Những cách để cha mẹ nhận ra con nói dối mà không cần tra khảo

( PHUNUTODAY ) - Nhiều cha mẹ đôi khi hoang mang vì không biết con đang nói thật hay nói dối để có thể xử lý cho phù hợp.

Thói quen nói dối sẽ cản trở sự phát triển của trẻ. Đó là một tính xấu mà cha mẹ nào cũng muốn con sửa. Đôi có những tình huống cha mẹ cần xác định trước rằng con đang nói dối hay nói thật mới có thể xử lý kịp thời. Ví như khi trẻ bị bạn tố đánh nhau, con khẳng định là không, lúc đó cha mẹ muốn biết thực sự con nói dối hay nói thật mới có thể xử lý thỏa đáng... 

Để xem con nói dối hãy nói thật hãy quan sát những điều sau:

Giao tiếp bất thường bằng mắt: Theo Very Well Family, nếu trẻ nói dối chúng thường tránh giao tiếp bằng mắt. Khi đó trẻ thường nhìn xuống hoặc nhìn sang hướng khác. Ngoài ra, cũng có một số trẻ có thể duy trì giao tiếp bằng mắt khi nói dối nhưng thông thường sẽ nhìn người đối diện lâu hơn bình thường. Đó cũng là dấu hiệu để nhận biết trẻ không trung thực.

Cha mẹ hãy quan sát mắt trẻ để nhận biết con có đang nói dối hay không

Lặp lại câu hỏi: Khi nói dối trẻ cũng thường lặp lại câu hỏi của cha mẹ. Ví dụ, nếu bạn hỏi con mình làm gì với bạn sau giờ học, chúng có thể trả lời: "Con đã làm gì với bạn sau giờ học ư? À con...".Khi lặp lại câu hỏi là trẻ đang trì hoãn để nghĩ ra câu trả lời khác sự thật.

Chạm tay vào mặt: Chạm tay vào các bộ phận của khuôn mặt - dù là gãi tai hay chạm vào mũi hoặc đầu - có thể là dấu hiệu con bạn đang không nói thật. Tương tự, liếm hoặc cắn môi cũng là bất thường khác.

Không nhất quán: Bạn hãy để ý khi trẻ kể lại sự việc, nếu có mâu thuẫn thì đó chính là đang nói dối. Đặc biệt nếu bạn thấy trẻ vò đầu bứt tai và nheo mắt bối rối khi đang "kể" câu chuyện cho người lớn.

Giọng nói có âm vực cao hơn bình thường: Khi nói dối tức là trẻ đang có bất an, lo sợ bị phát hiện... Khi đó cũng là lúc người ta nói dối và sẽ thường dùng những câu nói với âm vực bất thường. 

Đột nhiên nói lắp: Khi đột nhiên trẻ nói lắp trong khi bình thường không như vậy thì cũng có thể là do căng thẳng, phản ứng phòng vệ hoặc nói dối. Trẻ đột ngột dừng lại nuốt nước bọt và hắng giọng khi đang nói cũng có thể là dấu hiệu trẻ sợ hãi và thấy tội lỗi khi nói dối.

Thể hiện sự nhẹ nhõm khi người lớn đổi chủ đề: Khi trẻ nói dối chúng cũng căng thẳng thế nên nếu người lớn đổi chủ đề thì chúng sẽ thấy nhẹ nhõm.Do đó bạn nên chủ động đổi chủ đề để quan sát trẻ. 

Tác giả: An Nhiên