Vào một ngày cuối tháng 8/2011, TAND thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long mở phiên tòa sơ thẩm hình sự
xét xử 6 bị cáo: Nguyễn Trung Kiên (sinh năm 1982), Nguyễn Thị Hoa Huệ (sinh năm 1972), Nguyễn Đình Dư (sinh năm 1986), Phạm Đức Huy (sinh năm 1988) cùng cư ngụ TP.HCM. Đặng Công Hoan (sinh năm 1988, tỉnh Đắk Lắk) và Hồ Minh Quang (sinh năm 1990, tỉnh Khánh Hòa) cùng phạm tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản“.
Theo cáo trạng, khoảng tháng 03/2010, anh Trần Tấn Hòa (sinh năm 1979, ngụ tỉnh Sóc Trăng) cùng vợ là chị Đặng Thị Diễm Thúy (sinh năm 1985), tạm trú tại khu nhà xưởng Công ty TNHH một thành viên Vissan tọa lạc trên đường Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM, làm bảng hiệu quảng cáo.
Thời gian này, Hòa đã làm quen và hơn chục lần tham gia cá cược bóng đá với Nguyễn Trung Kiên. Từ những cuộc chơi đó, Hòa đã thua Kiên số tiền cá cược tổng cộng 150.000.000đ. Do không có khả năng trả, Hòa đã cùng vợ trốn về quê vợ ở Phường 3, Tp Vĩnh Long làm thuê sinh sống.
Kiên đã nhiều lần thuê người xuống Vĩnh Long tìm vợ chồng Hòa đòi số nợ trên. Qua hai lần đòi tiền, Hòa đã trả cho Kiên được 28.000.000đ. Để đòi số nợ còn lại, tối 18/02/2011, Kiên hẹn nhóm “đàn em” gồm Nguyễn Đình Dư, Đặng Công Hoan, Hồ Minh Quang, Phạm Đức Huy nhậu tại một quán ở quận Thủ Đức, TP.HCM.
Tại đây, Kiên nói với cả nhóm: “Đi xuống Sa Đéc đòi nợ anh Hòa, nếu không trả thì bắt Hòa về thành phố”. Để thực hiện ý định, tối 19/02/2011, Kiên gặp lại đồng bọn lần nữa, lần này có thêm Nguyễn Thị Hoa Huệ, cũng tại một quán nhậu ở TP.HCM, để bàn tính cụ thể chuyến đi miền Tây bắt cóc Hòa.
|
6 đối tượng tại tòa |
Sáng 20/02/2011, Dư, Quang, Hoan và Huy khởi hành đi Sa Đéc, nơi mà họ cho rằng Hòa đang lẩn trốn. Cả nhóm đến Sa Đéc - Đồng Tháp tìm Hòa nhiều nơi nhưng không gặp. Theo chỉ đạo từ xa của Kiên, ngày 21/02/2011, cả nhóm sang thành phố Vĩnh Long để tìm “đối tượng”.
Tại thành phố Vĩnh Long, họ phát hiện anh Trần Tấn Hòa đang chở vợ bằng xe môtô. Ngay lập tức họ cho xe vượt lên chặn đầu xe vợ chồng anh Hòa. Cả bọn khống chế vợ chồng Hòa, dọa sẽ đem mã tấu đến xử. Quá hoảng sợ, vợ chồng Hòa bỏ chạy vào nhà dân gần đó. Thế nhưng chỉ một mình Hòa chạy thoát, còn cô vợ tên Thúy bị nhóm bắt cóc bắt ép lên xe chở về TP.HCM giao cho Kiên.
Đến TP.HCM, Kiên và Huệ buộc Thúy viết giấy “có nợ Kiên số tiền 122.000.000đ”, đồng thời liên lạc với gia đình Thúy đe dọa: “Nếu không chuyển tiền vào tài khoản của Kiên, sẽ chặt tay Thúy”. Thúy khóc lóc van xin họ cho về, vì cô còn có con nhỏ đang bị bệnh, nhưng mọi lời van xin đều vô hiệu. Thúy bị giam giữ tại một khách sạn, được tay chân của Kiên canh giữ. Đến ngày 22/02/2011, bọn chúng đưa Thúy đến quán cà phê Trung Nguyên thuộc phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM để chờ gia đình Thúy từ Vĩnh Long
mang tiền đến chuộc thì bị lực lượng
công an bắt quả tang cùng các tang vật, phương tiện liên quan đến vụ án.
Bọn bắt cóc lãnh án 27 năm tù Tại phiên tòa, các bị cáo đều không thừa nhận hành vi bắt cóc Thúy. Đến khi Hội đồng
xét xử công bố đơn xin giảm nhẹ
hình phạt của cha mẹ Kiên đối với Kiên, ông bà thừa nhận: “Kiên không am hiểu pháp luật nên mới thực hiện hành vi bắt cóc”. Từ đó, Kiên và đồng bọn mới thú nhận hành vi phạm tội của mình.
Trong quá trình tranh luận, vị luật sư bào chữa cho phía bị cáo cho rằng: Viện Kiểm sát truy tố tội bắt cóc là không xác định đúng tội danh theo các yếu tố cấu thành tội phạm như Thúy lên xe đi TP.HCM là do tự nguyện, các bị cáo không có dấu hiệu về chiếm đoạt tài sản, các bị cáo không đe dọa hay dùng vũ lực. Về hành vi bắt giữ người không có sự rình rập mà tình cờ gặp nhau. Trong vụ án này không đủ cơ sở cho rằng các bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng.
Cơ quan cảnh sát điều tra
Công an tỉnh Vĩnh Long căn cứ vào sự tố giác của Hòa đã vội vàng tiến hành bắt giữ các bị cáo, chưa xác định được hành vi bắt người bị hại diễn ra ở đâu. Từ những cơ sở trên, luật sự bảo vệ các bị cáo đề nghị Hội đồng
xét xử không chấp nhận cáo trạng của Viện kiểm sát, tuyên bố các bị cáo không phạm tội, trả tự do các bị cáo tại tòa vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tại phiên tòa, nhắc lại sự việc xảy ra hôm ấy, chị Thúy vẫn còn bàng hoàng, sợ hãi: “Sau khi anh Hòa bỏ chạy, Dư điện thoại cho Kiên rồi hỏi tôi: “Anh Kiên muốn gặp chị nói chuyện, chị đi không?” Tôi hỏi Kiên đang ở đâu, Dư bảo: “Đang ở cầu Mỹ Thuận”. Tôi tưởng thật nên lên xe cho Dư chở đi nhưng qua khỏi cầu Mỹ Thuận rồi đến Cái Bè, họ vẫn không chịu dừng.
Tôi khóc năn nỉ họ cho tôi về vì con tôi đang bệnh, đi học không ai rước nhưng họ không cho, bảo anh Kiên kêu về TP.HCM nói chuyện và giữ điện thoại của tôi. Đến TP.HCM, họ bắt tôi viết giấy nợ rồi đưa tôi đến khách sạn. Đêm đó, chị Huệ ở lại ngủ giữ tôi và để điện thoại trên giường. Tôi lấy điện thoại gọi cho người nhà thì Kiên bước vô giật nghe và nói với em tôi là trưa
mai không
mang đủ 122 triệu đồng đến trả sẽ chặt tay tôi gửi về. Tôi sợ quá chỉ biết khóc”.
Vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố khẳng định cáo trạng của Viện kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật vì bắt cóc là bắt giữ người trái phép thể hiện qua nhiều thủ đoạn khác nhau, cụ thể trong vụ án này là đe dọa dùng vũ lực và thủ đoạn gian dối nhằm trấn áp tinh thần người bị hại, mục đích chiếm đoạt tài sản hình thành, tồn tại xuyên suốt, cụ thể là buộc chị Thúy viết giấy nợ.
Tại phiên tòa, Kiên có đưa ra tình tiết trưa ngày 22/02/2011, tại quán cà phê Trung Nguyên, Kiên nói với Thúy là gọi taxi cho Thúy về nhưng thực tế Kiên không gọi taxi, không thể hiện thái độ, mục đích phạm tội của Kiên không dừng lại, mà đây cũng là một thủ đoạn nhằm trấn an tinh thần người bị hại trong quá trình thực hiện tội phạm.
Vấn đề các bị cáo cố tình thực hiện tội phạm đến cùng được thể hiện qua ý thức phạm tội từ đầu, tội phạm được thực hiện xuyên suốt, kéo dài, đưa người bị hại đi nhiều nơi, vì các bị cáo có tin tức từ gia đình người bị hại là
mang tiền đến chuộc nên ý thức tội phạm thực hiện đến cùng. Các bị cáo đưa ra kế hoạch ở TP.HCM nhưng thực hiện hành vi cụ thể bắt cóc người xảy ra tại địa phận thành phố Vĩnh Long nên Cơ quan cảnh sát điều tra
Công an thành phố Vĩnh Long điều tra là đúng thẩm quyền.
Quá trình điều tra vụ án thể hiện hành vi đánh bạc ăn thua bằng tiền dưới hình thức cá độ bóng đá do Nguyễn Trung Kiên, Trần Tấn Hòa khai nhận. Do hành vi đánh bạc các đối tượng khai nhận thực hiện tại phường 13, quận Bình Thạnh, TP.HCM nên Cơ quan cảnh sát điều tra
Công an thành phố Vĩnh Long đã có văn bản đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra
Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM tiến hành thụ lý điều tra và xử lý theo thẩm quyền.
Đến giờ tuyên án, vị chủ tọa nhận định: “Hành vi phạm tội của các bị cáo cho thấy tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội rất nghiêm trọng với sự tham gia của nhiều bị cáo, có tổ chức, có sự chuẩn bị phương tiện, có kế hoạch với sự tham gia nhiều người. Các bị cáo thực hiện hành vi một cách liều lĩnh, công khai bắt giữ trái phép người bị hại Thúy vào ban ngày ngay trên địa bàn thành phố đông dân cư, xâm phạm tự do thân thể, tự do ý chí chị Thúy, đưa chị Thúy đến TP.HCM làm con tin, buộc chị Thúy viết giấy nợ trong khi đây không phải là khoản nợ của chị Thúy, đưa ra lời đe dọa yêu cầu gia đình người bị hại
mang tiền đến chuộc nếu không sẽ chặt tay người bị hại Thúy.
Hành vi của các bị cáo thể hiện các bị cáo rất xem thường pháp luật, xâm phạm đến quan hệ nhân thân, đến quyền sở hữu tài sản của người khác đã gây hoang
mang, lo sợ cho gia đình người bị hại và gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an trên địa bàn thành phố Vĩnh Long.
Nguyễn Trung Kiên tham gia trong vụ án với vai trò tổ chức, chủ mưu, sắp xếp kế hoạch, thuê mướn, trực tiếp chỉ đạo xuyên suốt các bị cáo Dư, Hoan, Quang, Huy với kế hoạch tìm kiếm anh Trần Tấn Hòa buộc Hòa trả nợ tiền thua độ cá cược bóng đá, nếu Hòa không trả thì nhóm của Dư cần bắt Hòa về TP.HCM để Kiên giải quyết.
|
Bị cáo Kiên |
Khi nhóm của Dư, Hoan, Quang, Huy để Hòa chạy thoát thì Kiên chỉ đạo “đàn em” bắt chị Đặng Thị Diễm Thúy là vợ Hòa về TP.HCM. Tại quán cà phê Lam Phương, tuy Kiên cũng như Huệ không có lời lẽ dọa nạt Thúy nhưng với hoàn cảnh, tương quan lực lượng đã buộc chị Thúy phải viết giấy nợ nhằm phục vụ cho mục đích chiếm đoạt tài sản của các bị cáo; Kiên đã trực tiếp và chỉ đạo đồng bọn canh giữ chị Thúy, đưa ra lời đe dọa gia đình chị Thúy.”
Hội đồng
xét xử phiên tòa sơ thẩm Tòa án Nhân dân thành phố Vĩnh Long tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Trung Kiên – 6 năm tù, Nguyễn Đình Dư - 5 năm tù, Hồ Minh Quang – 5 năm tù, Phạm Đức Huy – 4 năm tù, Đặng Công Hoan – 4 năm tù và Nguyễn Thị Hoa Huệ – 3 năm tù cùng về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Một kết cục tất yếu cho những người thích sử dụng “luật rừng” thay thế cho luật pháp để giải quyết các vấn đề mâu thuẩn. Những người ham mê cá độ bóng đá đến nỗi nợ nần cũng cần nghiêm khắc nhìn lại mình để đừng rơi vào hoàn cảnh trên.