Bắc Giang: Người phụ nữ quyết yêu và lấy kẻ hành khất không chân làm chồng

14:27, Thứ hai 05/12/2011

( PHUNUTODAY ) - #160; Dù thiếu thốn, nhưng đôi vợ chồng chưa một lời nặng nhẹ từ khi cưới nhau. Niềm mong ước, hi vọng lớn nhất của đôi vợ chồng là đứa con. Hỏi anh có định sinh thêm cháu nào nữa không? Anh Khiển nhỏn nhoẻn cười: “Mình không đủ sức để làm việc. Một đứa nuôi cho nó ăn học còn vất vả, đẻ nhiều là khổ đó”.

(Phunutoday) - Mặc những lời dèm pha đàm tiếu, mặc cho gia đình ra sức khuyên ngăn nhưng chị vẫn một lòng nhất quyết lấy người đàn ông dị tật cả hai chân không còn khả năng đi lại để làm chồng. Phải chăng, người đàn ông ấy lắm tiền nhiều của hay có thứ gì đó “hút người” đến vậy? Không! Tình thương, phép màu tình yêu, lòng bao dung vô bờ của người phụ nữ đã viết nên câu chuyện tình cổ tích. Đấy là hạnh phúc diệu kỳ của đôi vợ chồng chị Nguyễn Thị Tuyên và anh Trần Văn Khiển ở thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải, (Lục Ngạn, Bắc Giang)

“Dị nhân” 40 năm ăn xin
40 năm nay anh Khiển mưu sinh trên chiếc xe 4 bánh
40 năm nay anh Khiển mưu sinh trên chiếc xe 4 bánh
Anh tên là Trần Văn Khiển, người đàn ông được người ta gọi bằng cái tên “Khiển 4 bánh”. Số phận không chỉ cướp đi của anh đôi chân không lành lặn mà lấy đi của anh cả giọng nói. Nhà anh ở thôn Tân Giáp, xã Thanh Hải cách thị trấn Đồi Ngô chừng 20 cây số. Căn nhà nhỏ nằm phía cuối làng.
 
Anh Khiển sinh năm 1960, là con thứ 2 trong gia đình. Dường như số phận đã bắt anh phải khổ, bắt anh phải “gánh” bất hạnh thay cho các anh chị em trong trong nhà. Vừa lọt lòng, Khiển đã mang trên mình một đôi chân tật nguyền bẩm sinh. Thân hình bụ bẫm nhưng đôi chân bé tẹo như cây mía. Một năm rồi hai năm, Khiển chỉ lớn về thân hình nhưng đôi chân vẫn cứ bé tẹo chẳng lớn thêm là bao.
 
Đến tuổi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa đến trường Khiển cũng thích lắm. Nhưng đôi chân “que tăm” ấy thật khó để giúp anh trở thành hiện thực. Ước mơ được học lấy con chữ với Khiển lụi tắt dần. Hàng ngày, Khiển chỉ có thể di chuyển mình và làm “bạn” với chiếc xe mà bố đóng cho. Dù chưa đủ lớn nhưng Khiển cũng đã biết mặc cảm, tự ti về bản thân. Khiển xem mình là một gánh nặng cho gia đình. Nhiều khi, anh muốn chết quách đi cho xong. Anh day dứt, giày vò và sống trong nỗi khổ tâm.
 
Các anh chị em của Khiển lần lượt xa nhà để kiếm sống. Kẻ đi ở, người đi làm thuê biền biệt, chỉ còn lại Khiển và bố mẹ nơi quê nhà. Bà Bướng - mẹ Khiển - kể lại: “Hồi Khiển chừng 12 tuổi, vì không làm được việc gì cả nên nó cứ nằng nặc đòi đi ăn xin nhưng tôi ngăn cấm. Thế rồi, nó lén mẹ đi không ai hay biết. Lâu dần thành quen, đến khi sau này cấm nó cũng không được nữa”.
 
Cứ mỗi phiên chợ đến, cậu bé Khiển dậy thật sớm, vượt hơn cả chục cây số trên chiếc xe tự lái để đến các phiên chợ vùng quê nghèo, tại các bến xe để sống nhờ vào tình thương của mọi người. Gom góp, may mắn, số tiền xin được cả một ngày cũng đủ để mua vài kí gạo mang về nấu cháo trộn với rau ăn thay cơm. Gần 10 năm đi xin, Khiển ngày nào nay đã ở cái tuổi 20. Lẽ ra ở cái tuổi ấy sẽ lấy vợ, lập gia đình và sinh con đẻ cái. Nhưng với Khiển, cuộc đời là những chuỗi tháng ngày sống trong buồn tủi.
 
Anh cũng từng có những ước ao, khát khao về một mái ấm hạnh phúc gia đình. Nhưng khi nghĩ về thực tại, ước mơ ấy chỉ chợt lóe lên trong chốc lát rồi vụt tắt vào một khoảng không vô định.
 
Có lẽ đến thời điểm hiện tại, nếu xác lập một kỷ lục về những người từng hành “nghề” ăn xin thì tôi tin chắc rằng, anh là người giật giải. 40 năm, người đàn ông ấy đã tự “đi” biết bao nhiêu quãng đường. Chiếc xe 4 bánh tự chế của anh đã phải thay bao nhiêu vòng bi, thay bao nhiêu bánh xe và mòn biết bao nhiêu đôi dép. Người đàn ông nhỏ bé ấy ngồi gọn trên chiếc xe, như để cố “giấu” đi đôi chân tật nguyền ấy. Đôi tay làm “chân”, làm tay lái “chở” cái thân hình ấy đến những nơi mà anh cần đến rồi lại đưa anh về nơi đã từng sinh ra anh.

Phép màu tình yêu 
Vợ và con anh Khiển
Vợ và con anh Khiển
Hơn 40 năm nay, Khiển lang thang trên khắp các phố phường, các khu chợ của Bắc Giang. Ở đâu có chợ, ga tàu hay bến xe là ở đó có mặt Khiển. Mỗi buổi sáng, anh tranh thủ dậy thật sớm rồi “lái” chiếc xe bốn bánh của mình bắt đầu một ngày hành nghề mới. Ở tuổi thanh niên, nhưng bất kể ngày mưa hay ngày nắng, người đàn ông ấy vẫn đều đặn có mặt tại các chợ phiên để “sống nhờ” vào lòng trắc ẩn của những tấm lòng từ bi.
 
Khi địa bàn là những nơi thân thuộc quá quen mặt, anh Khiển cũng biết nghĩ đến “danh dự” của một người ăn xin. Khiển lại thân cò lặn lội lên các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, rồi Hà Nội… để mưu sinh. Gầm cầu, bến xe, ghế đá công viên là nơi anh nghỉ chân hay là “giường” mỗi khi anh kiệt sức. Những chuyến đi của anh dài ngày, có khi một tuần mới về thăm nhà một lần rồi lại tiếp tục. Hỏi đường xa thế anh đi bằng kiểu gì? Anh Khiển cười rồi đáp lại “đi bằng ô tô”. Hóa ra, mỗi lần đi xa anh thường ra các bến xe gần nhà để xin đi nhờ xe. Thấy hoàn cảnh người đàn ông như Khiển ai mà chẳng động lòng thương. 
 
Rồi một lần đi xa nhất, có lẽ duyên số xui khiến người đàn ông ấy đi, vì phía trước là một nửa còn lại của cuộc đời đang chờ đón. Cũng chính lần đi xa ấy mà Khiển đã hỏi được vợ. Một buổi chiều cuối thu vào năm 2000, anh Khiển bắt xe lên đến tận thị xã Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Khiển nhớ lại, vừa đặt chân xuống xe thì trời bắt đầu đổ mưa và có gió mạnh. Anh thúc mạnh chiếc xe xin ghé nhờ vào cái quán tạp hóa nhỏ ngay ven bên bờ đường sắt. Trong chiếc quán nhỏ ấy có người con gái kém anh đến 5 tuổi đang hạ bớt chiếc rèm che ô cửa nhỏ để tránh nước hắt vào. Đó là chị Nguyễn Thị Tuyên, người vợ của anh Khiển bây giờ.
 
Mỗi khi nhắc lại chuyện của quá khứ, những dòng nước mắt của chị Tuyên lại trào ra. Chị Tuyên nhớ lại: “Hôm đó trời mưa như to, nước xối xả, gió giật mạnh nên tôi bảo nhà tôi (anh Khiển) vào nhà đi cho đỡ lạnh”. Nghe vậy anh Khiển vẫn trả lời. Nhưng một lần rồi hai lần, chị Tuyên ra ngó xem thì anh Khiển vẫn ngồi lì trên chiếc xe mà không sao lách qua được cái gờ cửa cao cao bằng gỗ.
 
Chị Tuyên chợt giật mình, nhưng trái tim đã chợt điều khiển chị thật bình tĩnh và hành động đúng với lí trí và lẽ phải. Chị đứng khựng lại một lúc, nhưng rồi chị bình tĩnh nhẹ nhàng đến bên anh Khiển. Dù thân gái mỏng manh và yếu ớt nhưng không hiểu sao khi đó, Tuyên khỏe và có sức mạnh lạ thường đến vậy. Không đắn đo, chị nhấc bổng cả chiếc xe và người Khiển vào trong nhà.
 
Trong khi chuyện trò, thi thoảng, anh Khiển ngoảnh mặt đi nơi khác bởi sự tự ti và mặc cảm về thân phận. Thế rồi tối hôm đó, vì không có người thân hay một nơi ở nào trú thân nên anh Khiển xin ở lại một mình tại quán. Chị Tuyên về nhà mang cơm và thức ăn tiếp đãi anh Khiển như một người bạn ở xa đến thăm. Họ chuyện trò, hiểu, cảm thông và chia sẻ cho nhau về hoàn cảnh nhiều hơn. Hai con người, hai hoàn cảnh khác nhau, chưa bao giờ gặp nhau nhưng dường như trái tim họ đã bắt đầu cùng nhịp đập. Hai tâm hồn, những suy nghĩ của họ như hòa vào làm một.
 
Cuộc đời không ai cấm chúng ta mơ ước, những điều không ai nghĩ đến, mơ ước đến đôi khi nó đến bất ngờ khiến những ai không muốn tin cũng phải tin vì đó là sự thật. Và những mơ ước nhỏ nhoi, dung dị của người đàn ông tật nguyền ấy bấy lâu nay đã thành hiện thực. Cảm thương trước số phận bất hạnh của người đàn ông ấy chị Tuyên đã đem lòng yêu thương anh.
 
Chị Tuyên thật thà chia sẻ: “Tôi thương nhà tôi bởi đức tính thật thà, chịu khó. Dù bị thiếu đi đôi chân nhưng anh ấy là chỗ dựa tinh thần và có nghị lực. Sức mạnh để vun vén hạnh phúc cho gia đình không phải nhất cứ người đàn ông phải có một thân hình vạm vỡ”.
 
Sau lần gặp nhau ấy, anh Khiển ở lại Vĩnh Phúc chơi hai ngày. Ngày về, chị Tuyên đưa Khiển ra tận bến xe để bắt xe cho anh. Luyến lưu, dùng dằng nửa ở nửa về, anh Khiển bảo: “Hay em đưa anh về, tiện thể về quê anh chơi một lần cho biết cửa biết nhà”. Không ngờ sau lời mời nửa thật nửa đùa ấy, chị Tuyên lên xe cùng anh về quê.
 
Gia cảnh chàng trai tật nguyền nghèo khó không làm chị bận lòng. Tuyên càng như muốn được ở lại hẳn để làm thay những công việc nhà cho Khiển đỡ phần vất vả. Tuyên đã thương Khiển thật lòng. Chị đắn đo rồi suy nghĩ, mới mấy hôm rời xa nhưng lòng chị lại hướng về chàng trai ấy. Nhiều lúc, lòng chị tự vấn sao có bao nhiêu người con trai đàng hoàng, lành lặn thật lòng đến với mình mà mình lại không hề đoái hoài đến? Lí trí của trái tim đã khiến Tuyên quyết định lấy Khiển làm chồng.
 
Bà Bướng nhớ lại, khi Tuyên xuống thăm Khiển lần hai, cả nhà cũng chỉ nghĩ mọi việc bình thường. Ai ngờ, Tuyên nói: “Mẹ ạ, con xin về làm dâu của mẹ”. Nghe vậy, cả nhà Khiển ngồi phân tích tỏ tường cho Tuyên nghe nhưng ý định của người “con dâu” vẫn không hề thay đổi. Còn nhớ ngày Tuyên báo với bố mẹ đẻ của mình là muốn lấy anh Khiển. Hai ông bà như điếng người, bảo con mình chắc có “vấn đề”. Anh em khuyên ngăn nhưng cũng vô ích. Chị quả quyết: “Lấy anh ấy về, sau này sướng khổ con chịu, bố mẹ đừng lo”.
 
Thế rồi đám cưới diễn ra vào năm 2000. Cũng do hoàn cảnh nên nhà chỉ làm mấy mâm cơm báo cáo tổ tiên, họ hàng và làng xóm thân cận. Năm 2001, đứa con trai đầu lòng chào đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa, niềm mong mỏi của hai gia đình và đôi vợ chồng ấy.
 
Có lẽ, niềm hạnh phúc và những hy vọng bấy lâu nay đã thành hiện thực nên anh Khiển đặt tên đứa con là Trần Văn Được. Từ ngày có vợ, mọi sinh hoạt hàng ngày đã có người thay Khiển gánh vác. Căn nhà nhỏ được dựng lên để làm chỗ che mưa che nắng, vì không lao động được nên ngày ngày, anh Khiển vẫn duy trì cái “nghề” bấy lâu nay. Người vợ trẻ ở nhà lo việc đồng áng.
 
Chị Tuyên mở thêm cái quán tạp hóa nho nhỏ bán mấy thứ lặt vặt. Thời gian rảnh rỗi, chị ủ men nấu thêm mấy nồi rượu để bán. Bã rượu dùng làm thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn chóng lớn để lấy tiền đóng học phí cho thằng cu Được vì năm nay Được cũng đã học đến lớp 5. Mỗi ngày lễ, Tết hay họ ngoại có công việc trọng đại thì đôi vợ chồng cùng đứa con lại khăn gói bắt xe về Vĩnh Phúc. Có khi họ ở lại đó cả tuần rồi lại về dưới xuôi.
 
Khi sức ngày một yếu, từ nhà đến các khu chợ cả chục cây số như thách thức người đàn ông ốm yếu và gầy còm này. Mấy năm gần đây, vì sức khỏe yếu nên cứ đến buổi chợ thì đứa cháu (con người anh trai) lại chở người chú bằng xe máy, đến bữa là đón về.
 
Dù thiếu thốn, nhưng đôi vợ chồng chưa một lời nặng nhẹ từ khi cưới nhau. Niềm mong ước, hi vọng lớn nhất của đôi vợ chồng là đứa con. Hỏi anh có định sinh thêm cháu nào nữa không? Anh Khiển nhỏn nhoẻn cười: “Mình không đủ sức để làm việc. Một đứa nuôi cho nó ăn học còn vất vả, đẻ nhiều là khổ đó”.
 
  • Ngọc Anh


Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc