Một chiếc bánh trung thu 3 Bộ kiểm tra
Chỉ một chiếc bánh Trung thu nhưng có ít nhất 3 Bộ ngành được phân công quản lý. Theo phân công quản lý về ATTP trước đây, với một sản phẩm cụ thể là bánh Trung thu có đến 3 đơn vị quản lý, trong đó Bộ Nông NN&PTNT quản lý về nguyên liệu làm nhân bánh, Bộ Công thương quản lý về bao bì, Bộ Y tế quản lý về điều kiện VSATTP. Cũng vì thế, vào mùa cao điểm phục vụ Tết trung thu hàng năm, Hà Nội thường tổ chức thành lập 6 đoàn kiểm tra cấp thành phố, trong đó có 2 đoàn do Sở Y tế chủ trì, 2 đoàn do Sở NN&PTNT chủ trì, 2 đoàn do Sở Công thương chủ trì. Tương tự ở cấp quận, huyện cho đến xã phường cũng sẽ thành lập các đoàn kiểm tra…
Nhưng trên thực tế các đoàn kiểm tra này chỉ tập trung vào các công ty lớn mà quên các địa điểm sản xuất bánh trung thu nhỏ lẻ tiềm ẩn nguy cơ an toàn thực phẩm.
Ngày 30/8, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội do Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền chủ trì đã tiến hành kiểm tra tại công ty cổ phần bánh kẹo Hải Hà và một cửa hàng bán lẻ bánh Kinh Đô trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng (trước số nhà 516), phát hiện tại cửa hàng bán bánh Kinh Đô có để lẫn lộn hàng trăm gói bột ngũ cốc nhập khẩu Thái Lan quá hạn sử dụng. Còn các sản phẩm bánh trung thu đạt chuẩn.
Tại thời điểm kiểm tra, các thùng bột ngũ cốc Thái Lan quá đát do Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư sản xuất Phát Đạt có địa chỉ tại số 189 đường Giáp Bát là nhà nhập khẩu phân phối, sản phẩm có hạn sử dụng chỉ đến năm 2011 nhưng đã được sử dụng làm kệ kê bán bánh trung thu, trong đó nhiều thùng đã được mở sẵn để lộ ra các gói bột sản phẩm.
Nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng không bán các gói bột ngũ cốc ra thị trường nhưng theo đoàn kiểm tra liên ngành, việc để các sản phẩm quá hạn sử dụng làm kệ kê sản phẩm trong cửa hàng bán bánh trung thu cũng vi phạm quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ba bộ kiểm tra bánh trung thu |
Sáng 29/8, đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP thành phố Hà Nội do Sở Y tế chủ trì tiến hành kiểm tra việc đảm bảo ATTP tại 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn huyện Quốc Oai và Hoài Đức. Tuy nhiên cả hai đơn vị này đều lớn và quen với việc kiểm tra nên không phát hiện sai phạm.
Tại thời điểm kiểm tra của các đoàn kiểm tra daonh nghiệp quá quen với việc một tháng tiếp vài đoàn kiểm tra nên lúc nào cũng đáp ứng đủ điều kiện kiểm tra và biên bản được lập đều đủ điều kiện cho ngày rằm trung thu. Cũng giống như các năm trước, mỗi khi vào mùa bánh trung thu mọi điều kiện đều rất an toàn chỉ đến khi gần cận ngày các đoàn kiểm tra mới phát hiện bánh trung thu của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ không an toàn. Lẽ ra, rút kinh nghiệm từ nhiều năm các cơ quan nên tập trung vào các cơ sở sản xuất bánh trung thu tự phát để xiết chặt an toàn thực phẩm.
Mực xé co giãn như dây thun
Ngày 26/8, Đội Quản lý thị trường số 4 kiểm tra xe tải 57K-1493 do tài xế Trần Văn Minh (Vĩnh Hưng, Long An) điều khiển và phát hiện 1,5 tấn mực khô đã được xé nhỏ và cất giấu trên xe. Tài xế Minh không xuất trình được hóa đơn, nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm của số hàng trên.
Qua kiểm tra, số mực trên không có mùi thơm đặc trưng của mực, sợi mực khô kéo giãn như dây thun. Tài xế Minh khai số hàng trên được một người không rõ tên thuê vận chuyển từ Hải Phòng vào TP.HCM. Hiện Đội Quản lý thị trường số 4 đang lấy mẫu kiểm định và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng ngày, đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng đã phát hiện và lập biên bản vi phạm đối với ba trường hợp bơm nước vào trâu, bò nhằm tăng trọng lượng trước khi đưa vào lò giết mổ. Tại một cơ sở giết mổ gia súc trên đường Lê Trọng Tấn (phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ), cơ quan thú y phát hiện hai trường hợp chủ bò đang đưa ống qua miệng vào bụng bò và bơm nước trước khi đưa vào lò mổ. Cùng thời điểm trên, một đoàn kiểm tra khác cũng phát hiện thủ đoạn tương tự tại một lò giết mổ gia súc thuộc Hợp tác xã phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Đoàn đã thu giữ tang vật là hàng chục mét ống nước cỡ lớn.
Ông Trần Tới, Chi cục phó Chi cục Thú y TP.Đà Nẵng, cho biết với thủ đoạn ép bò uống nước trước khi đưa vào lò mổ để tăng trọng lượng, chủ bò có thể kiếm thêm 2-3 triệu đồng/con.
Ngay sau khi Cục An toàn thực phẩm lên tiếng về việc Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand cho hay các kết quả kiểm tra của cơ quan này không tìm thấy vi khuẩn Clostridium Botulinum trong đạm whey và không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng, ngày 30-8 đại diện Dumex VN cũng chính thức khẳng định tất cả sản phẩm thu hồi do nguyên liệu nghi ngờ nhiễm khuẩn từ nhà máy Fonterra là an toàn.
Vẫn tiêu hủy sữa đã thu hồi nhầm
Theo thông tin trên website của Cục An toàn Thực phẩm Bộ Y tế ngày 28/8/2013, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand đã nhận được các kết quả khẳng định vi khuẩn được phát hiện trong whey protein concentrate (WPC80) sản xuất bởi Công ty Fonterra không phải là khuẩn Clostridium botulinum. Vi khuẩn được phát hiện là Clostridium sporogenes- đây là loại vi khuẩn có nha bào không sinh độc tố.
Ngài Scott Gallacher, Quyền Thứ trưởng Bộ Công nghiệp cơ bản đã khẳng định: "Tôi, Quyền Thứ trưởng Bộ Công nghiệp cơ bản, khẳng định rằng kết quả kiểm nghiệm và các thông tin thu thập thêm đã phát hiện các lô (WPC 80) nhiễm khuẩn trong công bố của tôi ngày 06/8/2013, bao gồm tất cả sản phẩm Nutricia Karicare Infant Formula Stage 1 và Karicare Gold + Follow-On Formula Stage 2, không nhiễm khuẩn Clostridium botulium và không gây nguy hại tới người tiêu dùng.
Ngay sau thông tin này, Nguyễn Thanh Phong - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm cho biết thông tin này mới nhận được từ phía New Zeland nên đến nay Cục An toàn Thực phẩm phải liên hệ lại bên phía New Zeland cụ thể xem thế nào. Đối với các thông tin tiếp theo, Cục sẽ thông báo cụ thể trên website của Cục để người dân nắm thông tin cụ thể. Thông tin mới được cho biết một ngày nên đến nay phía Việt Nam vẫn chưa biết xử lý như thế nào.
Tuy nhiên theo đại diện Dumex, trong quy trình sản xuất của doanh nghiệp, khuẩn Clostridium Botulinum không được tìm thấy sau hơn 1000 bước kiểm tra. Tuy vậy, đại diện Dumex VN, cũng cho biết tất cả sản phẩm đã thu hồi trước đây là Dumex Gold bước 2 cho trẻ 6 - 12 tháng tuổi, số lô 300513R1 vẫn sẽ được tiêu hủy dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.
Trong khi đó, đại diện cũng đã khẳng định sản phẩm Similac GainPlus EyeQ số 3 an toàn cho người sử dụng nhưng vẫn sẽ được tiến hành tiêu hủy theo dự kiến.