Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 trên biển Đông

18:00, Thứ hai 17/04/2017

( PHUNUTODAY ) - Dự báo, mùa mưa bão 2017 có khoảng 15-17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn trung bình nhiều năm (12 cơn bão). Trong đó, có 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.

Áp thấp nhiệt đới giật cấp 8 trên biển Đông

Đầu giờ chiều nay, áp thấp nhiệt đới còn cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 410km về phía Đông Bắc với gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8.

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết, trong sáng nay 17/4, áp thấp nhiệt đới đã vượt qua khu vực miền Trung Philippinese đã đi vào Biển Đông.

Hồi 13h chiều nay, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,2 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 410km về phía Đông Bắc.

Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 7-8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km.

Đến chiều mai, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 116,1 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 450km về phía Bắc Đông Bắc, giữ nguyên sức gió.

Vùng nguy hiểm (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật cấp 7-8, biển động) từ vĩ tuyến 11 đến 170N, phía Đông kinh tuyến 1150E. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Cũng theo Trung tâm dự báo trong những giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển lên phía Bắc.

bao-dong

 Ảnh minh họa.

Sẽ có 15 - 17 cơn bão trong mùa mưa bão năm nay

Dự báo, mùa mưa bão 2017 có khoảng 15-17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn trung bình nhiều năm (12 cơn bão). Trong đó, có 3-4 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta.

Chiều 17/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã tới dự hội nghị.

Năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115km đê, kè, 938km kênh mương, 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng.

Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm dẫn đến làm giảm tăng trưởng quốc gia.

Thiên tai tiếp tục có những diễn biến khó lường trong năm 2017, ngay từ đầu năm thời tiết đã và đang có nhiều diễn biến bất thường, trái quy luật. Việt Nam vừa trải qua mùa Đông ấm, nhiều đợt không khí lạnh và mưa phùn ảnh hưởng sâu vào khu vực miền Trung và Nam Trung Bộ, đã và đang làm cho dịch bệnh phát triển, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dân, sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi, sạt lở nghiêm trọng bờ biển...

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tình hình thời tiết những tháng tiếp theo trong năm 2017 còn diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm; mưa lũ diễn biến bất thường và ở mức cao, bão hoạt động sớm ở biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền tương đương trung bình nhiều năm.

Dự báo, mùa mưa bão 2017 có khoảng 15-17 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, nhiều hơn trung bình nhiều năm 12 cơn bão. Ngoài ra, tính bất luật của bão sẽ tăng cao vào những năm chịu tác động của el nino.

Chủ động ứng phó tại chỗ

Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, sức khoẻ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, năm 2017 công tác phòng chống thiên tai cần sẵn sàng từ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết chủ động, nhanh chóng, chính xác.

Nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng địa phương các cấp, đảm bảo tính chuyên nghiệp, luôn luôn sẵn sàng, kịp thời với các tình huống thiên tai có thể xảy ra để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Thực hiện và kiểm soát việc xây dựng cơ sở hạ tầng làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, kiểm soát lồng ghép công tác phòng chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, các bộ, ngành coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Thành lập quỹ phòng chống thiên tai Quốc gia, chuẩn bị đủ nguồn lực, nhu yếu phẩm phù hợp; nâng cấp, hiện đại hoá trang thiết bị, cơ sở vật chất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai. Điều chỉnh quy trình hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai đáp ứng yêu cầu nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất, môi trường, cơ sở hạ tầng.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng, tăng cường bố trí nguồn vốn đầu tư và các giải pháp đảm bảo an toàn công trình phòng chống thiên tai nhất là hệ thống dự báo, cảnh báo, đê điều, hồ đập; đảm bảo an toàn khu dân cư và các trung tâm kinh tế, chính trị và các công trình trọng điểm, công trình đang thi công.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vân Tiên