(Đời sống) - Chưa đầy 3 ngày, cả nước chứng kiến 5 trẻ sơ sinh tử vong và một sản phụ chết ngay trên bàn đẻ.
[links()]
Những ngày qua, dư luận cả nước lặng người khi nghe tin những đứa trẻ bị tử vong sau khi tiêm phòng vắc-xin viên gan B. Mội lần đọc báo, người ta lại nghẹn ngào vì những đứa trẻ chưa kịp ấm hơi mẹ đã phải từ giã cõi đời này. Bao dòng nước mắt rơi xuống vẫn không đủ níu chân những linh hồn bé nhỏ ở lại thêm dương thế.
Chuyện đau lòng xảy ra sáng 20/7, tại Bệnh viện đa khoa huyện Hướng Hóa, 3 cháu bé sơ sinh khỏe mạnh đang tập tẹ bú dòng sữa non của mẹ thì chỉ một mũi tiêm các cháu đã nằm ngủ mãi mãi. Ở tỉnh bên, sản phụ Võ Thị Thúy ở Tuy Phong, Bình Thuận, cũng như đứt từng khúc ruột khi đứa con gái chào đời chưa đầy 17 tiếng đã bỏ vợ chồng chị ra đi mãi mãi. Có ai ngờ rằng mũi tiêm để ngừa bệnh cho các cháu lại là mũi tiêm định mệnh cướp đi cuộc sống của các cháu. Những tiếng cười, niềm hạnh phúc tột cùng khi thấy thiên thần của mình chào đời chưa đầy 1 ngày thì lại mất con khiến niềm đau lại nhân đôi. Chưa ở đâu, câu chuyện tiêm phòng vắc-xin trở thành nỗi ám ảnh của người dân đến vậy.
Ngay sau khi những trẻ sơ sinh tử vong bất thường, Bộ Y tế quyết làm rõ đến cùng xem nguyên nhân của tai biến này do đâu. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn áp dụng chương trình Tiêm mở rộng quốc gia đối với tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh và tiêm đủ mũi là cách phòng bệnh tốt nhất. Vấn đề đang được các chuyên gia bàn luận là liệu có nên tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ đầu hay không, bởi đó là khoảng thời gian trẻ rất yếu ớt, dễ gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, điều này cũng còn gây tranh cãi rất nhiều và chưa thể có kết luận cuối cùng được.
Cha mẹ các bé đau đớn vì mất con |
Vài năm gần đây, tỷ lệ trẻ bị tai biến khi tiêm vắc-xin ở Việt Nam tăng đột biến, trong vòng 2 năm đã có gần 20 trường hợp trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin. Trước tình hình Việt Nam có nhiều ca tai biến sau tiêm chủng vắc-xin 5 trong 1 Quinvaxem, tháng 5, Bộ Y tế quyết định ngưng sử dụng chờ kết quả điều tra của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Sau khi được WHO khuyến cáo nên sử dụng lại, Bộ Y tế đang đề xuất với chính phủ cho phép sử dụng lại Quinvaxem. Vậy là người dân lại hoang mang chờ đợi vắc-xin này được đưa về các bệnh xá tiêm cho trẻ.
Cùng nỗi đau con vì vắc-xin, thì gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn (40 tuổi, trú tại xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) đau đớn tột cùng khi chị và đứa trẻ đã tử vong trên bàn đẻ. Giây phút sinh đẻ là niềm hạnh phúc của người thân vì gia đình sẽ có thêm thành viên mới. Ấy vậy mà, hạnh phúc chưa kịp mỉm cười thì cả hai mẹ con chị Hoàn đã ra đi mãi mãi.
Trong cả thời kỳ mang thai, chị Hoàn và thai nhi hoàn toàn khỏe mạnh. Đến 21h ngày 22/7, chị Hoàn đau dữ dội và được chẩn đoán sắp sinh nên chị được đưa lên bàn đẻ. Khi gia đình đang hồi hộp chờ đợi ở bên ngoài thì chị Hoàn trở nên tím tái ngay trên bàn đẻ. Chị đã gồng mình nhưng chỉ rặn được đến cơn thứ 3 thì cả mẹ và con lịm đi và mọi biện pháp cấp cứu đều quá muộn.
Nguyên nhân xác định ban đầu là do tắc mạch ối. Vấn đề tai biến sản khoa là vấn đề muôn thuở và bất kỳ sản phụ nào cũng có nguy cơ đối diện với tai biến. Năm 2012, cả nước liên tiếp xảy ra các ca tai biến sản khoa khiến cả sản phụ và trẻ đều tử vong. Và sau đó đều được kết luận nguyên nhân gây tử vong là tắc mạch ối. Đây là tai biến nguy hiểm và 80 % sản phụ gặp tai biến này không thể qua khỏi. Hơn nữa, không ai có thể dự đoán, tiên lượng trước được điều này. Chính những lập luận của ngành y này mới thấy việc trẻ em hay sản phụ tử vong là điều không ai tiên lượng trước được để phòng tránh. Số phận trẻ em và sản phụ ở Việt Nam ngày càng mong manh như vậy.
Khánh Ngọc