Áo yếm đẹp thuần Việt hơn đứt áo dài "lai căng"

06:00, Thứ ba 15/01/2013

( PHUNUTODAY ) - Hiện nay có nhiều ý kiến đề cử áo dài là quốc phục cho phụ nữ. Nhưng riêng tôi, tôi phản bác đề cử này. Theo tôi chúng ta nên chọn áo yếm làm quốc phục cho người phụ nữ.

Hiện nay có nhiều ý kiến đề cử áo dài là quốc phục cho phụ nữ. Nhưng riêng tôi, tôi phản đối đề cử này. Theo tôi chúng ta nên chọn áo yếm làm quốc phục cho phụ nữ.

Nói về lịch sử, yếm xuất hiện từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết rằng nó đã có mặt trong cuộc sống của người dân Việt từ rất xa xưa. Nó được mặc bởi phụ nữ Việt ở mọi tầng lớp giai cấp xã hội, từ các tôn nữ công chúa nơi thâm cung, các phu nhân tiểu thư của những gia đình quý tộc, đến những người phụ nữ bình dân tần tảo, vất vả sớm hôm để nuôi chồng, nuôi con. 

Theo dòng lịch sử, cái yếm không ngừng biến đổi, nâng cao tính thẩm mỹ qua những lần cải tiến. Tuy nhiên, "cuộc cách mạng" của cái yếm chỉ xảy ra vào đầu thế kỷ này khi cái quần kiểu Tây và cái váy đầm xoè xâm nhập vào Việt Nam. Ở thế kỷ 17, cái yếm vẫn chưa có sự thay đổi lớn lao về hình thức. Thế kỷ 19, cái yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét lỗ làm cổ, hai đầu của lỗ, đính hai mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xẻ, đít chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ cánh nhạn.

Bước sang thế kỷ 20, áo yếm càng được sử dụng phổ biến với nhiều kiểu dáng và mẫu mã phong phú. Dành cho người lao động có yếm màu nâu dệt bằng vải thô. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Con gái nhà gia giáo mặc yếm nhiều màu, trang nhã và kín đáo. Loại yếm "ỡm ờ", màu sặc sỡ, cổ cắm sâu trễ quá bờ ngực, "thách thức", chỉ dân "trời ơi" dạng Thị Mầu mới mặc. Thời kỳ "cách tân" này, cổ yếm thường được "dằn" thêm ba đường chỉ để "bảo hiểm" hoặc may viền lằn vải, thêu hoa cặp theo đường biên cổ.

 

Áo yếm xứng đáng làm quốc phục hơn áo dài
Áo yếm xứng đáng làm quốc phục hơn áo dài

Hình ảnh chiếc yếm đã đi sâu vào ca dao Việt Nam. Nó đã trở thành một chủ đề quán xuyến quen thuộc, tạo nên sự lãng mạn và đáng yêu cho những câu thơ ca tình tứ của dân tộc.

Yếm còn trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao thế hệ thi sĩ Việt. Tác giả bài "Chùa Hương" khi tả một cô thiếu nữ đẹp đang lên chùa đã viết: "Em đeo giải yếm đào/ Quần lĩnh áo the mới/ Tay cầm nón quai thao"....

Có thể nói yếm là thứ trang phục đã có từ bao đời nay và vẫn còn giữ được cho đến ngày hôm nay, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

So với áo dài, chiếc yếm thuận tiện và thông dụng hơn trong cuộc sống hàng ngày của người phụ nữ. Ai cũng có thể mặc, rất đơn giản, lại còn đẹp. Có thể mặc nọi nơi mọi lúc.

Áo yếm hội tụ cả hai yếu tố truyền thống và hiện đại. Cái yếm là thứ trang phục vừa kín đáo, vừa... “ỡm ờ” một cách nghệ thuật và độc đáo. Yếm tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ rất hợp với thời đại ngày nay khi con người ta trở nên ăn mặc sexy hơn. Có thể nói, áo yếm là trang phục không thể lẫn với trang phục của bất kỳ nước nào.

Về lịch sử của áo dài, không ai biết chiếc áo dài nguyên thủy ra đời từ khi nào và hình dáng thực sự ra sao vì không có sách sử nào ghi lại. Kiểu áo dài xưa nhất là áo giao lãnh, giống như áo tứ thân nhưng khi mặc thì hai thân trước để giao nhau mà không buộc lại. Bên trong có yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng mầu buông thả.

Người Việt ta cho tới thế kỉ 16 vẫn bị ảnh hưởng cách ăn mặc của người Trung Quốc. Để giữ nét riêng cho dân tộc, trong một sắc dụ Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1714–1765) đã đề cập đến trang phục của người Việt. Trong đó, hình hài của chiếc áo dài đã được hiện ra với hình dáng như áo dài hiện nay.

Nếu nhìn về lịch sử, áo dài ra đời muộn hơn áo yếm.  Hơn nữa áo dài không mang tính thông dụng, nó chỉ thường được mặc vào các dịp lễ hội trang trọng, hoặc nữ sinh mặc khi đi học.

Ngoài ra, áo dài Việt Nam hay bị nhầm với áo xường xám của Trung Quốc. Ví dụ gần đây nhất, trong phần thi trang phục truyền thống, hoa hậu Diễm Hương đã bị báo chí nước ngoài gọi nhầm là hoa hậu Trung Quốc.

Hay trong trong một sự kiện tại Jakarta (Indonesia) diễn ra vào ngày 7/8, Hãng hàng không giá rẻ AirAsia (Malaysia) nhầm lẫn trang phục truyền thống của Việt Nam là xường xám.

Suốt chiều dài lịch sử, cái yếm đã đi vào "giấc mơ" của biết bao thế hệ con người. Vì thế, so về lịch sử, công dụng, và xu thế của thời đại thì áo yếm xứng đáng là quốc phục hơn so với áo dài. Áo yếm đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam hơn áo dài.

Áo yếm xứng đáng là quốc phục hơn áo dài

 

  • Nguyễn Hữu Thành (Đông Hưng, Thái Bình)

[links()]

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc