Bài văn gây sốc đã đánh thức tình người...

( PHUNUTODAY ) - Sự vô cảm ở đây tức là con người thờ ơ với đồng loại, nó quên đi nỗi đau của đồng loại, nó không biết đồng loại của nó đang sống như thế nào nên nó để cho cái ác tồn tại và phát triển. Bài văn đã động đến sự vô cảm của con người trong xã hội với đồng loại của mình...


[links()]
Bài văn nghị luận có đề bài: "Nêu quan điểm của anh/chị về vai trò của đồng tiền trong cuộc sống" đã được Nguyễn Trung Hiếu, một cậu học sinh trường chuyên Hà Nội - Amsterdam trả bài bằng bức thư gửi mẹ đã khiến không ít người cảm động rơi nước mắt. Báo Phunutoday xin trích đăng những chia sẻ, góc nhìn của một số giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP về vấn đề này:

 Bài văn của Nguyễn Trung Hiếu
Bài văn của Nguyễn Trung Hiếu

Việc học văn đang có một sự lệch lạc lớn...
 
 
 
- TS. Chu Sơn -
Tôi đã đọc, và mới chỉ vài dòng đầu thôi đã thấy rưng rưng nghẹn ngào trong lòng rồi. Có lẽ khó ai cầm lòng được khi đọc bài văn ấy. Càng đọc càng xúc động mạnh hơn. Xúc động về một cảnh ngộ trớ trêu của gia đình em Hiếu. Xúc động về cách sống đùm bọc chia sẻ đầy hi sinh của các thành viên gia đình. Và hơn hết là xúc động trước tấm lòng của em dành cho mẹ mình và cả những suy nghĩ sâu xa, chín chắn của một đứa con ngoan sống trong một gia cảnh nặng nề.
 
Em Hiếu đã viết rất chân thật. Chỉ có sự chân thực của tấm lòng mới đánh động được tấm lòng của người khác thôi. Nó làm cho con người biết thương xót và quí trọng nhau hơn.

Hơn nữa, tôi không nghĩ đây là một bài văn. Nó là cái gì cao hơn một bài tập làm văn thông thường. Đây là bức thư của một tấm lòng. Tôi coi nó còn quan trọng hơn cả một bài văn, vì nó là cái gốc của văn. Đây là điều tôi hằng mong mỏi ở người học văn. Lâu nay, có dịp đi dạy ở bất cứ đâu, tôi cũng coi trọng điều này.

Tôi tin rằng khi một tấm lòng chân thực được nói lên một cách chân thật thì đó là văn. Vì thế, toàn bộ cái gọi là làm văn ở nhà trường, theo tôi chỉ qui về hai việc thôi : một là, làm thế nào để bồi đắp và khơi dậy những tấm lòng; và hai là, làm thế nào để diễn đạt được tấm lòng ấy ra thành lời nói chân thực. Đấy mới là cái gốc của việc quan tâm đến chủ thể, mới là sáng tạo.

Môn làm văn của ta ít quan tâm đến khâu thứ nhất (người ta cho rằng đó là việc của các bộ môn khác) chủ yếu chỉ quan tâm đến khâu thứ hai, nên hiệu quả cao nhất, nếu đạt được, sẽ chỉ là đào tạo học trò thành "thợ viết" thôi. Nghĩa là, về thực chất nó không thực chăm lo đến cái gốc của văn mà chỉ quan tâm nhiều đến cái ngọn của văn thôi.

Tôi cho rằng việc học văn của ta nói riêng và việc học hành ở ta hiện nay nói chung đang có một lệch lạc lớn. Đó là HỌC ĐỂ THI. Đành rằng không thi thì không đánh giá được việc học. Nhưng nếu chỉ học nhắm vào thi cho đỗ, thì vô cùng tai hại. Nó khiến người ta dạy gạo, học gạo, tức chỉ dạy những gì cần cho thi, chỉ học những gì để thi được. Việc thầy đọc trò chép và làm bài theo mẫu là khởi từ đó. Và chủ nghĩa thực dụng trong giáo dục chính là đấy.

Đối với môn văn thì đây là lối dạy và học ngắn nhất để giết chết văn, giết chết sáng tạo. Nó sẽ làm xơ xác nền giáo dục này và cũng sẽ làm xói mòn cả những giá trị nhân văn của con người nữa. Việc này đã được những người tâm huyết đánh động. Nhưng chả thấy có thay đổi gì đáng kể. Bởi tình trạng thì đã quá trầm trọng, còn nguyên nhân thì vừa nằm trong ngành giáo dục vừa thuộc cả lỗi hệ thống. Nên cần phải có một thay đổi lớn và đồng bộ mới mong khắc phục được.

Bài văn đánh vào sự vô cảm!

 
 
- Thầy Lê Nguyên Cẩn -
Đây là một bài văn gây nhiều xúc động về sự hiếu thảo của một người con đối với gia đình khốn khó. Nó đã tạo ra một niềm tin: Bà mẹ cũng tin tưởng rằng việc tiết kiệm của mình cũng mang lại cho các con của mình những điều tốt đẹp và cậu bé cũng vậy tin tưởng rằng tiền tết kiệm của mình sẽ làm mẹ đỡ đau, giúp mẹ có tiền để đi xe ôm, được nằm trong phòng chữa bệnh dịch vụ... tất cả những cái ấy nó là cái tình của con người với con người với nhau.

Trong xã hội của chúng ta có 1 điều dẫn đến sự băng hoại các mối quan hệ đó là sự vô cảm trước cái đau, trước cái ác, vô cảm trước người khác. Giữa con người với con người dường như là lạnh nhạt, không có mối quan hệ gì hết. Bức thư này đánh vào cái sự vô cảm ấy. Sự vô cảm ở đây tức là con người nó thờ ơ với đồng loại, nó quên đi nỗi đau của đồng loại, nó không biết đồng loại của nó đang sống như thế nào nên nó để cho cái ác tồn tại và phát triển. Bài văn đã động đến sự vô cảm của con người trong xã hội với đồng loại của mình...

... Một tác phẩm như vậy người ta viết ra để làm gì. Người ta viết ra không phải là kể chuyện, viết ra để khơi dậy cái tình người trong con người. Khi mà người ta nói đến cái ác, những cái xấu trong xã hội, phanh phui tất cả cái đó ra ta mới thấy được phương diện tố cáo. Ta còn thấy nhà văn, nhà thơ kêu gọi con người đừng bắt chước cái đó. Đề văn này không phải là đề văn hay nhưng nó mang tính thực tiễn, đề cập tới một vấn đề thẳng, tạo ra một quan niệm về đồng tiền.

Văn chương đích thực nó đi vào tâm hồn con người, thức tỉnh con người, tình cảm con người. Thế còn văn chương giả tạo, cố gắng đẽo gọt câu chữ thì nó sẽ không tạo ra điều chi hết. Giá trị cao nhất của bài văn là đánh thức tình người, kêu gọi con người sống có trách nhiệm với nhau.

Bài văn đã gây được xúc động  bởi cảm xúc tích cực

 
 
- PGS.TS Hà Thị Hoà -
Bài văn là bức thư tâm sự với mẹ, tuy em không viết đúng yêu cầu nhưng tôi thực sự xúc động về tình cảm của em dành cho mẹ. Việc gia đình khó khăn mà em tìm mọi cách để tích cóp là một điều tốt và rất hiếu thảo. Bài văn đã gây được xúc động của hàng trăm độc giả bởi cảm xúc tích cực của em. Họ xúc động bởi thương cái tình thương đối với sự nghèo khổ của một gia đình. Hơn thế đó là sự khâm phục, cảm động, mến thương trước hành động của một cậu bé như thế.

Em mới học lớp 11 nhưng cách nghĩ của em rất sâu sắc và chín chắn. Em ấy ghét tiền vì gia đình em khốn khó, phải xoay xở đủ đường thì mới có được đồng tiền và nó quan trọng đến mức mà không có nó thì sự sống của mẹ em không còn. Nhưng không chỉ vậy, em cũng biết quý tiền và tôn trọng tiền bởi em luôn biết ơn những người hảo tâm đã giúp mình. Rồi em tin rằng với sự thấu hiểu lẫn nhau giữa những người trong gia đình nhà em vẫn có thể sống yên ổn để đồng tiền không thể đóng vai trò cốt yếu trong việc quyết định hạnh phúc nữa. Tôi đánh giá cách suy nghĩ ấy, em biết phân biệt cái tốt, cái xấu của đồng tiền, biết được giá trị của nó ở mức độ nào. Chứng tỏ em rất sâu sắc và chín chắn.

Nếu là tôi, tôi sẽ cho thêm 0,5 điểm nữa thành 9,5 điểm, cách viết từ cảm xúc chân thành đó đã thực sự lay động lòng người. Nó không giống với những bài văn viết theo khuôn mẫu có sẵn từ những bài giảng thầy đọc, trò chép, rất nhàm chán. Muốn không còn những bài văn nhàm chán, chúng ta phải thay đổi cách dạy để học sinh có thể nói được đúng với tinh thần của nó. Cách dạy văn phải cập nhật với đời sống hơn.

Ngoài yêu cầu chung của nhà trường, của Bộ nên có những bài, hay độ mở để cho các em nói lên được suy nghĩ, tâm tư của mình. Như thế bài văn sẽ không nhàm chán. Những bài học theo sách giáo khoa, yêu cầu của chương trình phải viết được bài văn mang tính bình luận, yêu cầu đó rất đúng vì sau này xã hội yêu cầu viết một văn bản như thế nào, viết một lá thư như thế nào... đấy là kỹ năng. Nhưng ngoài những kỹ năng thể loại ra thì phải có những cái hình thức thể loại tự do hơn để học sinh nói lên tiếng nói, tâm hồn của các em thì theo tôi nên có sự cân bằng các hình thức thể loại.

Ngoài kỹ năng viết ra, văn học còn dậy cho người ta những cái đẹp đẽ. Dạy văn bao giờ cũng phải có 3 mục đích: cung cấp kiến thức, giáo dục đạo đức, và rèn luyện kỹ năng. Theo từng thời kỳ mà người ta đẩy yêu cầu nào lên hàng đầu. Cô giáo nào giỏi thì làm được 3 mục đích nhưng cô giáo nào chưa giỏi thì không làm nổi 1 mục đích, một nhiệm vụ hàng đầu chứ văn chương không thiên về một cái nào cả. Việc giáo viên hiện nay thường đọc chép là có nhiều lý do, trong đó có lý do ra đề, có lý do yêu cầu của thi tốt nghiệp. Thầy cô giáo nhiều khi cũng bị chi phối bởi yêu cầu thi tốt nghiệp nhưng có điều cái cách dạy của giáo viên như thế nào để cho học sinh hứng thú mà thôi. Vì vậy, đổi mới thì phải đổi mới hệ thống, muốn đổi cách dạy văn thì phải đổi từ khâu ra đề.
  • (Thực hiện)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn