BS Trương Hữu Khanh giải đáp: 'Thẻ xanh' ra đường, đi làm về có sợ lây cho người nhà chưa được tiêm đủ không

( PHUNUTODAY ) - BS Trương Hữu Khanh đưa ra một số giải đáp xung quanh vấn đề 'thẻ xanh' và 'bình thường mới' để mọi người cùng hiểu.

Chia sẻ với Người Lao động, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết, người có "thẻ xanh" (đã tiêm ngừa Covid-19 đủ 2 mũi) không may bị nhiễm SARS-CoV-2 thì không nguy hiểm cho chính bản thân họ và cũng không tạo gánh nặng cho ngành y tế. Kể cả khi mắc bệnh, tải lượng virus của người có "thẻ xanh" cũng thấp, khả năng lây cho người khác ít hơn so với những người chưa tiêm.

Theo bác sĩ, cần phải hiểu đúng như vậy để có biện pháp quản lý và kiểm soát phù hợp. Không nên kiểm soát "thẻ xanh" ngoài đường mà phải kiểm soát ở nơi đến vì nơi đó mới là nơi có thể lây bệnh cho nhau. Phải có hướng dẫn rõ người "thẻ xanh" được đến khu vực nào, người chưa có "thẻ xanh" được đến khu vực nào.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

Bác sĩ Trương Hữu Khanh

BS Khanh chia sẻ thêm, hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp... vẫn có lực lượng lao động không phải 100% thể xanh, thậm chí có những người mới được tiêm mũi 1 không lâu. Nhiều người trong số này lại là đối tương có nguy cơ như người có vấn đề sức khỏe nên phải trì hoãn tiêm chủng, phụ nữ mang thai chỉ mới được tiêm chủng gần đây... Do đó, các đơn vị cần có biện pháp bố trí việc làm phù hợp chẳng hạn như người có "thẻ xanh" có thể làm các công việc cần giao tiếp; người chưa được tiêm ngừa đủ nên làm việc trong điều kiện đảm bảo 5K. Nếu được, có thể để nhóm chưa được tiêm đủ làm online cho đến 14 ngày sau khi tiêm mũi 2, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ như người có bệnh nền, phụ nữ mang thai.

Về vấn đề "thẻ xanh" đi làm về có lây cho các thành viên trong gia đình chưa được tiêm chủng đủ đang khiến nhiều người lo lắng, bác sĩ Khanh chia sẻ: Cách tốt nhất là người có "thẻ xanh" khi đi làm về nên giữ khoảng cách với người nhà, sinh hoạt riêng và đặc biệt là không ăn chung. Không nói chuyện với hàng xóm, không nên vội vã đi thăm viếng bạn bè trong thời điểm này... Thời gian đầu, người có "thẻ xanh" chỉ nên đi làm để khôi phục kinh tế. Về lâu dài, khi đã phủ "thẻ xanh" cho cả những đối tượng nguy cơ thì mới "sống chung" an toàn được.

Về vấn đề F0 đã khỏi bệnh, cả người được xuất viện, người được địa phương quản lý tại nhà và người tự điều trị có nên được xem là nhóm có "thẻ xanh", được ra đường và đi làm như bình thường không, bác sĩ Khanh khẳng định F0 đã khỏi bệnh an toàn hơn người đã tiêm 2 mũi vắc xin. F0 tự điều trị tại nhà hay tự khỏi cũng an toàn giống như F0 được ngành y tế quản lý.

Theo bác sĩ, cần có hướng dẫn cụ thể cho từng nhóm đối tượng như người đã tiêm đủ 2 mũi, F0 đã khỏi bệnh, người đã tiêm 1 mũi, người chưa tiêm mũi nào. Trong đó, cần chỉ rõ nguy cơ cho bản thân họ, nguy cơ cho gia đình; nguy cơ cho đối tác, nguy cơ cho cơ quan; mỗi nhóm đối tượng được đi đến đâu, tham gia phát triển kinh tế, hòa nhập ở mức độ nào.

Mục tiêu chính của "thể xanh", "thẻ vàng" là an toàn cho mỗi người và cộng đồng. Vì vậy, bác sĩ Khanh đưa ra lời khuyên, nếu bạn chưa có "thẻ xanh", hãy chấp hành và tranh thủ tiêm chủng. Nếu đến sai nơi được phép thì bạn có thể trở thành ca bệnh nặng. Trường hợp bị nhẹ nhưng tải lượng virus cao thì sẽ có nguy cơ lây cho chính người thân trong gia đình, lây cho cộng đồng cao hơn những người đã được tiêm chủng.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, với những người có ý định mở lại các dịch vụ, hãy nhìn vào những ca Covid-19 nặng vừa qua để hiểu việc cần phải chấp hành nghiêm và yêu cầu khách hàng thực hiện đúng quy định về "thẻ xanh", "thẻ vàng". Làm như vậy thì bản thân và cộng đồng mới an toàn.

Theo:  khoevadep.com.vn copy link