Thực phẩm bẩn có lẽ là chủ đề nóng nhất năm qua, khi người người nhà nhà đều chăm chú theo dõi tin tức về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Ăn bẩn” đã trở thành nỗi ám ảnh, bực dọc của cả cộng đồng.
Đến cuối năm 2015, có thể tổng kết sơ bộ rằng tai tiếng đã bao phủ lên hầu hết các loại thực phẩm lưu thông trên thị trường: từ rau, củ, quả, thịt, thủy sản, nội tạng động vật… đến mì chính, bánh kẹo, sữa, nước giải khát…
Người Việt ăn để chết? |
Trước thực trạng đáng báo động này, một vị đại biểu Quốc hội đã phải thốt lên rằng: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế”.
Nếu câu nói trên vẫn chưa khiến bạn rùng mình thì hãy nghĩ đến số tiền thưởng 50 triệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dành cho người cung cấp thông tin có giá trị về thực phẩm bẩn.
Sợ là thế, nhưng đại bộ phận người Việt vẫn thỏa hiệp với những loại thực phẩm thiết yếu vì “ăn thì chết từ từ, không ăn thì chết ngay tức khắc”. Cái chết do thực phẩm bẩn gây ra là cái chết đã được báo trước và chắc chắn là cái chết “đúng quy trình” (đủ độc thì chết) nhưng lại không dễ ngăn chặn.
Vì lòng người không dễ kiểm soát, đo đạc như máy móc, khó tránh khỏi ngoại lệ rủi ro. Nhất là khi người Việt chưa tìm ra giải pháp đem lại hiệu quả trong dài hạn.
Giả sử bạn đủ điều kiện “đầu tư” cả nhà kính trồng rau sạch và trang trại nuôi lợn sạch để phục vụ cho gia đình. Nhưng bạn không thể đảm bảo cả đời mình hay cả đời người thân bạn chỉ ngồi nhà, ăn thực phẩm đảm bảo chất lượng. Cũng giống như một người đàn ông đi xe đạp hả hê vì không phải đổ xăng hàng ngày nhưng việc nâng giá xăng vẫn ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của anh ta vậy.
Năm 2015, mặc dù là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất ở châu Á nhưng tình trạng “bon chen” ở Việt Nam vẫn chưa cho thấy dấu hiệu sụt giảm.
Những hình ảnh chen lấn, xô đẩy để giành được phần lợi cho mình được ghi lại ở khắp nơi như đền chùa, trường học, bệnh viện, đường phố… Tuy vậy, trong cuộc thi “bon chen”, không nơi nào có thể tước đoạt ngôi vị quán quân của các địa điểm mở cửa/phát hàng miễn phí.
Đáng buồn thay, người phải bực dọc, lo lắng về văn hóa xếp hàng của người Việt thường là người… ngồi nhà xem ảnh.
Năm qua, chúng ta cũng được chứng kiến những người xấu biết hư cấu thành người tốt, vì được cuộc đời trả “cát – xê” cao nên diễn rất tròn vai.
Nhưng rất may, vở kịch nào cũng đến hồi hạ màn, chiếc mặt nạ dù được chế tác tinh vi, tinh xảo đến mấy cũng không qua mặt được “cao nhân”, người xấu phải đứng trước vành móng ngựa và kẻ hàm oan được rũ sạch thị phi, khổ nhục.
Chỉ tiếc rằng không phải ai cũng nắm rõ chân lý ấy, nên mới xuất hiện tầng lớp lưu manh giả danh trí thức và trí thức bị lưu manh hóa trong xã hội.
Sự mập mờ đó càng khiến một số phát ngôn thẳng, thật trong năm qua dậy sóng dư luận và phần nào lật tẩy những mặt tối, chưa có hướng giải quyết triệt để trong xã hội.
Chúng ta thấy được hiện trạng “tham nhũng chính trị” qua phát biểu của ông Mai Liêm Trực, câu chuyện “tư duy nhiệm kỳ” sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh và tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân sau phát ngôn gây sốc của ông Phan Đăng Long.
Hy vọng trong năm 2016, các nhà quản lý của chúng ta sẽ tiếp tục nhìn thẳng, nói thẳng, để nhanh chóng sửa chữa sai lầm và phòng tránh những rủi ro có thể lường trước được.
Người phụ nữ tuyệt vời không được quên những điều này (Xi nhan) - (Phunutoday) - 20 điều làm nên một người con gái ai gặp cũng yêu. Độc lập về kinh tế là nền tảng của một người phụ nữ tuyệt vời. |