Đêm Giao thừa, tôi thấy trên tường FB của chị những lời chúc mừng năm mới, kèm theo đó là hình ảnh những bông hoa Cát tường đem lại may mắn và bức hình cô con gái nhỏ sung sướng cầm chiếc bánh chưng.
Nhắn một tin chúc mừng, tôi được chị đáp lời. Và giữa đêm 30 ở Việt Nam, khi tôi đang ngồi đợi pháo hoa, còn chị ở bên kia, vẫn đang giờ làm việc ở công sở, chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn về Tết của những người Việt xa xứ, như chị.
Rặng Cơn mưa vàng báo hiệu mùa xuân đến |
Chị Kim Cúc, sống tại Prague, Cộng hòa Séc với chồng và hai con gái đã có hơn 2 thập kỷ xa quê hương. 19 năm ăn Tết xứ người, chị bảo cũng đã quen. Quen là quen với việc không để nhịp sống của mình bị chựng lại, bị thay đổi, quen với nỗi hẫng hụt, bâng khuâng, chứ nỗi thương niềm nhớ quê nhà, người thân, niềm khao khát đoàn tụ… thì chừng ấy năm vẫn còn nguyên vẹn.
Mâm cơm Tết Việt ở Séc do những người bạn của chị Cúc cùng làm để mời nhau |
Ngày Tết cổ truyền Việt Nam lệch khá xa với dịp nghỉ năm mới của người phương Tây nên chị vẫn phải đi làm, bọn trẻ vẫn phải đi học, sự chuẩn bị cho một năm mới Việt Nam giữa trời Tây bời bời tuyết rơi chỉ là chút chút. Đôi chiếc bánh chưng xanh bạn bè cùng nhau tự gói, một ít nem cuốn dạy cô con gái lớn làm. Năm nào thật là rảnh thì thêm chút dưa hành, mứt… Chị bảo, chị cũng như bạn bè, cố gắng hết sức để trong nhà có không khí Tết, để con cái biết về Tết Việt Nam như thế.
Giữa đêm Giao thừa, khi ở Việt Nam pháo hoa bắn rực bầu trời, thì ở bên kia, chị thả mình dạo bước trên những cánh đồng tuyết mênh mông, trắng xóa. Có lẽ, chị làm vậy để lòng dịu lại, nỗi nhớ nguôi ngoai.
Chị Cúc kể, cộng đồng người Việt ở Séc khá đông nên Tết cũng không thiếu gì những đồ ăn, thức uống. Nếu có thiếu thì chỉ thiếu không khí và những nhành hoa đặc trưng của mùa xuân. Vì thế những ngày này, bạn bè người Việt thường tự làm mâm cơm, gọi nhau đến chung vui. Bữa cơm cũng có bánh chưng xanh, dưa hành muối, nem rán, giò lụa…. Bọn trẻ con thì háo hức vô cùng.
Nếu dịp Tết ở Việt Nam trùng ngày nghỉ cuối tuần ở bên ấy, thì mọi người cũng sẽ đi thăm nhau, lì xì nhau, chúc nhau một năm mới nhiều niềm vui, may mắn.
Con gái nhỏ của chị Cúc, bé Angie thích thú với món mứt Việt Nam |
Ở Séc, có loài hoa gọi là “cơn mưa vàng”. Hoa này bình thường nở khi mùa xuân ở Séc sang, nghĩa là khi mùa đông đã qua đi, tuyết đã tan hết. Cơn mưa vàng đặc biệt rất giống hoa mai, cánh vàng rực rỡ. Vào thời điểm Tết ở Việt Nam thì tại Séc vẫn còn rét đậm, tuyết vẫn phủ khắp nơi, vì thế, muốn có những cơn mưa vàng trổ bông như hoa mai báo hiệu mùa xuân đến, cộng đồng người Việt thường phải bẻ cành mang về cắm trong nhà ấm áp để hoa nở sớm. Có màu vàng rực ấy trong nhà, thì nghĩa là cũng có thêm chút xuân.
Giống ở Việt Nam, cộng đồng người Việt ở Séc cũng quan niệm, năm nào Cơn mưa vàng trổ bông nhiều, là năm ấy sẽ no ấm. Vì thế, nếu mang được một bó Cơn mưa vàng về nhà, và chăm cho nó nở hoa rực rỡ, thì niềm vui sẽ đến nhiều hơn.
Chị kể, ở Séc còn có Cây mèo con, cũng là một biểu tượng của mùa xuân. Cây mèo con giống y như nụ tầm xuân mà người miền Bắc Việt Nam hay chơi trong nhà ngày Tết. Khi mùa đông qua đi, khi những hạt tuyết cuối cùng tan dần trên nụ hoa nâu đỏ, là mùa xuân về. Chị và bạn bè cũng thường trồng trong vườn nhà. Nhiều bạn bè, người thân ở Việt Nam, thấy chị gửi ảnh lên, ngỡ chị dù xa quê hương cả ngàn cây số, cũng có cái Tết đủ đầy vui vẻ, lòng thêm mừng.
Một vài hình ảnh chị Kim Cúc chia sẻ:
"Cơn mưa vàng" trổ bông rực rỡ như hoa mai của Việt Nam, báo xuân về |
Và ấm áp trên bàn ăn nhà chị Cúc |
Nụ Cây mèo con giống với Nụ tầm xuân |
Khôi nguyên |
Tinh khiết trong vườn nhà |
Chặt cây, bẻ cành có thực sự mang “lộc” về nhà? (Xã hội) - (Phunutoday) - Đến nay, phong tục hái lộc của người Việt Nam ít nhiều đã bị hiểu sai. Người ta cho rằng cành cây càng to, lộc càng nhiều... |