Ánh Tuyết xin cất giữ những bí mật về Trịnh Công Sơn

13:41, Thứ ba 05/07/2011

( PHUNUTODAY ) - Tuy nhiên, Ánh Tuyết thực sự là một ca sỹ hát nhạc xưa hiếm hoi hiện nay có bản sắc riêng không hề trộn lẫn với bất cứ ai.

(Phunutoday)  - Một dạo từng có người nói, giọng ca Ánh Tuyết gợi nhớ đến những ca sỹ nhạc tình nổi danh ngày xưa như Thái Thanh, Hà Thanh hay Mai Hương bởi chất giọng cao vút, luôn vuốt lên những quãng cao một cách rất ngọt và mang theo trong đó những mất mát, hoài niệm cũ thổn thức, nhức nhối, chậm rãi đi vào lòng công chúng với nỗi buồn của những người yêu nhạc tình muôn thuở. Tuy nhiên, Ánh Tuyết thực sự là một ca sỹ hát nhạc xưa hiếm hoi hiện nay có bản sắc riêng không hề trộn lẫn với bất cứ ai.

Trong tim thì sôi máu, khóe mắt có trăng sao…

Giọng chị cao nhưng không “chua” và rề rà kéo lê khán giả đi cùng nỗi buồn nghệ sỹ như Thái Thanh, đôi lúc trầm xuống nghẹn ngào lắng đọng nhưng không giống Lệ Thu hay Khánh Ly, Thanh Thúy.

Tiếng hát của chị khi lảnh lói cao vút, lúc khoan thai dập dìu, rồi hân hoan reo vui… như tiếng suối róc rách trong lành chảy trong sương sớm trên rừng cao nguyên, lẩn khuất mùi hương vừa thanh tao vừa bình dị, không gây cảm giác đoạn đời lánh thế nhưng đủ để người ta quên đi những lo toan tất bật của đời sống mà đắm chìm vào thế giới của âm nhạc có đủ quá khứ và thực tại chứ không chỉ đậm mùi hồi tưởng.

Ở ngoài đời, ca sỹ Ánh Tuyết là người trực tính, nghĩ sao nói vậy và rất giản dị trong cách sống và cách cư xử, chính vì vậy chị có được cảm tình của nhiều anh em nghệ sỹ và bạn bè trong giới văn nghệ sỹ. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật đầy thăng trầm, luôn nỗ lực vươn lên bằng chính khả năng và lòng quyết tâm theo đuổi đam mê không mệt mỏi, chị từng trải qua bao ngọt bùi cay đắng của nghề ca sỹ, lúc nào cũng hát như vắt kiệt sức lực và tâm hồn mình. Ánh Tuyết là một nghệ sỹ tận tụy với nghiệp, luôn hết lòng với đời và sống thẳng-thật-chân thành với mình và người. 

Ánh Tuyết tên thật là Trần Thị Tiết, là con gái duy nhất trong một gia đình có năm người con đều thừa hưởng niềm đam mê âm nhạc từ ba mẹ. Năm 17 tuổi, Ánh Tuyết trúng tuyển vào Đoàn Dân ca kịch và Đoàn Ca múa nhạc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, và sau đó đỗ tiếp hệ Trung cấp khoa Thanh nhạc Đại học Nghệ thuật Huế.
Ca sĩ Ánh Tuyết
Ca sĩ Ánh Tuyết

Tháng 7/1993, chị được mời hát trong chương trình của cố nhạc sỹ Văn Cao, có sự dự thính của ông. Đó là một đêm định mệnh của cuộc đời Ánh Tuyết khi chị hát hay đến xuất thần, phía dưới khán phòng người nhạc sỹ già Văn Cao vui đến trào nước mắt vì sau bao năm mới có người hát nhạc của mình hay đến vậy. Nhạc sỹ Văn Cao nói với chị: "Đầu đời, nhạc Văn Cao có Kim Tiêu... nhưng lại bị "tiêu" quá sớm. Không ngờ cuối đời nhạc Văn Cao lại có Ánh Tuyết", Ánh Tuyết khiêm tốn trả lời: "Nhưng thưa chú, Ánh Tuyết thì cũng chỉ mới ánh thôi, tuyết rồi thì cũng sẽ tan".

Từ đó trong âm nhạc Việt Nam, nhắc đến nhạc Văn Cao thì phải nói đến giọng ca của Ánh Tuyết. Chị được báo chí thời bấy giờ coi là hiện tượng của làng nhạc Việt, đặc biệt là sự gắn liền và tạo nên tên tuổi với âm nhạc Văn Cao.

Với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, cùng cách thể hiện vừa du dương bác học vừa cháy bỏng rất đời thường, chị sinh ra như để hát nhạc của Văn Cao, với nỗi buồn vừa thâm viễn hoài cổ với những tích xưa Trương Chi - Mị Nương, Lưu Nguyện lạc Thiên thai… vừa tình tứ, vừa ý nhị, vừa đẹp đến nao lòng của những Bến Xuân, Cung Đàn Xuân và quãng âm rất rộng như mở tràn cả không gian thời gian của nhạc sỹ Văn Cao như chắp cánh cho giọng hát Ánh Tuyết. 

Và cõi âm thanh Trịnh Công Sơn từ tiềm thức

Chị từng nói, với nghệ thuật thì không lúc nào tôi bằng lòng và cảm thấy yên ổn, có lẽ chính vì thế Ánh Tuyết không chỉ có cõi thơ cõi nhạc của ông hoàng Văn Cao.

 Chị còn thể hiện thành công nhiều nhạc phẩm của các nhạc sỹ khác như Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Thương… và mới đây chị cho ra mắt album đôi về nhạc Trịnh Công Sơn. Vẫn là những bản tình ca bất hủ như Thương một người, Gọi tên bốn mùa… nhưng với cách hát mộc mạc khác hẳn Ánh Tuyết đầy kỹ thuật cùng nhạc Văn Cao, đôi khi chỉ với một cây đàn guitar, một violon dìu dặt nức nở, khán giả bị chìm vào giọng ca Ánh Tuyết với hồn nhạc Trịnh tinh tế, với không gian thời gian xưa đầy hoài niệm trong cả cách phối khí và cách hát.

Hiếm khi nào giọng Ánh Tuyết mộc đến vậy, gần đến vậy, có thể thấy chị đã thực sự tạo ra một không gian nhạc Trịnh đẹp mà không lẫn với bất cứ ca sỹ nào từng thể hiện dòng nhạc nhiều người nghe nhưng kén ca sỹ này. Trước khi phát hành album vài ngày, ca sỹ Ánh Tuyết đến mộ người nhạc sỹ tài hoa lặng lẽ dâng hương và đặt lại trên mộ ông ấn phẩm đầu tiên của Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn. 

Chị là một trong không nhiều ca sỹ Việt Nam chọn thể loại nhạc trữ tình tiền chiến để phát triển sự nghiệp, và định hình tên tuổi mình ở những ca khúc của cố nhạc sỹ Văn Cao. Ít khi thấy chị hát nhạc Trịnh, trừ những lúc ở phòng trà ATB hay một vài show diễn, tại sao lần này chị tung ra liền lúc đến 2 albumm nhạc Trịnh?

Lý do thì nhiều lắm, nhưng hai album đó vừa là lời tri ân, vừa là lời xin lỗi và cũng là để thực hiện lời hứa của tôi với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Từ năm 1993 đến 1995, nhiều lần gặp, anh đều bảo tôi “Tuyết làm album nhạc của anh đi”. Nhưng những ngày tháng đó anh đâu hay biết rằng trong tôi đang có quá nhiều cảm nghĩ... Mà thời ấy nhạc của anh Sơn đã có những chiếc bóng quá lớn. Tôi không đủ tự tin dù được anh đề nghị. Vì tính e dè, tôi đã bỏ lỡ nhiều cơ hội hát nhạc Trịnh trong sự quan tâm chân tình của anh.

 Ngày anh mất tôi đã ghi vào sổ tang mấy dòng ngậm ngùi: “Vậy là anh đã đi. Em nói hoài mà vẫn chưa thực hiện được album. Em hứa sẽ làm album nhạc của anh. Nhưng anh đi rồi đâu còn ai nghe em hát nữa.” Nhưng bây giờ, thì tôi tin rằng ở một nơi nào đó rất xa anh vẫn nghe tôi hát và hi vọng anh hài lòng với album này.

