Ca sĩ Phi Nhung mất do biến chứng nặng khi nhiễm nCoV, đặc biệt bị 'cơn bão Cytokine' tấn công dẫn đến suy hô hấp nặng, suy đa tạng và cuối cùng không qua khỏi. Cô qua đời vào trưa 28/9.
Nhiều người sẽ thắc mắc vậy cơn bão Cytokine là gì? Nó đáng sợ như thế nào mà khiến những người nhiễm nCoV như Phi Nhung có thể mất đi sự sống? Những người trẻ, không bệnh nền có nguy cơ bị Cytokine tấn công không và làm thế nào kiểm soát bão Cytokine để giúp người bệnh thêm cơ hội được cứu sống?
Cơn bão Cytokine khiến phổi của Phi Nhung đông đặc và qua đời
Phi Nhung phát hiện mắc nCoV và được điều trị tại Bệnh viện Gia An 115 từ ngày 19/8. Nhưng do tình hình không cải thiện và trở nặng hơn, nên nữ ca sĩ đã được chuyển viện đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vào giữa đêm 26/8.
Lúc này, tình trạng của Phi Nhung đã gặp những biến chứng nặng như phổi đông đặc và hoại tử một phần phổi.
Ngoài ra, cơn bão Cytokine còn khiến các cơ quan nội tạng của cô suy kiệt, gây ảnh hưởng đến các phủ tạng. Vì vậy những tuần tiếp theo, nữ ca sĩ luôn phải thở máy ECMO và lọc máu liên tục.
Không riêng gì Phi Nhung, rất nhiều trường hợp nhiễm nCov khác cũng bị bão Cytokine "đánh gục".
Trước đó năm 2020, nam bệnh nhân phi công người Anh, từng nhiễm virus SARS-CoV-2 điều trị tại 2 bệnh viện lớn ở TP.HCM là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mắc hội chứng “bão cytokine”.
Người này được đánh giá là bệnh nhân nặng nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Phổi của người bệnh bị đông đặc, hơn 90%, sống phụ thuộc hệ thống ECMO - tuần hoàn oxy ngoài cơ thể (tim phổi nhân tạo)...
Phi công này đã phải trải qua 115 ngày điều trị và may mắn hồi sinh nhờ vào sự nỗ lực của cả hệ thống y tế Việt Nam. Tuy nhiên, dù cũng được điều trị ECMO và với sự cố gắng hết sức của các y bác sĩ, nhưng ca sĩ Phi Nhung không vượt qua được "cơn bão' này.
"Cytokine" là gì ?
Cyto là một từ gốc Hy Lạp, có nghĩa là tế bào, dùng trong các từ ghép để chỉ về tế bào. Cytokine là chỉ loại chất tiết của các tế bào bạch cầu và nội mô trong quá trình viêm, là một phần của đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Cytokine không phải là kháng thể, cũng không phải là hormon, nhưng là các chất có hoạt tính sinh học rất mạnh, có tầm tác dụng tại chỗ, nên còn gọi một cách không chính thức là các "hormon tế bào".
Cơn bão cytokine trong khi nhiễm nCoV
Khi virus xâm nhập cơ thể, các tế bào lympho T nhận diện virus, tiết ra các cytokine để kích hoạt hệ miễn dịch hoạt động, lympho B sản xuất ra kháng thể, lympho T khác thì tăng sinh để trực tiếp bắt giữ virus, các bạch cầu được thu hút đến nơi có virus, các mạch máu được mở rộng để chuyên chở vật chất đến nơi hiến đấu với virus… Tất cả các hoạt động này có được là do vai trò của các cytokin.
Sự đề kháng của cơ thể lớn dần và virus bị ức chế dần, sau 7 - 10 ngày bệnh nhân loại bỏ được hoàn toàn virus ra khỏi cơ thể và khỏi bệnh. 80% bệnh nhân khỏi bệnh một cách êm ả như vậy, sau vài ngày nóng sốt đau họng. Tuy nhiên 20% người bệnh còn lại không được suôn sẻ như thế. Nhiều người trong số đó trở nặng, xảy ra cơn bão cytokine.
Theo một cách chưa rõ ràng, hệ miễn dịch bị kích thích quá mức, các cytokine tràn ngập trong máu, như một cơn bão… gây nên các các phản ứng viêm, đông máu, giảm bạch cầu lympho, thâm nhiễm tế bào đơn nhân các cơ quan.
Phản ứng viêm quá mức xảy ra, đặc biệt tại phổi. Các phế nang xung huyết, tràn ngập dịch viêm, thành phế nang dày lên, giảm sức căng bề mặt, các mao mạch xung huyết. Tất cả cản trở hấp thụ oxy khiến oxy trong máu giảm thấp. Tuy nhiên có điều kỳ lạ là mặc dù oxy máu giảm thấp nhưng người bệnh không nhận thức được tình trạng này.
Điều này được giải thích là do khí carbonic (CO2) có tính thấm rất tốt, gấp 20 lần oxy, vẫn thấm qua được vách phế nang để thoát ra ngoài. Vì thế khi làm khí máu động mạch cho bệnh nhân nCoV khó thở, bác sĩ nhận thấy chỉ có oxy trong máu giảm thấp, còn CO2 thì gần như bình thường. Mà trung tâm hô hấp trong não con người chỉ nhạy với khí CO2, khi bệnh nhân bị tăng CO2 máu thì lập tức cơ thể nhận ra khó thở và phản ứng ngay, còn khi thiếu O2 thì cơ thể nhận ra muộn hơn, người bệnh vẫn chịu đựng được, thậm chí đến mức độ bão hòa oxy động mạch (SpO2) là 50% (giá trị SpO2 bình thường sẽ dao động ở mức 95 - 100%).
Tiếp theo, cơn bão cytokine kích hoạt tình trạng tăng đông máu, làm đông máu rải rác khắp các mao mạch phổi, tắc nghẽn lượng máu đến các phế nang, dẫn đến trao đổi oxy càng tồi tệ thêm. Hậu quả là hai lá phổi sũng nước, đông đặc lại. Người ta dùng thuật ngữ phổi bị gan hóa. Tức là lá phổi khỏe mạnh có màu trắng hồng, xốp, chứa đầy hơi, khi thả xuống nước thì nổi. Còn lá phổi viêm đông đặc xung huyết thì màu tía, chắc nặng như lá gan, thả xuống nước là chìm.
Lúc này người bệnh khó thở rất nặng, môi và đầu ngón chân ngón tay tím tái, người bệnh rất mệt há mồm ra thở, nhịp thở trên 30 lần/phút, nặng nữa thì lú lẫn hôn mê. Đo bão hoà oxy máu thấy xuống thấp. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ tử vong. Trên phim X-quang người ta thấy hình ảnh hai lá phổi trắng xóa.
Với lá phổi bị cơn bão cytokine tàn phá như vậy thì thở oxy, kể cả thở oxy dòng cao hay thở máy cũng không hấp thu oxy được. Người bệnh sẽ tử vong nhanh chóng. Vì vậy chúng ta mới thấy nhiều người mặc dù được thở oxy dòng cao đến 60 lít/phút hoặc thở máy vẫn tử vong.
Cách duy nhất có thể cứu được người bệnh lúc này là chạy tim phổi nhân tạo ECMO, và lọc hấp phụ cytokine, đợi cho cơn bão cytokine qua đi và phổi của họ dần hồi phục.
Cơn bão Cytokine là mối nguy với các F0 trẻ tuổi, không bệnh nền
ThS.BS Lê Văn Dẫn - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cũng cảnh báo, nhiều người còn chủ quan khi mắc nCoV, nghĩ rằng sức khỏe tốt, trẻ khỏe thì không sao.
Tuy nhiên theo chuyên gia này, trong đợt dịch thứ 4 đã xuất hiện các trường hợp bệnh nhân trẻ mắc nCoV rất nặng. Các bệnh nhân trẻ có xu hướng gặp cơn bão Cytokine diễn biến rất nhanh, đặc biệt là những bệnh nhân nặng lên vào ngày thứ 6.
Với cơ chế bệnh sinh phức tạp, hiện nay, y học vẫn chưa thể lý giải được vì sao cơn bão Cytokine lại xuất hiện ở tất cả các độ tuổi khi nhiễm nCoV, nhưng điều đáng nói là nó nhanh chóng "đánh gục" các trường hợp trẻ tuổi, thậm chí không bệnh nền.
TS Đỗ Ngọc Sơn, Phụ trách Trung tâm ICU người bệnh nCoV tại Bệnh viện Dã chiến số 16 cho biết, đã tiếp nhận điều trị những F0 mới 17 tuổi hay 22 tuổi gặp bão Cytokine, khiến cơ thể suy sụp nhanh, nhiều trường hợp không qua khỏi.
"Bệnh nhân trẻ gặp bão Cytokine phản ứng sẽ mạnh và dữ dội hơn nhiều so với người lớn tuổi", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Tác giả: Thạch Thảo
-
BS Trương Hữu Khanh giải đáp: 'Thẻ xanh' ra đường, đi làm về có sợ lây cho người nhà chưa được tiêm đủ không
-
Nhấn vào 3 chỗ này trên cơ thể, nếu thấy đau bất thường hãy cảnh giác vì gan đang có vấn đề
-
7 bí quyết làm dịu cơn bốc hỏa ở tuổi tiền mãn kinh, phụ nữ sau tuổi 45 nên chú ý
-
5 sai lầm khi uống nước biến lợi thành hại, bỏ ngay khi chưa quá muộn
-
5 dụng cụ nhà bếp làm tăng nguy cơ nhiễm độc, vô sinh: Tiếc mấy cũng nên bỏ đi