Bánh chưng, bánh tét là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Thông thường, bánh để ở nơi khô ráo, thoáng mát thì có thể để được 2-3 ngày. Ở những tỉnh miền Bắc, với thời tiết mùa đông lạnh, bánh sẽ giữ được lâu hơn.
Tuy nhiên, hiện nay, đa số các gia đình sẽ bảo quản bánh trong tủ lạnh để đảm bảo vệ sinh, giữ cho bánh được thơm ngon trong thời gian dài. Nếu để ở ngăn mát tủ lạnh, bánh có thể để trong 10-20 ngày. Khi ăn, chỉ cần lấy bánh ra hấp hoặc rán là được.
Bảo quản bánh chưng, bánh tét ở nhiệt độ thường
Banh chưng sau khi chín cần được vớt ra rửa lại bằng nước đun sôi để nguội nhằm loại bỏ các chất nhựa trong lá.
Treo bánh ở nơi thoáng mát cho ráo nước.
Cuối cùng, đặt bánh lên một tấm bìa sạch và dùng vật nặng đặt lên trên giúp bánh chặt hơn.
Sau vài tiếng, có thể lấy bánh ra và để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời.
Với cách bảo quản này, bạn có thể để bánh chưng trong khoảng 7-10 ngày. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào khâu gói bánh có chặt tay hay không và nhiệt độ môi trường bên ngoài cao hay thấp mà thời gian bảo quản bánh có thể thay đổi.
Bảo quản bằng tét theo cách tương tự.
Bảo quản bánh chưng, bánh tét trong tủ lạnh
Với bánh đã cắt, bạn nên dùng màng bọc thực phẩm bọc kín để bề mặt bánh không bị khô. Bánh đã cắt nên ăn càng sớm càng tốt.
Banh còn nguyên lá có thể để trong ngăn mát tủ lạnh để dùng dần trong vòng 10 ngày trở lên. Tuy nhiên, nếu muốn bánh giữ được lâu hơn, bạn nên để trong ngăn đá tủ lạnh.
Nhiệt độ thấp trong ngăn đá giúp hạn chế tình trạng bánh bị thiu, nấm mốc.
Khi dùng, lấy bánh ra rã đông rồi mang đi hấp hoặc rán tuỳ sở thích.
Bạn chỉ nên cắt một lượng vừa đủ dùng, tránh lấy bánh ra rã đông nhiều lần khiến bánh mất ngon. Phần bánh đã lấy từ ngăn đá ra nếu chưa dùng hết có thể bảo quản trong ngăn mát nhưng nên sử dụng hết trong vòng 1-2 ngày.
Nếu có máy hút chân không, bạn có thể cho bánh vào trong túi và hút hết không khí bên trong ra. Để bánh trong ngăn đá tủ lạnh. Môi trường chân không giúp thực phẩm để được lâu hơn. Trước khi ăn, hãy làm nóng bánh chưng bằng cách hấp hoặc rán.
Nhận biết bánh chưng, bánh tét bị hỏng
Khi bánh xuất hiện các dấu hiệu như chảy nước, có mùi ôi, xuất hiện nhớt ở vỏ bánh… thì nên bỏ đi. Lúc này, bánh đã bị vi khuẩn xâm nhập dù đem luộc lại thì cũng không tốt cho sức khoẻ.
Bánh bị mốc cũng nên bỏ đi. Dù bạn gọt phần bánh mốc, các bào tử nấm mốc vẫn có thể còn tồn tại trong bánh mà không nhìn thấy bằng mắt thường.