Bác sĩ kê cả sữa tắm, nước rửa phụ khoa vào đơn thuốc?

( PHUNUTODAY ) - Nhưng có những bác sĩ vui tính tiện tay kê thêm cả sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa phụ khoa vào trong đơn thuốc thì mới là chuyện cười ra nước mắt.

(Phunutoday) - Chuyện bác sỹ kê toa lạ đời thuốc bệnh mất 1 đồng thì phải cõng thêm các loại thuốc bổ gấp đến 40 lần tưởng như đã khó coi lắm rồi. Nhưng có những bác sĩ vui tính tiện tay kê thêm cả sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa phụ khoa vào trong đơn thuốc thì mới là chuyện cười ra nước mắt.

[links()]

Đã từ lâu, chuyện các bác sỹ kê các loại thuốc bổ đắt tiền cho bệnh nhân đã không còn là chuyện hiếm hoi. Vẫn biết, thuốc bổ hoặc cùng lắm là thuốc không bổ nhưng không chết người thì nếu sẵn tiền cũng vẫn cố bấm bụng mà mua theo toa bác sĩ nhưng đâu phải gia đình nào cũng dư dât tiền nong? Ốm đau là tốn phí lắm. Nhưng nhìn nhiều toa thuốc mà đau mắt hột luôn vì thấy cùng là thuốc chữa bệnh với chức năng, công dụng như nhau, nhưng thay vì kê loại thuốc có giá thành rẻ để bớt chi phí cho bệnh nhân thì bác sỹ thường có xu hướng kê cái loại đắt tiền, ít phổ biến. Không chỉ thế, thuốc đặc trị bệnh chỉ mua mất 1, mà tiền mua thuốc bổ thì phải gấp 40 lần. Quái chiêu hơn, bác sĩ ngày nay còn kê cả sữa tắm vào trong đơn thuốc…

Thuốc chữa bệnh thì ít, thuốc bổ, thuốc vô bổ thì nhiều!

Chị Hoàng Thị Phượng (phường Văn Quán - Hà Đông - Hà Nội) mới đi khám bệnh tại bệnh viên Bạch Mai vào cuối tháng 7/2011 sau khi chị có triệu chứng đau bụng dài ngày. Tại đây, bác sĩ kết luận chị Phượng bị loét dạ dày và suy giảm chức năng gan. Đơn thuốc mà bác sĩ kê cho chị Phượng gồm 3 loại: Angati, Hepgaron, Bacivit. 

Mô tả ảnh.
 

 

Mô tả ảnh.
Đơn thuốc mà bác sỹ kê cho chị Phượng

 

Theo quy chế kê đơn thuốc điều trị ngoại trú được Bộ Y tế ban hành năm 2008 đã quy định rõ không kê đơn thuốc không nhằm mục đích phòng, chữa bệnh; không kê thuốc theo yêu cầu không hợp lý của người bệnh; không kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc. Và theo đúng quy định hiện hành, trường hợp kê đơn thuốc sai quy chế có thể bị xử phạt hành chính 5-10 triệu đồng.

Cầm đơn thuốc mà bác sỹ kê trong tay, chị Phượng chạy ra nhà thuốc của bệnh viện mua thuốc. Tại đây chị mới tá hỏa khi chỉ có 3 loại thuốc mà lên đến 1.152.000 đồng, trong đó có một loại men tiêu hóa bác sĩ kê thêm lên đến 504.000 đồng (cho 90 gói). Lỡ hỏi mua thuốc và đưa đơn cho dược sỹ nên chị Phượng đành xót xa móc tiền trong túi ra trả, rồi than thở: “Tiền mua thịt cá cho con còn chẳng có mà giờ tốn cả triệu bạc tiền mua thuốc... chẳng thà cố mà chịu đau cho xong”...

Được biết, Angati là một loại thuốc đường tiêu hóa, chỉ định loét dạ dày, loét tá tràng, loét miệng nối, viêm thực quản hồi lưu. Và trong đơn thuốc bác sỹ kê cho chị Phượng có giá đến 413.100 đồng/ 45 viên.

Còn Hepgaron là 1 loại “thuốc bổ” có nguồn gốc từ Hàn Quốc, điều trị hỗ trợ trong trường hợp suy chức năng gan, các rối loạn về da do suy giảm chức năng gan. Thành phần của loại thuốc này chỉ bao gồm các loại vitamin nên không phải là thuốc đặc trị, nhưng nó có giá 235.200 đồng/60 viên.

Đặc biệt, trong đơn thuốc của chị Phượng có một loại thuốc khá đặc biệt là Bacivit. Sở dĩ nói nó đặc biệt là ở chỗ, khi PV cầm đơn thuốc của chị Phượng đi hỏi rất nhiều dược sỹ, bác sĩ tại các bệnh viên lớn ở Hà Nội, nhưng gần như không ai biết gì về loại thuốc có tên là Bacivit này. Tra dược điển cũng không hề thấy có loại thuốc nào là Bacivit. Thông tin duy nhất mà PV tìm thấy chỉ là một dòng ngắn ngủi từ một webside trên mạng “Bacivit là một loại men tiêu hóa”. Và loại men tiêu hóa này có giá tới 504.000 đồng/90 gói. (Trong khi đó, có rất nhiều loại men tiêu hoá khác như Zymoplex, Triase… có chức năng, công dụng tương tự mà giá thành chỉ bằng 1/10).

Tuy nhiên, điều đáng nói trong đơn thuốc của chị Phượng là “chỉ có thuốc Angati có chức năng đặc trị bệnh của chị, còn thuốc bổ Hepgaron và men tiêu hoá Bacivit có điều kiện sử dụng thêm là tốt, nhưng có thể thay thế bằng nhiều loại thuốc có chức năng tương đương mà giá thành rẻ hơn rất nhiều.” (Theo Dược sỹ Nguyễn Thị Huyền nhà thuốc Minh Phúc, Kim Ngưu - Hai Bà Trưng – HN)

Một trường hợp khác mà trong đó bác sỹ chỉ kê 1 loại thuốc đặc trị, còn có tới 2 loại thuốc bổ, mà thuốc bổ đắt hơn 40 lần so với thuốc chữa bệnh.

Cháu Hoàng Tiến Đạt (xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, HN) bị táo bón nhiều ngày và được mẹ cùng cậu ruột đưa lên bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh. Tại đây, bác sỹ khám và kê cho cháu 3 loại thuốc: Sorbitol 5g, Bacivit và Vitamount. 

 

Mô tả ảnh.
 
Mô tả ảnh.
Đơn thuốc của cháu Hoàng Tiến Đạt

Sorbitol 5g thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, điều trị chứng bệnh táo bón và khó tiêu (có giá 12.317 đồng/ 30 gói).

Vitamount là một loại thuốc bổ dùng để phòng ngừa hay điều chỉnh những thiếu hụt vitamin liên quan đến ăn uống hoặc mất cân bằng ở người lớn và trẻ em (có giá 174.960 đồng/ 2 hộp). Thành phần của thuốc này bao gồm các vitamin và khoáng chất.

Còn Bacivit là loại men tiêu hoá như ở đã nói ở trên (có giá 336.000 đồng/60 gói).

Tổng số tiền mà mẹ cháu Hoàng Tiến Đạt phải bỏ ra để mua thuốc cho con là 523.000 đồng. Điều đáng nói ở đây là cháu Đạt bị táo bón nhiều ngày và thuốc đặc trị cho bệnh táo bón của cháu chỉ tốn hết 12.317 đồng (thuốc Sorbitol) còn 510.683 đồng là số tiền phải trả cho 2 loại thuốc bổ chỉ có chức năng hỗ trợ (gấp 41,5 lần) .

“Trẻ em thường hay bị táo bón và thiếu vitamin. Nhưng nếu chỉ bị nhẹ thì các bậc phụ huynh có thể điều chỉnh bữa ăn hàng ngày cho phù hợp, như ăn nhiều rau xanh, ăn khoai lang… có thể giúp giảm thiểu bệnh táo bón. Chỉ sử dụng các loại thuốc khi bệnh nặng và thực sự cần thiết. Các loại vitamin tổng hợp như Vitamount không nhất thiết phải sử dụng. Cách tốt nhất là nên bổ xung vitamin cho trẻ trong các bữa ăn hàng ngày.” – Theo bác sỹ Hoàng Lê Phúc (Khoa tiêu hoá - Bệnh viện Nhi đồng). 

Kê cả sữa tắm vào đơn thuốc?