Nói đến nhạc Trịnh là công chúng nghĩ ngay đến Khánh Ly và những bóng hình nghệ sỹ sau này hát nhạc Trịnh đều không tránh khỏi bị mang ra so sánh. Chị nghĩ sao về điều này? Chị - một ca sỹ có thể coi là chính thống đầu đàn hiện nay, được khán thính giả khó tính ở nhiều lứa tuổi yêu thích, đã có thương hiệu “người hát nhạc Văn Cao hay nhất”, khi quyết định hát nhạc Trịnh, chị có tin mình có thể gây nên một đột phá nào trong con đường nhạc Trịnh thênh thang nhưng quá hẹp lối này không? Chị có sợ bị so sánh với Khánh Ly?

Tôi đã từng suy nghĩ về chuyện này rất nhiều, chính những suy nghĩ đó đã khiến tôi e dè khi quyết định thực hiện album Ánh Tuyết hát Trịnh Công Sơn. Theo thiển ý của tôi, việc khán giả đem ra so sánh người này với người kia là điều dễ hiểu. Mỗi người Việt Nam dù ở lứa tuổi nào cũng đều ngưỡng mộ nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và bất kỳ ai lúc vui hay lúc buồn đều có thể tự hát riêng cho mình, hát thầm với mình một đôi câu hát Trịnh Công Sơn.

Với một nhạc sỹ mà gia tài âm nhạc để lại cho đời phong phú và giàu có như Trịnh Công Sơn, thì mỗi ca sỹ cũng sẽ tìm được một khía cạnh nào đó cho riêng mình từ trong ca từ của âm nhạc Trịnh Công Sơn để lại. Khi hát nhạc Trịnh tôi khám phá một kho tàng nhân văn chứ tôi không nghĩ mình chọn một con đường thênh thang nhưng hẹp lối.

Như mọi người, tôi tìm thấy những giá trị của tâm hồn và cuộc đời trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn và tôi hát nhạc Trịnh bằng sự đồng cảm của những tâm hồn nghệ sỹ, bằng trái tim, bằng lòng cảm mến và bằng sự thầm biết ơn của riêng mình .
2
 

Hai album lần này, chị mang đến màu sắc nào cho nhạc Trịnh, cách tân mới mẻ hay quay lại tìm tòi và gợi nhớ đến nét nhạc và không gian, thời gian xưa? Chị có nghĩ, những tìm tòi mới, nhạc cụ hiện đại, công nghệ thu âm tiên tiến đang là tác nhân bào mòn cái hay, cái đẹp, cái tình của nhạc xưa, trong đó có nhạc Trịnh?

Hai album Ánh tuyết hát nhạc Trịnh Công Sơn là kết quả của bao nhiêu năm đắn đo, nên tôi hát nhạc Trịnh bằng tất cả những trải nghiệm đã có được trong cuộc đời mình. Sau cùng của những trải nghiệm đó tôi nghĩ đó là sự giản dị. Con người ta khi trò chuyện với nhau có thể có nhiều cách nói chau chuốt nhưng điều cần hơn hết để tâm hồn con người xích lại gần nhau, đó là tình cảm chân thành được diễn đạt giản dị. Mà nghệ thuật nói chung cũng vậy thôi.

Khi ta hát, trái tim ta biết cảm nhận được những vui buồn, biết giận hờn, biết đau, biết hỉ, nộ, ái, ố. Trong 2 album Ánh Tuyết hát nhạc Trịnh Công Sơn tôi vẫn giữ cách hát nghiêm cẩn, trân trọng từng nốt nhạc mà nhạc sỹ Trịnh Công Sơn để lại.

Tôi nghĩ mỗi thế hệ đều có những tiếng hát khắc họa được những rung động của tâm hồn con người của thế hệ đó. Thời gian đi qua và làm biến đổi mọi sự kể cả cách hát, cách suy nghĩ của người nghệ sỹ lẫn cách thưởng thức của khán giả.

Tôi không bảo thủ đến mức ôm khư khư quá khứ nhưng tôi hi vọng mình biết cách trân trọng và giữ gìn những giá trị đẹp đẽ của một thời được ghi dấu trong âm nhạc. Còn nhạc cụ hiện đại, công nghệ thu âm tiên tiến chỉ là công cụ giúp người nghệ sỹ thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của mình trước khán thính giả mà thôi. Điều quan trọng là hát lên được đúng những gì con tim người nghệ sỹ mách bảo.

Chị có nghĩ đến một sự dung hòa giữa xưa – nay trong khi hát một tác phẩm âm nhạc xưa không? Về vấn đề này chị có cực đoan hay không, hoặc chị có nghĩ đến cần làm mới những tác phẩm bất hủ để thế hệ trẻ yêu và biết đến giá trị của văn hóa tiền nhân để lại?

Tôi nghĩ thời nào cũng thế, nghệ sỹ nào có khán giả nấy. Nếu như bạn biết trân trọng những giá trị đích thực của âm nhạc bạn sẽ luôn được khán giả trân trọng. Thực ra khi nhìn lại cuộc đời mình với bao nhiêu năm theo nghiệp ca hát tôi thấy chính tôi cũng đã biến có đổi cùng với thời gian theo vòng xoay của cuộc sống.

Vậy thì việc tôi đổi mới chính cách hát của mình cũng là điều đương nhiên. Nhưng tôi luôn cố gắng giữ lại những gì mình tin, yêu, những giá trị đích thực. Cũng tựa như việc chọn một cách hát tươi mới cho một bản tình ca xưa cũ. Thế nhưng, dù có mới đến đâu thì người nghệ sỹ biểu diễn luôn luôn phải trung thành với hồn cốt của tác phẩm.

Chị có thể chia sẻ những kỷ niệm của chị với cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn hay không? Chị yêu và phục nhất cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn ở khía cạnh nào của ông (âm nhạc, cuộc đời, cách sống…)?

 Thực lòng mà nói tôi rất e ngại khi phải nhắc nhớ đến những kỷ niệm giữa tôi và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Có đáng gì đâu để kể, chỉ rất đáng để riêng tôi ghi nhớ. Và những kỷ niệm ấy như những đoá hoa đẹp trong khu vườn tâm hồn tôi thôi. Những năm tháng may mắn tôi được tiếp xúc với NS. Trịnh Công Sơn thì tất nhiên là sẽ có những kỷ niệm… Xin cho tôi được cất giữ những đoá hoa còn lại trong khu vườn của riêng mình. Còn khía cạnh nào của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khiến tôi yêu và phục thì tôi xin trả lời: tất cả. Khi đã yêu và mến phục một người nhất lại là một nhạc sỹ tài hoa, nhân hậu như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì không có gì là nằm bên ngoài hai chữ yêu và phục như bạn nói.


Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng viết: “Bao nhiêu năm em nợ ngọt ngào/Trả nợ một đời chưa hết tình sâu/Bao nhiêu năm em nợ bạc đầu/Trả nợ một đời không hết tình đâu”. Nếu như coi hai album này như một lần tôi được trả nợ ân tình với nhạc sỹ Trịnh Công Sơn thì một lần này làm sao cho đủ? Tôi hi vọng mình vẫn còn thời gian đủ để trả nợ cho nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mãi đến khi không thể nữa.
 
Vẫn là cá tính mạnh mẽ, đam mê cháy bỏng nhưng vẫn khiêm nhu giản dị ấy, trên con đường nghệ thuật của mình ca sỹ Ánh Tuyết lại một lần nữa tri ân âm nhạc, tri ân cuộc đời và khán giả bằng âm nhạc Trịnh Công Sơn sau gần hai mươi năm ấp ủ, trân trọng một lời nói mang theo lòng tin yêu của người nhạc sỹ tài hoa. Và lúc này những nốt nhạc và ca từ Trịnh Công Sơn vang lên từ giọng ca Ánh Tuyết đã bắt đầu lấp lánh ngân lên đâu đó trong lòng khán giả yêu nhạc.

Thiên Ca

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc