Từ xưa đến nay, chuối luôn được xem là một thành phần không thể thiếu trên mâm ngũ quả. Ở nhiều gia đình, chuối đóng vai trò quan trọng trong các dịp lễ tết và tuần rằm. Nải chuối thường được đặt ở vị trí trung tâm trên mâm cúng và ôm lấy các loại quả khác.
Tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương?
Chính vì chuối có vai trò đặc biệt trong mâm quả nên đôi khi do không mua được nải chuối to, cong như ý muốn, một số người mua hai nải rồi dùng đinh hoặc dây để ghép lại với nhau sao cho đủ to rộng trên mầm bồng và ôm được các quả khác. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho rằng làm như vậy là không nên.
Tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương? Đó là vì theo quan niệm âm dương của người phương Đông, số chẵn thuộc âm, số lẻ thuộc dương, là con số tượng trưng cho sự vận động, phát triển. Trong nghi lễ thờ cúng, các lễ vật đều được chuẩn bị theo số lẻ, như số trái cây được bày (mâm ngũ quả với 5 loại trái cây, hoặc nếu cúng một loại thì thường bày 3 - 5 - 7- 9... quả), số bông hoa cắm trên bàn thờ, số nén hương được thắp...
Việc ghép hai nải chuối lại thành một sẽ tạo ra số chẵn, đồng nghĩa với việc tạo ra số âm, không hợp với quan niệm trên.
Xét về thẩm mỹ, việc ghép 2 nải chuối lại thành một có thể khiến cho mâm cúng hoành tráng hơn nhưng sẽ thiếu sự tự nhiên và chắc chắn, dễ dẫn đến rơi, hỏng các quả khác khi thờ cúng, bởi cấu trúc nải chuối khi ghép lại rất khó đứng vững.
Đối với người phương Đông, lễ vật dâng cúng bị rơi là điều kỵ; việc dùng đinh dắt hay dây kim loại để kết nối trái cây cũng được cho là điều kỵ trong phong thủy (kim khắc mộc). Đó cũng là lý do tại sao không nên ghép 2 nải chuối để thắp hương.
Tuy nhiên đây cũng chỉ là một của một số người và không liên quan đến các căn cứ khoa học. Vì vậy trên thực tế, có những người kiêng ghép hai nải chuối để hắp hương, những người khác vẫn làm vậy nếu không có nải chuối đủ lớn. Việc ghép hai nải chuối trên mâm ngũ quả đòi hỏi sự khéo tay, sao cho bảo đảm sự kiên kết và hài hòa với các trái cây khác, tránh xô lệch, rơi vỡ.
Cách để chọn chuối thắp hương
Với người miền Bắc, nải chuối tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm. Nải chuối ngửa lên giống như bàn tay hứng lấy nắng sương, đọng thành quả ngọt với ý nghĩa may mắn, bao bọc và chở che.
Chọn chuối bày trên bàn thờ nên chọn chuối tiêu xanh, quả chuối căng mẩy. Đây là dấu hiệu chuối đã trổ mã, sắp chín, được chăm bón tốt nên đủ chất, ăn sẽ ngon ngọt. Lưu ý nên chọn nải chuối có quả dài, và có độ cong tương đồng. Không nên chọn nải chuối có quả bé, trông còi cọc hoặc màu xanh bạc.
Chuối tiêu nải to, có thể ôm trọn những loại quả khác. Hơn nữa, chuối tiêu quả dài, xòe đều trông giống như bàn tay Phật mang hàm ý che chở, phù hộ con cháu trong gia đình. Chuối tây không được chuộng bởi nải nhỏ, chỉ hợp bày cúng thần Tài.
Bạn lưu ý không chọn chuối chín vì sẽ nhanh bị hỏng, rụng khỏi cuống, trông kém thẩm mỹ. Không những thế, nải chuối xanh tượng trưng cho hành Mộc trong Ngũ Hành khi bày mâm ngũ quả, vì thế nếu mang chuối chín vàng về thờ trên mâm ngũ quả thì sẽ không đúng ý nghĩa.
Chọn chuối dâng cúng trên bàn thờ vẫn còn nguyên râu ria, phần cuống to vừa phải và tươi. Theo đó, buồng chuối chăm đủ dinh dưỡng, râu sẽ có phấn mốc trắng, ria màu đen tuyền.
Tiêu chí chọn chuối thắp hương còn chú trọng đến số lượng quả trong một nải chuối. Chỉ chọn nải chuối có số quả lẻ chứ không chọn nải có số quả chẵn. Theo quan niệm phong thủy, số chẵn là số âm, không tốt còn số lẻ là số dương, tượng trưng cho sự sinh sôi, may mắn. Vì vậy, những nải chuối có 15-17-19-21 quả sẽ có giá cao hơn rất nhiều.
Với những lưu ý trên đây, hi vọng chị em sẽ chọn cho mình được một nải chuối đẹp, trang nghiêm để bày trên bàn thờ ngày mùng 1.
* Bài viết chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!