Bão số 11 tấn công, hồ thủy điện ồ ạt xả lũ

10:03, Thứ ba 15/10/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Hiện có 14/20 thủy điện đã xả tràn không theo sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, trong đó có các thủy điện xả lũ lớn như Đăk Mi 4, A Lưới, Sêrêpôk 4...

Tại phiên họp diễn ra lúc 21h ngày 14/10 ngay tại sở chỉ huy tiền phương của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (đóng tại Đà Nẵng), ông Nguyễn Xuân Diệu, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết có 14/20 thủy điện đã xả tràn, trong đó có các thủy điện xả lũ lớn như Đăk Mi 4, A Lưới, Sêrêpôk 4...

Đà Nẵng tan hoang trong bão số 11. Ảnh: TNO

Trước tình hình xả lũ ồ ạt của các hồ thủy điện trong khu vực, ông Cao Đức Phát - trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - yêu cầu: “Các hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện phải xả dần nước chứ không được tích nước vì lượng mưa dự báo sau bão sẽ cực lớn”. Ông đề nghị: lũ về bao nhiêu xả bấy nhiêu, các hồ thủy điện không được phép xả lượng nước nhiều hơn để tránh lũ dồn..

Cũng trong ngày 14/10, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn hồ chứa nước, trong đó yêu cầu “kiên quyết không để tích nước hồ chứa không an toàn”.

Theo Tuổi Trẻ, sáng 14/10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao đã kiểm tra hồ thủy điện Hương Điền ở đầu nguồn sông Bồ (Thừa Thiên - Huế) và phát hiện hồ này không chịu xả nước để đón lũ theo chỉ đạo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh. Ông Cao đã cho lập biên bản và yêu cầu nhà máy thủy điện Hương Điền phải hạ mức nước trong hồ xuống cao trình 56m để có dung tích đón lũ.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trước 24 giờ ngày 14/10, nhà máy phải xả nước. Trong quá trình xả phải thường xuyên báo cáo với Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi, có sự chỉ đạo điều tiết, xả lũ hợp lý nhằm tránh mực nước ở hạ du tăng đột biến. Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các đơn vị quản lý không nên chủ quan, thường xuyên theo dõi mực nước để có biện pháp bảo vệ hồ đập an toàn.

Ngay trong trưa ngày 14/10, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu các nhà máy thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới xả nước để đón lũ mới bởi mực nước tại các hồ đã đầy. Cụ thể, hồ thủy điện A Lưới từ 8h ngày 14/10 đã cho xả qua tràn với lưu lượng dự kiến từ 200m3/s đến 2000 m2/s; hồ thủy điện Bình Điền, mực nước đạt trên cao trình 83m, dự kiến sẽ xả lũ trong 12 giờ tới qua các tổ máy và qua tràn dự kiến từ 100m3/s đến 500m3/s.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 11, liên tục trong hai ngày qua tại hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum có mưa lớn kéo dài khiến mực nước từ thượng nguồn đổ về các hồ đập đang dâng nhanh.

Tại Kon Tum, sáng nay tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Công ty thủy điện Yaly cà các chủ hồ đập có dung tích lớn tiến hành xả bớt nước dự trữ trên hồ đập để chuẩn bị đón đợt lũ mới.

Tại Gia Lai, thủy điện An Khê - Kanak và hồ Ayun Hạ nước cũng bắt đầu dâng cao, đây là hai công trình hồ chứa đã xả lũ và gây thiệt hại nặng cho vùng hạ du trong cơn bão số 10 vừa qua.

Trong khi đó, từ chiều 14/10, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã chủ động xả nước ở năm hồ lớn có nguy cơ bị lũ dâng cao.

Trong bốn ngày (từ 11 đến 14/10), UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo bốn hồ lớn: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Tân Voi chủ động xả nước. Riêng hồ Kẻ Gỗ (trữ lượng 345 triệu m3 nước) đã xả nước liên tục trước khi cơn bão số 11 đổ bộ vào miền Trung. Lưu lượng xả 200 m3/giây, tương đương 650.000 m3/g.

Đến 21h ngày 14/10, hồ Kẻ Gỗ đã xả trên 30 triệu m3 nước. Mực nước trong hồ đã được hạ từ cao trình 30,3m xuống 29,5m.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hi - giám đốc Xí nghiệp thủy lợi Quỳnh Lưu, lưu lượng nước xả từ hồ Vực Mấu khoảng 300 m3/giây, tương đương 1 triệu m3/g. Đến 17h cùng ngày hồ Vực Mấu xả được 8 triệu m3 nước. Sau khi xả, mực nước trong hồ hạ xuống 1m.

Cũng tại Nghệ An, UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương hạ tràn Đá Hàn ở xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn từ cao trình 29,6m xuống 28m. Tại đập Tây Nguyên, huyện Quỳnh Lưu (trữ lượng 0,9 triệu m3 nước, bị vỡ năm 2012) cũng xuất hiện hiện tượng rò rỉ nên phải hạ tràn 60cm trước cơn bão số 11.

Rạng sáng nay (15/10), bão số 11 đã đổ bộ vào các tỉnh miền Trung khiến 2 người mất tích, hàng ngàn ngôi nhà tốc mái, nhiều nơi mất điện trên diện rộng.

Trong đó 2 em nhỏ ở Thừa Thiên-Huế bị sóng cuốn trôi là Nguyễn Hoài Nam (13 tuổi) và Nguyễn Văn Bảo (15 tuổi, là anh em họ, cùng trú thôn Trung Kiền, xã Lộc Tiến, H.Phú Lộc) từ chiều 13.10 đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.

Trước đó 2 em này ra ghềnh đá Bãi Bàng để câu cá trong khi biển động thì gặp nạn.

11 người ở Đà Nẵng bị thương khi chống bão, trong đó Ngũ Hành Sơn có 5 người, Sơn Trà: 1 người, Hòa Vang 4 người, Lữ 54 Quân khu 5 có 1 người.

Theo báo cáo chưa đầy đủ về thiệt hại ban đầu ở các địa phương, các tỉnh thành từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Nam có rất nhiều cây cối, nhà cửa bị ngã đổ, tốc mái.

Sạt lở ven biển Thuận An, Hải Dương ở Thừa Thiên-Huế diễn biến xấu do nước dâng. Tam Kỳ, Quảng Nam ngập rất nhiều khu phố, thiệt hại về trường học, trạm xá rất nặng nề.

Trong cơn bão số 10 vừa qua, việc xả lũ tại các hồ thủy điện đã khiến dân chúng chạy loạn. Vào trưa 2/10, hàng ngàn hộ dân ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đã phải hoảng loạn chạy tứ tán để tránh lũ vì tin đồn thất thiệt “vỡ đập thuỷ điện” ở thượng nguồn. Thực tế, đập không vỡ, nhưng do thuỷ điện xả lũ với lưu lượng lớn, nước hạ du dâng nhanh đến 4 mét trong tích tắc, xấp xỉ báo động 3; trong khi chính quyền không thông báo kịp thời đến dân.

Dù chính quyền đã dùng loa phóng thanh… “đuổi theo”, loan tin trấn an, tuy nhiên, ngay chiều và tối 2/10, lũ đã đổ về gây ngập lụt thật sự ở hạ du sông Thu Bồn, Vu Gia, người dân huyện Đại Lộc đã phải sơ tán 416 hộ dân với 1.602 nhân khẩu trong đêm 2/10. Tại xã Đại Quang trong đêm 2/10 - rạng sáng ngày 3/10 có 70 nhà dân tại thôn Trường An phải chạy lũ. Lũ thuỷ điện đã gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương, nhiều tuyến giao thông quan trọng bị chia cắt trong tiết trời tạnh mưa.

Theo dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6 QH Khóa XIII (khai mạc vào sáng 21/10) trình UBTVQH sáng qua (14/10), đối với thủy điện Sông Tranh 2, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết Chính phủ đang chỉ đạo tiếp tục theo dõi, đánh giá an toàn đập, nên chỉ cho tích nước giới hạn (trên mức nước chết).

Chủ tịch HĐDT Ksor Phước và một số ý kiến tại phiên họp đề nghị Chính phủ bổ sung vào báo cáo những sự cố liên quan đến an toàn đập thủy điện thời gian qua, thiệt hại do thủy điện gây ra trong quá trình thi công, vận hành.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: