Bài “sấm truyền” và cuộc khai quật mộ tìm kho báu

21:13, Chủ nhật 11/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Dân gian vẫn truyền nhau về một đoạn thơ như bài sấm truyền có nội dung ám thị hệt như bản đồ dẫn đến một kho báu.

Đời sống) -Trong thời gian khai phá phương Nam, họ Mạc đã xây dựng Hà Tiên thành thủ phủ. Tuy dưới quyền của nhà Nguyễn, nhưng họ Mạc có những quyền tự trị nhất định, có quân đội, tài chính, ngoại giao riêng.

Giai đoạn cực thịnh của “vương quốc” họ Mạc khi Mạc Thiên Tích làm Tổng binh trấn Hà Tiên, trong đó hoạt động giao thương buôn bán rất phát triển. Khi “cường quốc” ở xứ Tây Nam này lụi tàn, đã có nhiều nghi hoặc về một kho báu bí ẩn nằm dưới những khu lăng mộ. Dân gian vẫn truyền nhau về một đoạn thơ như bài sấm truyền có nội dung ám thị hệt như bản đồ dẫn đến một kho báu.

Bài “sấm truyền” ám thị kho báu

Khi nói về thời hoàng kim của dòng họ Mạc ở Hà Tiên, người ta vẫn hay nhắc đến một khối tài sản khổng lồ truyền đời cho hậu thế.

Để con cháu trong dòng họ đời sau biết đường tìm ra, tiền nhân đã làm ra một bài thơ được mã hóa, mà duy chỉ có người trong dòng tộc mới hiểu được. Cơ sở để suy luận về một kho báu là họ Mạc trong quá khứ từng có một giai đoạn cực thịnh.

 Đó là thời kỳ Mạc Thiên Tích nối nghiệp chức Tổng binh trấn ở xứ Hà Tiên. Ông là người giỏi giang, văn võ song toàn, biết nhìn xa trông rộng.

Dưới đường lối lãnh đạo của ông, “tiểu quốc” này (thực ra lúc này xứ Hà Tiên độc lập như một quốc gia thực thụ) nhanh chóng giàu mạnh, vị thế ảnh hưởng sang các nước lân bang, trong đó có một giai đoạn nhà vua Cao Miên cũng phải phục tùng.

Theo những tư liệu lịch sử do nhà nghiên cứu Hà Tiên Trương Minh Đạt cung cấp, họ Mạc có thành quách, được tổ chức quân đội, được phép in tiền riêng. Không những thế, họ có tầm nhìn nhạy bén trong ngoại giao để phát triển kinh tế.

Họ Mạc chủ trương mở rộng giao thương với một số nước lớn ở Bắc Á như Nhật Bản, Triều Tiên và vùng Quảng Đông (Trung Quốc) cùng hầu hết các nước ở Đông Nam Á.

Để tiện bề giao thương, họ Mạc có đội tàu buôn rất hùng hậu cũng như luôn mở cảng đón các tàu buôn ở phương Tây đến trao đổi hàng hóa.

Hà Tiên lúc đó thực sự trở thành điểm son hết sức sầm uất trên bản đồ vùng Đông Nam Á dưới sự lãnh đạo của một dòng tộc giàu có, đó là họ Mạc.

Lời
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt chỉ nơi cửa phải Tam quan lăng họ Mạc bị bịt kín, là dấu tích viên quan Pháp bị sét đánh ngã ngựa.


Một suy luận có căn cơ nữa là họ Mạc có nguồn gốc từ Trung Quốc (họ Mạc quê ở Quảng Đông, Trung Quốc ngày nay) nên theo truyền thống táng mộ theo lối phong kiến xưa, chắc chắn khi quan tướng tạ thế sẽ chôn theo tài sản.

Hiện nay, tại núi Bình San ở thị xã Hà Tiên, còn tồn tại một hệ thống lăng mộ họ Mạc rất lớn, không khác gì mộ của vua quan nhà Nguyễn.

Trong những ngày về thủ phủ của “vương quốc” họ Mạc xưa, chúng tôi đã đặt lại vấn đề này. Qua tìm tòi từ nhiều nguồn tư liệu lịch sử, nhân chứng hậu thế, gặp gỡ chuyên gia nghiên cứu, chúng tôi nhận được nhiều quan điểm khác nhau.

Bài “sấm truyền” ám thị một kho báu người ta truyền nhau vẫn còn đó. Trong quá khứ, lịch sử cũng đã ghi nhận, vào năm 1911, tại khu lăng mộ của dòng Mạc ở Hà Tiên đã từng xảy ra chuyện quan Tây Pháp khai quật mộ để tìm kho báu.

Thực sự họ Mạc có hay không một kho báu khổng lồ mà lâu nay người ta vẫn đồn đại? Khi mọi chuyện chưa thể ngã ngũ thì một loạt vấn đề bấy lâu nay được dư luận đặt ra: Cụ thể, đoạn thơ “sấm truyền” này có nội dung như thế nào?

Tên bài đó là gì, do ai làm ra? Thời gian xuất hiện đoạn thơ này là khi nào? Và đã là bí mật rồi thì tại sao lộ ra ngoài? Tất cả đều lắc đầu, không ai có thể lý giải nổi.

Nói về tính ám thị kho báu, bấy lâu nay người dân ở Hà Tiên vẫn thuộc làu từng câu chữ ở đoạn thơ sau: “Trời tây bóng ngã bóng chênh chênh/ Soi vào hang đá long lanh ngọc vàng/ Vàng trong hang đá/ Vàng chói sáng lòa/ Vọng lên lầu các nguy nga/ Ao sen nở trắng trước tòa khói hương”. Nếu đặt cạnh chuyện kho báu mà suy thì đoạn thơ có tính chất ám chỉ rất rõ, giống như một tấm bản đồ chỉ đường dẫn đến kho báu được mã hóa bằng thơ.

Bám theo ẩn ý nội dung mô tả, người ta đã suy luận như sau: Khi mặt trời chiếu từ hướng tây sang, ở thời điểm đó bóng sẽ rọi đến nơi có chứa kho báu (vị trí kho báu?!).

Câu “soi vào hang đá long lanh ngọc vàng”, từ “hang đá” ám chỉ khu lăng mộ, là khu mộ táng bằng thạch (đá) trong đó có hang, nơi đặt kho báu?! Các từ ở hai câu sau như: “nguy nga”, “lầu các”, “sen nở”… đều gợi lên một khối châu báu khổng lồ.

Còn ở một đoạn khác, bài “sấm truyền” lại tiếp: “Bờ tre xanh xanh/ Hái lá nấu canh/ Canh ăn hết canh/ Vị cay thanh thanh”. Suy luận: sẽ có một ngày kho báu bị khai quật.

Đó là lúc bờ tre quanh núi Bình San, nơi có khu lăng mộ của họ Mạc, bị phá hủy, “canh ăn hết canh” ứng với hết năm Canh Tuất (1910) thì ngôi mộ bị phá. Hai từ “vị cay” nghĩa là tân (năm mới), ứng với Tết, đó là Tết Thanh Minh năm Tân Hợi (1911), kho báu bị phát hiện.

 Ngược dòng lịch sử thì đúng với sự kiện viên Chánh Tham biện Pháp là Roux Serret đã khai quật mộ bà Hiếu Túc Thái phu nhân (vợ cả Mạc Thiên Tích) vào năm này.

Như thế, nếu gộp ý nghĩa hai đoạn lại mà suy thì nếu con cháu không tìm ra kho báu, vào năm 1911 ắt sẽ có người đến đào lấy đi. Xin nhắc lại, sau cuộc khai quật mộ bà Hiếu Túc Thái phu nhân đã dấy lên một dư luận đồn đại rằng, kho báu họ Mạc là có thật và dự báo khu mộ bị phá hủy vào năm 1911 là đúng?!

Viên tỉnh trưởng Pháp khai quật kho báu bị tiền nhân “nổi giận”

Đầu thế kỷ XX, Việt Nam nằm dưới quyền cai trị của chế độ thực dân Pháp. Đứng đầu tỉnh Hà Tiên là viên Chánh Tham biện Roux Serret, là một người cực kỳ am hiểu Hà Tiên và lịch sử dòng họ Mạc.

Những năm tháng cai trị mảnh đất Hà Tiên, ông ta biết rằng Mạc Thiên Tích là một người rất giỏi và giàu có.

Sau khi kế nghiệp cha mình, Mạc Thiên Tích đã xây dựng nên một “tiểu bang” phương Nam trù phú, triều đình cực thịnh, kinh tế phát triển.

Với lòng tham của mình, ông ta luôn có ý định chấp chiếm khối tài sản khổng lồ của tiền nhân và suy luận rằng, khối tài sản khổng lồ đó được giấu không nơi nào khác ngoài những khu mộ của dòng họ Mạc.

Xin nói thêm về bối cảnh lịch sử miền Nam đầu thế kỷ XX. Giai đoạn này, thực dân Pháp bắt đầu đẩy mạnh công cuộc khai thác thuộc địa. Hà Tiên lúc bấy giờ giao thông đường bộ còn khó khăn, nhiều đầm phá thấp trũng.

Với chủ trương mở đường phục vụ cho công cuộc khai thác và bóc lột, viên quan Pháp nhân cớ làm đường đã đưa núi Bình San vào dự án đào đất. Tất nhiên, toàn bộ khu lăng mộ dòng họ Mạc nằm gọn trong tầm “quy hoạch” của hắn.

 Tư liệu của họ Mạc từ lời kể của cụ Thiềm Văn Tường - con rể ông Mạc Tử Khâm (mất tháng 7 năm 1988) - ghi lại rằng: “Thời đó (1911), người Pháp nỗ lực đắp đường, xây lộ trong tỉnh lỵ Hà Tiên. Viên tỉnh trưởng trực tiếp đốc thúc công trình đào ao lấy đất và phá núi, (núi Bình San ngày nay) lấy đá làm đường...”.

Những khối đất, đá ở núi Bình San bị viên quan tham chỉ đạo công nhân hùng hục đào ngày đêm, khi đến khu mộ bà Hiếu Túc Thái phu nhân, viên tỉnh trưởng phải huy động nhiều đoàn tù khổ sai cật lực làm việc.

Khi đến phạm vi mộ của bà thì đất đá rất cứng, nhiều đoàn tù phải chịu thua, viên quan tiếp tục ra lệnh phá cho bằng được khu mộ. Cuối cùng, đến 10 ngày sau, toán khổ sai mới phá được nắp quan tài ra.

Nhưng sự thực không được như hắn nghĩ, số tài sản trong “kho báu” mà tên tham quan này dự đoán cũng chỉ là một vài cái trâm cài tóc, vòng trang sức đeo tai, cổ của nhà Phật... ít giá trị.

Thất vọng, hắn tức tốc đem trả lại cho con cháu họ Mạc, đồng thời ra lệnh di chuyển mộ bà Hiếu Túc Thái phu nhân về khuôn viên khu mộ dòng họ Mạc (nay nhìn từ trên xuống, cách mộ Mạc Cửu khoảng 20m, nằm bên phải).

Chi tiết mà người ta cho rằng viên quan Pháp đã bị tiền nhân nổi giận trả thù vì hắn đã dám động đến “tài sản bất khả xâm phạm” là chuyện hắn bị sét đánh ngã ngựa lúc đi thị sát thi công đường nơi gần khu mộ.

Trong tài liệu của nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt ghi lại sự kiện này như sau: Mấy ngày sau, y cưỡi ngựa đi thăm công trường thi công ở núi Bình San. Khi đến khu lăng họ Mạc thì một cơn giông bất chợt ập đến.

Sấm sét, mưa gió ầm ầm nổi lên. Sợ quá, viên quan Pháp vội nép ngựa vào một gốc phi lao lớn nhất, cạnh lăng họ Mạc. Đang ngồi trên lưng ngựa trú mưa, bỗng một tiếng sét dữ dội đánh xoẹt, trúng ngay cây phi lao nơi y đứng làm cành cây gãy xuống, đè ngay cửa tam quan bên phải của lăng.

Một nhánh phi lao rơi trúng ngay con ngựa của y, làm nó giật mình lồng lên, hí một hơi, hất tung viên quan Pháp rơi xuống đất và bị thương nặng.

Sự việc này xảy ra chỉ ít ngày sau khi mộ của phu nhân Mạc Thiên Tích bị cạy phá, khiến viên quan hết sức hoang mang và tin rằng hắn đã khuynh động đến lời nguyền của tiền nhân.

Ngay sau khi bình phục, hắn vội làm lễ khấn vái, tạ lỗi rồi cho các thợ xây làng Mỹ Đức (nay là xã Mỹ Đức) gần đó đến xây kín cổng tam quan bên trái, nay vẫn còn dấu tích. Cũng từ đó, viên quan Pháp không dám bén mảng đến khu lăng “linh thiêng” này nữa. Tất nhiên, công trình đào đất ở núi Bình San cũng dừng ngay sau đó.

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt nói thêm, hàng phi lao mang dấu tích “nổi giận” của tiền nhân xưa nằm ngay trước khu mộ họ Mạc, thuở bé ông và đám bạn vẫn hay ra hóng mát, nhưng qua biến động thời gian nay không còn nữa.
 
Lời giải mã kho báu

Những điều như đã nêu có sự xâu chuỗi, liên hệ với nhau gần như theo đúng logic bản chất, hay chỉ là sự trùng hợp vô tình? Các tình tiết câu chuyện liên quan đến kho báu ly kỳ đến khó tin, về tính chỉ dẫn và dự báo của bài “sấm truyền”.

1
 Khu vực mộ của bà Hiếu Túc Thái Phu Nhân bị viên quan Pháp ra lệnh đào đất khai quật tìm kho báu (cách mộ cũ khoảng 500 m về phía Đông).


Sự việc viên quan Pháp bị sét đánh té ngựa, cửa tam quan khu mộ họ Mạc cành cây gãy sập... tất cả xảy ra sau khi ngôi mộ bị phá như một lời nguyền mà bài “sấm truyền” của tiền nhân đã dự báo từ hàng trăm năm trước.

Đó có phải là dấu hiệu bà Hiếu Túc Thái phu nhân hiển linh, thay mặt dòng họ báo oán? Vấn đề này đã làm dấy lên một cuộc tranh luận bất phân ngay tại thời điểm sự việc xảy ra. Một số cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng không ít người vẫn tin vào những gì thực tế đã xảy ra.

Trải qua hàng thập kỷ, bí mật vẫn là bí mật, nhiều người đã cố giải mã ẩn ý của bài “sấm truyền” để khẳng định có hay không một kho báu nhưng đều không thành. Qua nghiên cứu nhận thấy, bản chất mấu chốt của vấn đề chính là nguồn gốc của bài “sấm truyền”.

Vậy tấm “bản đồ” được mã hóa bằng thơ này do ai làm ra? tại thời điểm nào? Và vì sao đã là bản đồ kho báu trong nội bộ họ Mạc lại bị lộ ra ngoài khiến ai ai cũng đều biết? Mở được “chiếc khóa” này sẽ giải mã tất cả những nghi hoặc bấy lâu.

Chúng tôi đem trăn trở này tiếp tục tìm đến “pho từ điển sống” về Hà Tiên là nhà nghiên cứu Hà Tiên - ông Trương Minh Đạt.

Hiện nay, ông là Phó Ban quản lý di tích lịch sử núi Bình San, người có hàng chục năm nghiên cứu về mảnh đất Hà Tiên và lịch sử khẩn hoang lập đất của dòng họ Mạc. Chúng tôi đã đưa ra vấn đề kho báu họ Mạc nhờ ông tham vấn.

 Tuy nhiên, sau khi nghe câu chuyện, ông tỏ ra rất bất ngờ. Ông còn không thể tin cái gọi là bài “sấm truyền” hay “bản đồ” kho báu của dòng họ Mạc lẫy lừng trên mảnh đất Hà Tiên từ xưa đến nay.

Khi nghe chúng tôi trình bày tất cả ngọn nguồn câu chuyện, ông cười xòa: “Tất cả chỉ là sự hiểu nhầm của lịch sử mà thôi”, rồi ông trịnh trọng lấy ra một cuốn sách ố màu, lật từng trang cho tôi xem.

Đoạn thơ được gọi là bài “sấm truyền” về kho báu họ Mạc nằm xen lẫn giữa những dòng văn. Nhìn trang bìa thì hóa ra đây lại là một tác phẩm văn học mang tên “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” của tác giả Mộng Tuyết - vợ của tác gia lớn Đông Hồ ở Hà Tiên.

Đây là tác phẩm bà viết theo thể loại ngoại ký sự tiểu thuyết, có tính chất văn học. Đoạn thơ người ta gọi là “sấm truyền” trên nằm trong chương X mang tên “Tiểu thư Mạc Mi Cô”.

Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt khẳng định: “Tất cả nội dung hai đoạn thơ đó do bà Mộng Tuyết hư cấu mà ra, hoàn toàn không liên quan gì đến kho báu”.

Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tiếp tục tìm đến pho sách lưu trữ tại nhà lưu niệm Đông Hồ (thị xã Hà Tiên), nơi nữ sĩ Mộng Tuyết sống lúc cuối đời, nay được bà Lâm Thị Hoa (cháu nhà thơ Đông Hồ) thừa kế, trông giữ.

Bà Hoa trịnh trọng dẫn chúng tôi đi tìm nguồn gốc của bài “sấm truyền” kho báu. Khi nghe đoạn thơ, bà Hoa lấy ra một cuốn sách thuộc thư mục lưu trữ về tiểu thuyết của nữ sĩ Mộng Tuyết, rồi giở đến giữa cuốn, hóa ra cùng quan điểm và dẫn chứng như nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt.

Bà khẳng định: Đoạn thơ trên là một hư cấu của thi sĩ Mộng Tuyết viết trên Sài Gòn (cũ) vào khoảng năm 1959 - 1960, chứ không phải viết ở Hà Tiên, do NXB Bốn Phương ấn hành năm 1960.

Bà nói thêm, vì tính ám chỉ của nó mà ngay thời kỳ ra đời, tác phẩm đã gây ra sự hiểu nhầm trong dư luận. Nhiều lần, vợ chồng Mộng Tuyết - Đông Hồ phải khổ sở đính chính, thật khó tin khi “lịch sử nhầm lẫn” lần nữa bị lặp lại.

 Xét ở góc độ lịch sử, đoạn thơ ra đời cách thời đại của họ Mạc hàng trăm năm (Mạc Cửu khai phá Hà Tiên vào năm 1700) thì càng quá vô lý khi lời “sấm truyền” hay “bản đồ kho báu” lại do người đời sau làm ra cho người đời trước. Như vậy, đến nay, bài “sấm truyền” về kho báu đã hoàn toàn được giải mã.

Chuyện viên quan Pháp bị người xưa nổi giận là sự thực hay chỉ là ngẫu nhiên thì chưa thể biết. Còn sự thực dòng họ Mạc có để lại tài sản cho hậu thế hay không, đến nay vẫn là một điều bí ẩn của người thiên cổ, không ai có thể khẳng định.

Hiện nay, hơn 40 ngôi mộ của dòng họ Mạc vẫn yên vị trên núi Bình San thơ mộng và thanh tĩnh. Có chăng chỉ những lòng tham đâu đó mới liên tưởng đến một kho báu giàu có mà thôi.

Mã Phong - Hải Đăng
[links()]
 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc