nhiều trong nấu ăn là trứng chim cút. Loại trứng này có kích thước nhỏ hơn nhiều so với trứng gà, trứng vịt nhưng giá trị dinh dưỡng lại không hề thua kém. Trứng chim cút ít chất béo hơn trứng gà, trứng vịt và cung cấp lượng amino axit, vitamin, khoáng chất tương tự như trứng gà, trứng vịt.
Bên cạnh các loại trứng nêu trên, người ta còn sử dụng trứng ngỗng, trứng đà điểu để chế biến thành món ăn.
Một tuần có thể ăn bao nhiêu quả?
Trứng là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao nhưng không nên ăn quá nhiều, ăn liên tục trong thời gian dài. Bạn vẫn nên đa dạng hóa thực phẩm trong chế độ ăn, liên tục thay đổi thực phẩm, thay đổi món ăn để tránh nhàm chán cũng như bổ sung đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Đối với trứng, tùy theo độ tuổi, thể trạng mà số lượng trứng nên ăn trong một tuần của mỗi người sẽ khác nhau.
- Người trưởng thành
Trứng có chứa cholesterol nhưng theo nghiên cứu nguồn cholesterol này không mang lại những tác động tiêu cực như các nguồn cholesterol khác. Do đó, người trưởng thành, cơ thể khỏe mạnh có thể ăn 7 quả trứng/tuần mà không làm ảnh hưởng đến tim mạch.
- Người cao tuổi
Người cao tuổi có sức khỏe ổn định, không có bệnh mãn tính có thể tiêu thụ 7 quả trứng/tuần. Bổ sung trứng vào chế độ ăn uống giúp cung cấp một lượng vitamin D nhất định, thúc đẩy việc hấp thụ canxi của cơ thể, giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, trứng cũng cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất thiết yếu. Đặc biệt, lutein, zeaxanthin trong lòng đỏ trứng có tác dụng ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa cơ.
- Phụ nữ mang thai
Trứng là nguồn dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Các bà bầu khỏe mạnh có thể ăn 3-4 quả trứng/tuần. Trong khi đó, những thai phụ bị tiểu đường hoặc các vấn đề khác có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kể loại thực phẩm nào, bao gồm cả trứng.
- Trẻ nhỏ
Các chuyên gia khuyến cáo lượng trứng dành cho trẻ nhỏ nên được phân chia theo độ tuổi. Trẻ 6-7 tháng tuổi, hệ tiêu hóa còn non nớt và mới bắt đầu làm quen với việc ăn dặm thì chỉ nên ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà và ăn 2-3 bữa/tuần. Trẻ từ 8-12 tháng tuổi đã quen với việc ăn dặm có thể ăn 1 lòng đỏ trứng/bữa và không ăn quả 4 lòng đỏ trứng/tuần. Trẻ 1-2 tuổi có thể ăn 3-4 quả trứng/tuần. Trẻ trên 2 tuổi có thể ăn theo sở thích nhưng tối đa 1 quả/ngày.
- Người bệnh
Tùy theo tình trạng bệnh mà người bệnh có thể sử dụng trứng hoặc nên hạn chế.
Người bị bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ bị bệnh tim mạch nếu có chế độ ăn bình thường thì chỉ nên ăn 3-4 quả trứng/tuần và không quá 4 lòng đỏ trứng/tuần.
Người có chỉ số cholesterol LDL cao chỉ nên ăn tối đa 4 quả trứng/tuần.
Người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể ăn 5 quả trứng/tuần.