TS. Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, hiện nay đồ ăn chay đã bị thương mại hóa, để sản xuất được một sản phẩm y như thịt, cá thật từ tinh bột ngũ cốc chắc chắn nhà sản xuất phải dùng thêm các chất tạo màu, mùi, vị, định hình…
[links()]
Đồ chay Đài Loan
Qua một số chỗ quen biết chuyên bán đồ ăn chay, chúng tôi được giới thiệu tới ki ốt chuyên cung cấp đồ chay Ngân Ngọc ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Đây là đầu mới chuyên cung cấp các loại thực phẩm chay đóng gói số lượng lớn cho các nhà hàng, quán cơm chay…
Tới đây, tất cả các loại đồ chay chế biến sẵn đều có, người mua chỉ cần đem về nấu lại là có thể ăn được. Tất cả các sản phẩm bán ở đây đều được sản xuất tại Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh thục phẩm chay Âu Lạc (Công ty Âu Lạc, số 237 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TP. HCM).
Món bì chay của Công ty Âu Lạc nhưng được đóng gói trong bao bì tôn hải sản chay, sau đó được nhà sản xuất dán đè nhãn mác bì chay. |
Trên bao bì các sẩn phẩm chay do Công ty Âu Lạc sản xuất đều ghi là sản xuất tại Việt Nam (Made in Vietnam), tuy nhiên, theo bà chủ ki ốt Ngân Ngọc, sản phẩm chay bà cung cấp đều nhập về từ Đài Loan. Cửa hàng của bà có tất cả các loại sản phẩm chay hiện đang có trên thị trường, như trứng, chả, giò, cá 3 sa, cá thu, đùi gà, bì, xúc xích…
“Yên tâm không phải hàng Trung Quốc, vì hàng Trung Quốc không có chữ tiếng Việt, còn hàng Đài Loan mới có chữ tiếng Việt”, bà chủ ki ốt Ngân Ngọc lý giải.
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao hàng Đài Loan lại có logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, bà chủ này giải thích, vì đây là hàng liên doanh Đài Loan và Việt Nam. Yên tâm là có bản quyền, mã số, mã vạch đầy đủ.
Theo quan sát trên bao bì sản phẩm, đa phần được đóng gói rất sơ sài. Dù được đề ngày sản xuất là tháng 9/2012, nhưng bao bì đã rất cũ, kỹ. Thậm chí, trên bao bì của sản phẩm bì chay phần tên sản phẩm, thành phần, khối lượng được in lên miếng giấy sau đó dán đè lên bao bì. Những thông tin khác như nhà sản xuất, đại chỉ, hạn sử dụng… đều được in dập lên bao bì. Cùng một loại sản phẩm, trong cùng một thùng hàng, nhưng các túi đựng lại khác nhau.
Sau khi mua về, bóc hết phần giấy dán thêm, chúng tôi bị bất ngờ vì bao bì là của sảng phẩm khác, nhưng phần tên sản phẩm bị nhãn bì chay dán đè lên.
Khi mua một số sản phẩm chay về bóc ra để kiểm chứng, hầu hết sản phẩm đều có mùi, vị và hình dạng giống như thật, tuy chúng được làm chủ yếu bằng bột ngũ cốc.
Tất cả các sản phẩm này đều có mức giá bán lẻ chung, dao động trong khoảng 20-25 ngàn đồng/túi.
Chay không có nghĩa là sạch
TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho hay, thời gian gần đây thực phẩm chay dần được thương mại hóa, khi việc ăn chay trở thành trào lưu mới. Thực phẩm chay thường được làm từ tinh bột ngũ cốc và đạm (protein) thực vật.
Theo TS. Thịnh, từ tinh bộ để làm được đùi gà chay chắc chắn phải dùng chất định hình. Trong ảnh là sản phẩm đùi gà chay của Công ty Âu Lạc. |
“Tuy nhiên, để tạo ra được hương vị, hình dáng giống như thức ăn thông thường, như đậu tương làm thành giò, chả, đùi gà… nhà sản xuất buộc phải cho thêm chất màu để tạo màu, mùi, vị. Đặc biệt, phải có thêm chất định hình, để tạo hình cho giống các loại thịt, cá thật, hoặc tạo đông đặc, cứng, giòn… còn bản thân tinh bột không định hình được”, TS. Thịnh khẳng định.
Ông lý giải, như làm đùi gà chay, làm sao đậu phụ có thể giống đùi gà và về hình dáng và mùi vị được, khi đậu phụ không có mùi vị gì. Nếu làm tự nhiên cũng không thể định hình được, người làm đậu phụ muốn có miếng đậu cũng phải ép, nén vẫn mềm nhũn. Vậy làm sao để tinh bột đậu có thể thành hình đùi gà, giò, chả… nếu không dùng chất định hình.
Về mức độ độc hại của các chất phụ gia có thể sử dụng trong thực phẩm chay, TS. Thịnh giải thích, đừng nghĩ chỉ mình chất bảo quản mới độc. Có nhiều chất khác thậm chí còn độc hơn, như chất tạo mùi, vị, định hình… đều không tốt cho sức khỏe.
Đánh giá về chất lượng thực phẩm chay hiện nay, TS. Thịnh cho rằng, rất khó nói, vì giờ đây thực phẩm chay đã bị thương mại hóa đánh vào tâm lý thích ăn chay. Tâm lý người tiêu dùng sợ chất bảo quản, nên nhiều nhà sản xuất nói không dùng chất bảo quản để đánh vào điểm tâm lý của họ. Còn thông thường, nếu có màu thì phải dùng chất tạo màu, có mùi thịt phải có chất tạo vị đó… Nhà sản xuất sử dụng chất phụ gia nhưng không ghi trên bao bì là sai quy định.
Vì vậy, TS. Thịnh đề nghị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phải yêu cầu nhà sản xuất giải trình được các chất sử dụng trong sản phẩm chay, tránh tình trạng gian lận, đánh lừa người tiêu dùng.
- Lê Việt