Bao giờ mới dứt chuyện "chặt chém" dịp lễ tết?

19:40, Chủ nhật 03/01/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vào dịp lễ tết, nắm bắt được nhu cầu của người dân tăng cao, nhiều loại dịch vụ vin vào cớ đó mà tranh thủ tăng giá, "chặt chém" nhiệt tình.

Lễ tết và đủ loại dịch vụ bị "chặt chém không nương tay"

Tranh thủ lễ tết và lấy cớ “anh được nghỉ, tôi phục vụ”, nhiều quán ăn và cơ sở dịch vụ tăng giá vô tội vạ, thậm chí 3-4 lần ngày thường để chém đẹp người dân và du khách. Chuyện giá cả vào những ngày này  lâu nay vẫn cứ đến hẹn lại tăng, thậm chí “phi nước đại” như là một lẽ đương nhiên.

Đối với hầu hết những người kinh doanh vào thời điểm “không nghỉ tết” như vậy thì họ chỉ cần biết tới tiền, đến lợi nhuận mà không cần biết tới cái tình, cái lý.

Đơn giản như chuyện gửi xe máy, nếu khách dẫn xe vào bãi có nhận trông giữ mà quên không hỏi giá cả, cứ cầm vé đi thẳng, thì khi trở vào lấy xe chắc chắn sẽ bị “chém” bằng những cái giá đắt... không tưởng.

Và dù bạn có bất ngờ, dù có bực, có thắc mắc đôi co qua lại nhưng cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề gì đành phải rút tiền trả đủ, bởi chủ bãi vẫn còn giả nhân, giả nghĩa “lịch sự” bảo: “Em thông cảm, giá ngày lễ tết mà!”.

Còn đối với dịch vụ hàng ăn uống vào thời điểm này thì mọi người càng phải cảnh giác đề phòng, bởi các chủ quán luôn không hề “nương tay”.

Bạn đã bao giờ bị “chém” bát phở với giá 80-100 ngàn đồng trong những ngày lễ tết lần nào chưa, trong khi ngày thường giá của nó chỉ bằng một nửa?

Bao giờ mới dứt chuyện
Ảnh minh họa 

Mùa lễ tết năm nay, thời tiết rét đậm, rét hại, có mưa nhiều nơi nên dịch vụ giặt khô quần áo cũng... được dịp đắt khách.

Với nhu cầu đi du lịch trong dịp lễ tết của nhiều gia đình, dịch vụ cho thuê xe tự lái cũng được nhiều người tìm đến.

Do công việc cuối năm bận rộn hoặc muốn có những ngày lễ được nghỉ ngơi, nhiều gia đình cần tìm đến dịch vụ dọn dẹp nhà cửa cho đến đi siêu thị thuê, nấu cỗ. Chỉ cần bỏ ra vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng là có người đến tận nhà để lo toan việc gia đình trong mấy ngày. 

Hay như việc đi chợ thuê cũng giúp các chị em muốn có những ngày lễ tết nghỉ ngơi không phải mất thời gian đi chợ mà vẫn an tâm có những bữa ăn ngon.

Những lý do "bao biện" cho việc "chặt chém"

Nếu bạn đang đặt câu hỏi: "Tại sao lễ tết đến thì giá cả lại tăng mạnh?" thì có thể điểm qua một vài lý do được cho là khách quan sau:

1. Lễ tết là dịp mà mọi người ai ai cũng phải mua sắm: quần áo, thực phẩm, đồ dùng, vé xe về quê, quà tặng, ...

2. Lễ tết là khoảng thời gian đem lại "siêu lợi nhuận" cho người bán hàng, các nhà xe, các siêu thị, cửa hàng, các shop quần áo, các chợ,...

3. Lễ tết là khoảng thời gian duy nhất trong năm người tiêu dùng cho phép người bán "chặt chém" mình với giá "đẹp" vì lý do người bán nào cũng "chặt chém" hết nên đành ngậm ngùi chịu đựng.

4. Thực phẩm, trái cây có thời gian sử dụng không quá lâu, do đó không ai có thể mua để dự trữ nhằm tránh tăng giá.

5. Đón xe về nhà hay về quê, các nhà xe tăng giá vì lễ tết ai cũng phải về nên không dại gì mà bỏ qua một nguồn lợi nhuận cực kì to lớn như thế được.

6. Quần áo hay các mặt hàng khác đều phải tăng giá vì biết rằng người đi mua đồ sẽ luôn mặc cả nên phải nâng cao lên để người mua dính bẫy và để lời càng nhiều.

7. Lễ tết là dịp giá cả tăng mạnh cũng là do yếu tố "tham lam" của "người cung cấp" bộc phát kèm theo đó là yếu tố "phải" của "người mua" được phát huy tối đa ("phải" bao gồm: phải nhịn người bán, phải chịu mua đồ mắc, phải cố gắng trả giá khi có thể, phải cố gắng dằn lòng dù bị "chặt chém" đẹp).

Được cái lợi trước mắt mà bỏ qua cái lợi lâu dài

Ngày lễ tết, bên cạnh những nét hay, nét đẹp vẫn còn đó những điều còn phiền lòng, thậm chí gây nên những tác hại lớn cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng...

Nhiều chủ quán, chủ dịch vụ vẫn đang tự cho mình là có lý khi tăng giá trong những ngày lễ tết, vì “mọi người đi chơi còn tôi vẫn phải làm việc!”. Thế nhưng, khi việc tăng giá bị nâng lên quá mức, trong khi chất lượng cung cấp cho khách hàng lại chẳng hề xứng đáng thì thật dễ hiểu nếu sau vài ngày nữa, mọi thứ trở lại nhịp sống bình thường, khách hàng sẽ tự động tẩy chay và lên án những nơi “chặt chém”. 

Suy cho cùng, một khi đã làm ăn chộp giật, kiểu “được một lần rồi thôi” thì phía chịu thiệt chính là những chủ quán, chủ dịch vụ sẵn sàng bán uy tín của mình chỉ trong vài ngày lễ tết.

Nếu sự việc chặt chém của các chủ dịch vụ lên tới mức quá đáng, thiệt hại về tiền bạc ở mức lớn thì bạn cần phải nhờ vả tới sự can thiệp của các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương sở tại, bởi kiểu làm ăn quá đáng, bất lương như thế cần phải bị nghiêm trị và loại trừ...

Kinh doanh quan trọng nhất là chữ tín. Chuyện về việc thu đúng giá, tôn trọng du khách đáng nhẽ ra phải là chuyện hết sức hiển nhiên và bình thường. Nếu không nói đó là nghệ thuật bán hàng, nghệ thuật kinh doanh để tạo tiếng thơm, thu hút khách. Thế nhưng câu chuyện này lại là sự bức xúc ở nhiều địa danh mỗi khi mùa lễ hội.

Đây rõ ràng là vấn nạn cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý để dẹp bỏ một cách quyết liệt cùng với đó là việc tuyên truyền nâng cao ý thức của người kinh doanh. Bởi rõ ràng tình trạng chặt chém không chỉ làm xấu đi hình ảnh cho chính những địa danh đó mà về lâu dài sẽ khiến cho du khách trong và ngoài nước “một đi không trở lại”.

Vụ cô giáo bị 5 học sinh cưỡng bức: Sự suy đồi đạo đức giới trẻ
Vụ cô giáo bị 5 học sinh cưỡng bức: Sự suy đồi đạo đức giới trẻ
(Xi nhan) - (Phunutoday) - Vụ việc cô giáo bị 5 học sinh ở độ tuổi 15 cưỡng bức đã dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng tha hóa đạo đức của lớp trẻ hiện nay.
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Vũ Trung Thành