Bạn có thực sự cần phải uống 8 ly nước mỗi ngày?

15:12, Thứ năm 17/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Từ lâu, chúng ta vẫn được khuyên nên uống 8 ly hoặc 2 lít nước mỗi ngày, nhưng liệu có bất kỳ cơ sở khoa học nào cho điều đó?

Đầu năm nay, các nhà khoa học thể thao ở Úc đã làm một thử nghiệm mà trước đây chưa bao giờ được thực hiện. Họ muốn tìm hiểu hiệu suất hoạt động của con người sau khi bị mất nước. Các nhà nghiên cứu tập hợp một nhóm vận động viên xe đạp và yêu cầu nhóm này tập luyện cho đến khi mất 3% tổng trọng lượng cơ thể do toát mồ hôi. Sau đó, các vận động viên xe đạp được chia làm 3 nhóm nhỏ hơn để theo dõi hiệu suất thể dục với 3 mức bù nước khác nhau: không có gì, lượng hydrate hóa đủ để lấy lại 2% lượng nước mất đi và hydrate hóa bù lại đầy đủ lượng nước mất đi.


Liệu có cơ sở khoa học nào chứng minh cần uống đủ 8 ly nước mỗi ngày.

Kết quả không cho thấy điều gì khác biệt giữa 3 nhóm, nhưng sự khác biệt giữa nghiên cứu này và hầu hết các nghiên cứu khác đã từng được thực hiện trên việc hydrat hóa là những vận động viên xe đạp không biết họ đã nạp vào bao nhiêu nước. Chất lỏng được tiêm vào trong tĩnh mạch và họ hoàn toàn không biết đến dung tích được truyền vào trong cơ thể.
Như vậy, không có sự khác biệt hiệu suất giữa những người được hydrat hóa đầy đủ và những người còn lại. Từ nghiên cứu này, các vận động viên đã được khuyến cáo không nên uống quá nhiều nước so với lượng nước cơ thể cần thiết để tránh hậu quả có khả năng gây tử vong do lượng natri bị pha loãng hoặc gây ra hiện tượng hạ natri trong máu.

Chúng ta có thể chịu đựng sự mất nước tương đối tốt, trong khi đó, việc nạp quá nhiều nước vào cơ thể thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều. Nói một cách đơn giản, việc cơ thể chứa quá nhiều nước cũng có hại không kém khi cơ thể bị thiếu nước.
Trong một bài báo được viết bởi nhóm bác sĩ có uy tín từ các bệnh viện Mỹ và Pháp, uống nước sẽ giúp cải thiện làn da của bạn, giúp bạn suy nghĩ thông thoáng, làm giảm nguy cơ sỏi thận, hành động xả nước có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu (đặc biệt là ở phụ nữ sau khi quan hệ tình dục). Nhưng quan trọng hơn cả, họ đã trích dẫn kết luận từ một nghiên cứu cho thấy nghịch lý rằng việc bạn đưa một lượng nước quá lớn vào cơ thể (đặc biệt là khi uống nước lã hay nước máy chứa nhiều clo) sẽ làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, BS.ThS Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, con người có thể bổ sung nước từ đồ uống hoặc đồ ăn như rau tươi, trái cây, trà, cà phê, .... Lượng nước vào cơ thể quá nhiều có thể làm tăng tổng lượng máu toàn cơ thể, gây gánh nặng cho tim và mạch máu, dẫn tới tình trạng ngộ độc nước vì thận không kịp bài tiết. Nước xâm nhập tế bào sẽ làm mất thăng bằng muối khoáng, dẫn đến rối loạn điện giải, các chức năng tế bào bị đình trệ, đưa đến hôn mê, thậm chí có thể chết người.

Rau tươi, trái cây, trà, cà phê cũng được tính vào lượng nước uống hàng ngày.

Theo bác sĩ Hải, tốt nhất sáng ngủ dậy bạn nên uống 1- 2 ly nước đun sôi để nguội, vừa tỉnh ngủ lại tốt cho cơ thể. Uống nước vào sáng sớm còn có tác dụng làm sạch đường tiêu hoá. Nên uống nước 10 phút trước khi ăn hoặc một giờ sau khi ăn chứ không nên uống ngay sau hoặc trong khi ăn. Vì uống trong khi ăn sẽ hòa loãng và đưa dịch vị dạ dày xuống ruột nhanh chóng, khiến cho việc tiêu hóa khó khăn. Hơn nữa, vừa uống, vừa ăn có thể khiến bạn nuốt thức ăn khi chưa nhai kỹ, điều này không có lợi cho dạ dày.

Cơ thể chúng ta có thể tự bài tiết rất tốt. Nếu bạn uống nhiều nước, bạn sẽ phải đi tiểu nhiều, và ngược lại. Do đó, chúng ta không cần quá lo lắng về con số chính xác lượng nước cần uống mỗi ngày.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link