Thần bí kỳ tài: Quỷ Cốc Tử
Quỷ Cốc Tử tên là Vương Thiền, tự Hủ, Đạo hiệu là Quỷ Cốc, người thế gian gọi ông là “Quỷ Cốc Tử” và “Vương Thiền Tổ Sư”. Tên của Quỷ Cốc Tử là có nguồn gốc từ nơi sinh của ông là ở núi Quy Cốc, tỉnh Hà Nam. Bởi vì chữ “Quy” phát âm gần giống với chữ “Quỷ”, vì vậy ông lấy chữ “Quỷ” làm tên của mình. Nhưng, không hiểu có phải do “an bài” hay ngẫu nhiên mà cái tên này lại khiến cho Quỷ Cốc Tử vốn đã thần bí “thoắt ẩn thoắt hiện” lại càng thêm sắc thái thần bí.
Người thế gian công nhận, Quỷ Cốc Tử là thủy tổ của Tung Hoành Gia (một học phái trong Cửu Lưu thập gia, thiên về nghệ thuật ngoại giao xuất hiện trong thời kỳ Chiến Quốc ở Trung Quốc). Ông là sư phụ của nhiều đệ tử tài giỏi xuất chúng như Tô Tần, Trương Nghi, Tôn Tẫn, Bàng Quyên…Cho nên, thế nhân nhiều đời đều ca ngợi ông là bậc kỳ tài.
Những ghi chép đầu tiên về Quỷ Cốc Tử là đến từ cuốn “Sử ký” của Tư Mã Thiên. Trong “Sử ký. Tô Tần liệt truyện” có viết rằng Tô Tần, người ở thành Lạc Dương, nhà Đông Chu là học trò của Quỷ Cốc Tử tiên sinh. Trong “Sử ký. Trương Nghi liệt truyện” cũng viết: Trương Nghi người nước Ngụy, là bạn học với Tô Tần, cùng là học trò của Quỷ Cốc Tử.
Tô Tần thường than là không tài giỏi bằng Trương Nghi. Trong cuốn “Quận trai độc thư chí” của Công Vũ thời Đại Tống có viết về ông: Thời Chiến Quốc, ông ẩn cư ở vùng núi cao rừng rậm thuộc đất Dương Thành nhà Chu, lấy tên hiệu là Quỷ Cốc, là thầy dưỡng tính trị thân của Tô Tần và Trương Nghi.
3 chữ đơn giản của Quỷ Cốc Tử hóa giải mọi khó khăn
1. "Ngộ hoành nghịch chi lai mà không giận"
Chữ đầu tiên mà Quỷ Cốc Tử để lại chính là chữ "Giận". Cả câu này có nghĩa là: "Nếu gặp phải nghịch cảnh khó khăn, đừng mất thời gian để tức giận hay phàn nàn."
Trong cuộc sống, 10 điều phải có đến 9 điều không như ý muốn. Không thể trái ý một chút chúng ta lại nổi trận lôi đình, trút giận lên đầu người xung quanh.
Hành vi thiếu suy nghĩ và khôn ngoan như vậy không giúp vấn đề được giải quyết mà chỉ khiến mối quan hệ với mọi người xung quanh trở nên tồi tệ hơn.
Khi không thể kìm chế cảm xúc, chúng ta rất dễ làm ra những hành động để sau này phải hối hận.
Vì vậy, cho dù đang phải đối mặt với khó khăn, nghịch cảnh cỡ nào, trước tiên hãy bình tĩnh để tìm hiểu mọi thứ, và sau đó nghĩ biện pháp ứng phó.
Phản ứng đầu tiên của một người thực sự thông minh khi gặp vấn đề phải là tỉnh táo tìm cách giải quyết chứ không phải tức giận hay phàn nàn.
2. "Tao biến cố chi khởi mà không kinh"
Chữ thứ hai Quỷ Cốc tiên sinh muốn dạy các học trò của mình là chữ "Kinh". Cả câu trên dịch nghĩa có thể hiểu là: "Khi gặp phải một biến cố thay đổi đột ngột, đừng hoảng sợ."
Cuộc sống không thể mãi mãi suôn sẻ, mọi sự thuận buồm xuôi gió. Khi đứng trước những ngã rẽ mang tới biến cố thay đổi cả cuộc đời sau này, khả năng thích ứng của một người sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành tích của anh ta.
Nếu đối mặt với ít biến động mà đã đánh mất bình tĩnh, hoang mang lo sợ, bạn không thể xây dựng niềm tin vững chắc cho những người xung quanh.
Muốn làm được việc lớn, cho dù trời sụp núi đổ trước mặt, chúng ta cũng phải giữ trạng thái tốt nhất, tỉnh táo ứng phó với những trường hợp thay đổi xung quanh, phân tích ưu và nhược điểm của từng thay đổi đến từ môi trường, từ đó tìm ra hướng phát triển đúng đắn nhất cho bản thân phù hợp với sự thay đổi đó.
Ngược lại, nếu không thể khống chế cảm xúc của mình, bạn đang dâng thẳng cơ hội vào tay người khác.
3. "Đương phi thường chi báng mà không biện"
Chữ cuối cùng mà Quỷ Cốc Tử gửi gắm lại chính là một chữ "Biện" trong "biện giải", "giải thích".
Cả câu trên có nghĩa là: "Khi bạn bị người khác phỉ báng, chỉ trích nói xấu, không cần thiết phải phản bác và giải thích với đối phương."
Khi bị người khác chỉ trích, phản ứng đầu tiên của một người khôn ngoan không phải là tranh luận, cãi nhau ầm ỹ mà cần suy xét lại hành vi của chính mình, liệu rằng những lời buộc tội đó có hợp lý hay không.
Nếu đó là lời chỉ trích mang tính thiện ý, giúp chúng ta nhận ra sai lầm và kịp thời khắc phục thì chúng ta còn phải biết ơn họ.
Trong trường hợp bị "đặt điều nói xấu" một cách vô lý thì chúng ta có giải thích cũng chẳng đem lại tác dụng gì.
Người ta chỉ tin vào những điều bản thân muốn tin và nghe những điều bản thân muốn nghe. Cho dù bạn giải thích hết nước hết cái, trong mắt họ, đó cũng chỉ là lời ngụy biện mà thôi.