Chuyện bác sĩ kê thuốc bổ đắt tiền vào trong đơn thuốc của người bệnh thì có lẽ không cần phải bàn luận thêm. Nhưng độc đáo hơn, bác sỹ ngày nay còn kê cả sữa tắm, nước rửa tay, nước rửa phụ khoa (không có chức năng đặc trị) vào cả trong đơn thuốc.

Theo phản ánh của chị Thanh Châu (trú tại quận Tân Bình, TP. HCM ) trên báo Sài Gòn tiếp thị (10/8), chị vừa sinh con (sinh thường) tại một bệnh viện chuyên khoa phụ sản của TPHCM. Trong các thủ tục xuất viện có kèm toa thuốc của bác sĩ. Chồng chị không hỏi kỹ toa thuốc mà thanh toán ngay tại quầy thuốc bệnh viện, nên khi về đến nhà kiểm tra mới thấy có nhiều thứ không cần thiết. Ngoài hai hộp thuốc bổ đắt tiền, trong toa thuốc còn ghi: chai sữa tắm bé (giá 141.500 đồng/250ml), chai nước rửa tay (giá 35.500 đồng/100ml).

Công dụng của chai sữa tắm (Saforelle) và nước rửa tay (Softa-Man) ghi trong đơn thuốc này cũng không có chức năng gì đặc biệt, trừ việc có giá đắt hơn những nhãn hiệu phổ biến khác.

Bên cạnh đó, cô em họ của chị Châu khi đi khám phụ khoa định kỳ tại một bệnh viện công, bác sĩ chẳng nói chẳng rằng kê chai nước rửa phụ khoa vào trong đơn thuốc, dù em chị chẳng hề mắc bệnh gì.

Không những vậy. trong các toa thuốc của con gái chị (4 tuổi) cũng thường kèm theo nhãn hiệu xirô bổ sung vitamin hoặc kích thích ăn, dù bé không suy dinh dưỡng.

 

 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến:
Cần phải đào tạo lại y đức

“Cần phải có các lớp đào tạo lại về y đức cho nhân viên y tế. Y đức của truyền thống là bảo mật thông tin người bệnh, ân cần chăm sóc người bệnh nhưng y đức của thời cơ chế thị trường còn phải là: kê đơn, là chỉ định chẩn đoán xét nghiệm. Tại sao đơn thuốc cứ kê 5-7 thuốc trong khi có thể là đơn 2-3 thuốc? Tại sao không kê thuốc tên gốc để bệnh nhân có thể mua với giá vài trăm ngàn mà cứ kê tên thương mại khiến người bệnh phải mua với số tiền đến cả triệu, thậm chí vài triệu đồng? Tại sao vẫn còn tình trạng chỉ định chẩn đoán, xét nghiệm quá mức cần thiết? Đó chính là y đức”



GS.TS Nguyễn Đức Hinh - Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội:

Từ tháng 9, ĐH Y Hà Nội sẽ đưa một môn học mới mà không mới vào chương trình giảng dạy cho sinh viên Y1-Y5: y xã hội học và y đức.

Dược sỹ Nguyễn Thị Huyền nhà thuốc Minh Phúc:

Với một người chuyên bán thuốc như tôi thì không còn lạ chuyện bác sỹ kê thêm nhiều thuốc bổ, thực phẩm chức năng hay những thứ không liên quan vào đơn thuốc. Vấn đề này đã, đang và sẽ còn diễn ra nếu như Bộ Y tế không có những biện pháp xử lý mạnh. Suy cho cùng cũng nằm ở 2 chữ “y đức” của những người khám chữa bệnh.

Bác sỹ Phạm Đức Thịnh - Bệnh viện tư nhân Nguyễn Trường Tộ:

Chuyện kê sữa tắm, nước rửa phụ khoa vào trong đơn thuốc thì cũng có, nhưng chỉ đối với những người có bệnh và phải sử dụng sản phẩm đặc trị. Còn với những người không có bệnh, hoặc kê những sản phẩm vô bổ vào trong đơn thuốc nhằm mục đích chiết khấu hoa hồng là điều không thể chấp nhận được, vì hoàn toàn vi phạm quy chế của Bộ Y tế. Với những trường hợp như thế cần phải có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
 

 

  •  Duyên Duyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn