Án oan 10 năm: Biết làm sao khi “Bao Công” chỉ có một...

07:02, Chủ nhật 24/11/2013

( PHUNUTODAY ) - Nhiều luật sư và cử tọa tham gia phiên xử xong, lắc đầu với phán quyết của tòa, nhưng biết làm sao khi “Bao Công” chỉ có một?

Chuyện “án oan” ở Việt Nam thời gian qua thật sự không thể kể hết trong một bài viết. Nhiều bạn đọc, cũng như tôi rất bức xúc khi tiếp nhận thông tin về một vụ “án oan” được phát hiện.

Những ngày gần đây, dư luận “vỡ òa” khi hay tin người bị oan phải ngồi tù 10 năm trời mới được phát hiện. Mừng hay lo, vì sao để xảy ra cớ sự này và làm sao để nó thật sự được giảm bớt hoặc không còn?

Nỗi khổ “án oan”

“Một ngày tù nghìn thu ở ngoài…”, bản thân người bị oan lại chồng thêm nỗi khổ, nhục … khi không làm vẫn bị tội. Quá trình điều tra càng khổ hơn vì họ không biết gì để khai nên thường được gán cho “mật từ” ngoan cố và được “chăm sóc đặc biệt”. Vì vậy, khổ nhục của người bị oan càng chồng thêm khổ nhục.

Để giảm bớt căng thẳng và sự “hành hạ thể xác” bị can đành nhận tội theo cách “suy diễn” của cán bộ điều tra. Họ vẫn hy vọng tòa án sẽ là nơi nhân danh công lý để được “giãi bày” những góc khuất trong quá trình điều tra. Tuy nhiên, “bút sa gà chết” người xưa nói không sai. Tòa vẫn… một “nét quen” trích đọc lời khai nhận của bị can khi họ không nhận tội tại tòa? Nhiều luật sư và cử tọa tham gia phiên xử xong, lắc đầu với phán quyết của tòa, nhưng biết làm sao khi “Bao Công” chỉ có một và lại ở bên Tàu?

Ông Nguyễn Thanh Chấn, ra tù sau khi được giải oan.

Ông Nguyễn Thanh Chấn, ra tù sau khi được giải oan.

Vì sao để “án oan”?

Theo cá nhân tôi, luật sư đã từng chứng kiến nhiều phiên xử “án oan” nhận thấy có 3 nguyên nhân chính gây nên “án oan”: Quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của cá nhân được phân công giải quyết vụ án chưa rõ ràng, cụ thể; Năng lực, đạo đức và bản lĩnh của người trực tiếp giải quyết vụ án không tương xứng với nhiệm vụ; nhiều vụ án quá phức tạp mà áp lực dư luận lại quá lớn. Vì sao tôi sắp xếp thứ tự như trên, xin được phép giải thích:

Thứ nhất, quy định pháp luật:

Bộ luật Hình sự (BLHS) và Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định rất rõ về quyền của người được phân công giải quyết vụ án và hình phạt mà người vi phạm pháp luật phải chịu (hình phạt có khi tính chính xác đến đơn vị là ngày). Tuy nhiên, ngược lại với quyền bình đẳng trên thì trách nhiệm cá nhân của người “cầm cân, nẩy mực” lại rất chung chung, nếu không nói là mơ hồ?

Ví dụ khoản 2 điều 35 BLTTHS quy định: “Điều tra viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ trưởng Cơ quan điều tra về những hành vi và quyết định của mình”. Trách nhiệm đó là gì (3 đến 10 năm tù hay phạt một “bữa nhậu”) không ai biết mà tùy nghi do người có quyền áp dụng? Hành vi và quyết định của mình là gì (đúng, sai hay vừa đúng, vừa sai, … rồi nguyên nhân khách quan, chủ quan, lỗi…), ai là người “cân, đong” hành vi, quyết định đó? Lại vẫn con sai, mẹ xử?

Thực trạng trách nhiệm cá nhân trong hoạt động tố tụng đang bị vô hiệu hóa bằng những cuộc họp “liên ngành” nhằm tạo tiếng nói thống nhất về một vấn đề chưa rõ hoặc để hợp thức hóa một quan điểm chưa đúng. Xin trích trả lời đơn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra – Viện KSND tối cao (Vũ Đăng Khoa) về một vụ việc cụ thể:

- Về việc thu giữ, xử lý vật chứng: Điều tra viên căn cứ quy định của BLTTHS, có sự thống nhất của cơ quan CSĐT và cơ quan kiểm sát cùng cấp; nên không có cơ sở xác định dấu hiệu của hành vi “Ra quyết định trái pháp luật”.

Chưa nói đến nội dung, nhưng theo cách trả lời trên (không nêu điều khoản áp dụng của BLTTHS) thì sự thống nhất của cơ quan CSĐT và cơ quan kiểm sát cùng cấp đã góp phần “vô hiệu” điều 35 BLTTHS?

Người được phân công chính giải quyết vụ án thường rất “khôn khéo” để “đẩy” trách nhiệm cho tập thể và lợi ích lại “để” cho riêng mình.

Thứ hai, năng lực, đạo đức và bản lĩnh:

Năng lực cá nhân thường chỉ dao động trong khoảng hẹp vì những người được phân công chính thụ lý vụ án đều là những người có chức danh tố tụng (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán) họ được học nhiều, bài bản và nhiều năm kinh nghiệm bản thân và người đi trước. Trên thực tế có sự khác nhau, nhưng chỉ đơn thuần về năng lực sẽ không thể để xảy ra những vụ “án oan” có tội và không tội, thậm chí tử hình và không tội. Thấy rằng, giữa khoảng hẹp kiến thức cá nhân và cân bằng về chức danh pháp lý thì không thể tạo ra một hậu quả thực tế quá lớn về “án oan” như vừa qua, hiện nay và rất có thể đang tiềm ẩn trong tương lai.

Đạo đức, xưa nay vẫn được xem thuộc phạm trù “phức tạp” vì nó không xác định được bằng hiện thực mà phụ thuộc vào cách đánh giá chủ quan. Vì vậy, đạo đức của người trực tiếp thụ lý vụ án thường bị tác động và thay đổi theo: quan điểm của lãnh đạo (trực tiếp và cấp trên); theo dư luận xã hội xung quanh; “tác động” của các đối tượng liên quan đến vụ án…

Bản lĩnh, lại càng phức tạp hơn vì phải thể hiện rõ, dứt khoát quan điểm cá nhân trái ngược với nhiều người. Một số người vẫn nói đùa, cán bộ thụ lý án chỉ được “múa” bằng một tay mà thôi? Do quy định pháp luật chưa phân định rõ về chức danh quản lý hành chính và chức danh tố tụng nên lãnh đạo thường “ôm” luôn quyền phán xét các vụ án mà người có chức danh tố tụng đang thực hiện phải “bó tay”.

Thứ ba, do vụ án quá phức tạp và áp lực dư luận: cuối cùng phải nói thật với nhau, đây chỉ là lý do ngụy biện, bởi lẽ: án phức tạp hay đơn giản cũng chỉ do một cá nhân hoặc nhóm tội phạm gây ra. Vì vậy, cả về trí tuệ, lực lượng… đều không thể so sánh với cả một bộ máy của các cơ quan tiến hành tố tụng và sau họ còn có cả hệ thống pháp luật và tai mắt nhân dân. Chúng ta vẫn còn nhớ vụ án do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh với biết bao vũ khí, sự chuẩn bị… của bọn phản động trong và ngoài nước nhưng có oan, có sai gì đâu. Ngày nay, với nhiều sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật hiện đại được áp dụng thì càng không thể đổ lỗi tại án quá phức tạp.

Dư luận, xưa nay cũng chỉ là dư luận: Người biết dùng thì tốt, người không biết dùng thì xấu, chỉ được đổ tại mình mà không được trách dư luận, vì nó có quyền phán xét ai đâu? Như vậy, người có tâm, có tầm thì dư luận là bạn đồng hành và ngược lại.

Vẫn câu nói vui đúng cho nhiều trường hợp “nếu vợ sai, xin xem lại điều 1”. Thật vậy, quy định pháp luật là chuẩn mực buộc mọi người phải chấp hành. Khi quy định còn lỏng lẻo thì còn rất nhiều lý do để đổ lỗi. Một ví dụ đơn giản: Người Việt Nam ra nước ngoài cũng xếp hàng nghiêm túc như người bản xứ, nhưng vì sao về nước những con người đó lại chen lấn?… xin “xem lại điều 1”. Quả thật, “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Để hạn chế án oan sai, theo PGS.TS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, cần phải thay đổi chính sách, phải có cảnh sát tư pháp độc lập, chứ không phải chỉ chính sách đơn lẻ. Theo ông Giao, cần xem xét những người đại diện cho cơ quan tiến hành tố tụng làm sai thì phải có trách nhiệm bồi thường, xem xét trách nhiệm cả hành chính và hình sự, không nên lấy tiền thuế của dân để đền bù oan sai. Việc luật sư tham gia vào quá trình hỏi cung, luật quy định đã có rồi, chỉ cần Bộ Công an chỉ đạo thực hiện nghiêm sẽ giảm được rất nhiều khả năng ép cung, án oan.

Cần thiết phải xem xét đưa vào quy định của luật như các nước đã làm là trong phòng lấy lời khai bắt buộc phải có camera giám sát để ghi hình, ghi cả tiếng. Bản ghi hình đó phải được coi là một hồ sơ trong vụ án. Nếu lời khai của bị can không được ghi nhận trong băng sẽ bị coi là vô hiệu. Bản ghi hình là “bằng chứng” không thể chối cãi, khi ra Tòa nếu bị cáo phủ nhận lời khai, cho rằng bị ép cung thì có thể dùng bản ghi hình để đối chiếu, lúc đó sẽ không cãi được.

Luật sư Phạm Thị Thanh Tâm

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Mai Mai